Dự thảo Nghị định dinh dưỡng cho trẻ nhỏ:

“Cơ quan soạn thảo phải xem xét lại!”

Trước những điểm bất cập của Dự thảo NĐ quy định về “kinh doanh và sử dụng các sp dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ” mà Bộ Tư pháp đã “tuýt còi”, TS. Vũ Thị Bạch Nga, Nguyên Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục QLCT,Bộ Công thương, đã thẳng thắn trao đổi về vấn đề này.

 

“Cơ quan soạn thảo phải xem xét lại!”


 

Xin bà cho biết Nghị định về dinh dưỡng cho trẻ nhỏ năm 2006 có tác động như thế nào tới quyền lợi của người tiêu dùng (cụ thể ở đây là người mẹ và trẻ nhỏ)?

 

Nghị định 21/2006/NĐ-CP ngày 27/2/2006 của Chính phủ về “kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ” là một trong những văn bản pháp lý quan trọng nhằm khuyến khích cho trẻ bú mẹ và hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, theo sự phát triển của xã hội, qua 7 năm thi hành, Nghị định 21/2006/NĐ-CP cũng đã bộc lộ một số điểm bất cập, cần sửa đổi, để các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ được sử dụng một cách hợp lý nhất, giúp giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và thấp còi vẫn còn khá cao ở nước ta.

 

Vậy những nét mới trong bản Dự thảo Nghị định về dinh dưỡng cho trẻ” của Bộ Y tế có phù hợp với thực tế hiện nay?

 

Như tôi đã nói ở trên, việc sửa đổi Nghị định là điều cần thiết cho sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, tôi rất ngạc nhiên là Dự thảo Nghị định mới này không những không cập nhật được những tiến bộ mới của đất nước và thế giới mà lại lạc hậu hơn so với Nghị định cũ, có nhiều quy định mang nặng tính chủ quan, áp đặt…

 

Theo luật Quảng cáo, nhà nước chỉ quy định cấm quảng cáo “sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi và thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi”. Bộ Quy tắc Quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giớicũng không cấm giới thiệu các sản phẩm cho trẻ từ 6 tháng trở lên, nếu chúng không được giới thiệu là sản phẩm thay thế sữa mẹ. Trong khi Dự thảo Nghị định mới mở rộng một cách phi lý phạm vi cấm thông tin tiếp thị bao trùm cả “các sản phẩm có chứa sữa dùng cho trẻ đến 24 tháng tuổi dùng với mục đích ăn bổ sung”. Điều này đã bị cơ quan thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật là Bộ Tư Pháp chỉ rõ là trái với Luật Quảng cáo trong công văn số 41/BTP-PLDSKT.

 

Nội dung sửa đổi trong Dự thảo còn vi phạm nghiêm trọng quyền của người tiêu dùng khi quy định: “Cấm nhân viên bán hàng tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với bà mẹ, phụ nữ mang thai hoặc thành viên trong gia đình họ tại cơ sở y tế và các địa điểm khác”. Điều này rõ ràng trái với Luật Bảo vệ Người tiêu dùng và hoàn toàn phi thực tế. Điều 8 Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng ghi rõ 1 trong 8 quyền của người tiêu dùng là: “Người tiêu dùng được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng”.

 

Điều nữa ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng là quy định “Chỉ sử dụng sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ khi có chỉ định của bác sỹ”, trong khi dự thảo Nghị định định nghĩa sản phẩm thay thế sữa mẹ bao gồm cả thực phẩm bổ sung có chứa sữa dù ít hay nhiều cho trẻ đến 24 tháng tuổi, như vậy vô hình chung sữa trở thành một loại “thuốc kê đơn” không giống ai trên thế giới. Do đó, cơ quan soạn thảo phải xem xét lại vấn đề này.

 

Như bà trao đổi về kết luận của  Bộ Tư pháp khi kiểm tra, thẩm định dự thảo Nghị định này, thể hiện trong công vănsố 41/BTP-PLDSKT dự thảo Nghị định này. Quan điểm của bà đối với những căn cứ đưa ra để “tuýt còi” dự thảo Nghị định?

 

Tôi hoàn toàn tán thành với các phân tích nêu trong công văn của Bộ Tư pháp cho thấy Dự thảo Nghị định của Bộ Y tế có quá nhiều điểm bất cập, trái với các Luật, quy định hiện hành,và nhất thiết cần sửa đổi. Về phía Cục Quản lý Cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, 2 điểm chính tôi rất lấy làm quan ngại đối với Dự thảo của Bộ Y tế đó là Dự thảo nàyxâm hại quyền của người tiêu dùng và tạo nên rào cản thị trường, khiến cho thị trường cạnh tranh không lành mạnh.

 

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Trần Phương