Sữa sẽ là thuốc cấm?
(Dân trí) - Phải có chỉ định của bác sĩ và cấm tiếp thị sữa cho trẻ dưới 2 tuổi tại các địa điểm là những quy định bất hợp lý trong Dự thảo NĐ “Quy định về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ” của Bộ Y tế mới đây.
Người tiêu dùng sẽ chỉ được dùng sữa khi có chỉ định của bác sĩ?
Muốn mua phải có đơn
Còn theo Nghị định về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ em ban hành ngày 27/2/2006, đã có quy định: “Chỉ sử dụng sản phẩm này theo chỉ dẫn của bác sĩ. Pha chế theo đúng hướng dẫn. Cho trẻ ăn bằng cốc, thìa hợp vệ sinh”. Với quy định này, người tiêu dùng chỉ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ mà không cần phải có giấy tờ gì chứng minh là đã có ý kiến bác sĩ.
Như vậy ở dự thảo mới lần này đã đổi “chỉ dẫn” thành “chỉ định” và “theo” thành “khi có”. Điều này đồng nghĩa với việc nếu Nghị định này được ban hành, việc sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng trẻ em sẽ giống như 30 nhóm thuốc phải kê đơn và bán theo đơn như quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn?
Và điều này cũng mâu thuẫn với mục c khoản 3 Điều 6 của Quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú: không được kê thực phẩm chức năng (TPCN) trong toa thuốc. Bởi trong định nghĩa sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ của Dự thảo Nghị định Quy định về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ” nêu rõ có bao gồm cả thức ăn bổ sung, trong đó gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng…
Trên thực tế, ngay cả những sản phẩm được gọi là thuốc nhưng thuộc nhóm OTC (thuốc không kê đơn) không hề có quy định nào là chỉ được mua khi có chỉ định của bác sĩ.
Như vậy, có thể đặt ra câu hỏi: dự thảo Nghị định đã căn cứ vào đâu để đưa sữa trở thành 1 mặt hàng buộc phải có chỉ định của bác sĩ?
Cấm tiếp thị tại các địa điểm
Một điểm khác của dự thảo là cấm nhân viên, người bán hàng “tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với bà mẹ, phụ nữ mang thai hoặc thành viên trong gia đình họ tại cơ sở y tế và các địa điểm khác”.
Theo đó, điểm khác biệt của dự thảo với Nghị định cũ (“Cử nhân viên tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các bà mẹ, phụ nữ mang thai hoặc thành viên trong gia đình họ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để khuyến mại hoặc bán sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, thức ăn dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi”) là cấm tất cả các địa điểm thay vì chỉ cấm tại các cơ sở y tế.
Nếu như việc cấm tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với các đối tượng liên quan tại các cơ sở y tế là chính đáng và cần thiết thì việc cấm tiếp thị tại các địa điểm khác cần phải xem xét lại. Bởi các địa điểm khác ở đây sẽ bao gồm tất cả mọi nơi, mọi chốn, từ nhà riêng, các cửa hàng đến trường học, siêu thị, công viên, hội nghị… Vậy những sản phẩm được gọi là dinh dưỡng này sẽ đến tay người tiêu dùng theo cách nào cho đúng luật?
Chưa hết, dự thảo nghị định còn nghiêm cấm quảng cáo, giới thiệu, khuyến mại các sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ từ 6-24 tháng tuổi (giai đoạn trẻ bắt đầu ăn dặm, sữa không còn là thức ăn duy nhất). Vậy việc mở rộng phạm vi cấm này là căn cứ vào đâu khi sữa mẹ không còn là thức ăn duy nhất của trẻ trên 6 tháng tuổi?
Trong khi đó, bà Lê Thị Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia khẳng định: Sau 1 tuổi, lượng sữa bú mẹ hay sữa công thức đều đã giảm. “Điều quan trọng lúc này là bé cần có một chế độ ăn đa dạng phối chộn nhiều loại ngũ cốc, đạm từ thịt, cá tôm, trứng và đậu đỗ; chất béo từ phô mai, dầu ăn, vitamin và khoáng chất từ rau xanh và hoa quả…để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu cơ thể”, bà Mai nhấn mạnh.
Còn theo TS Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH: “Chế độ ăn bổ sung hợp lý, bao gồm việc truyền thông kiến thức dinh dưỡng phù hợp lứa tuổi”.
Như vậy, các quy định hạn chế cung cấp thông tin về sản phẩm thông qua quảng cáo như dự thảo sẽ gây ra hậu quả hạn chế khả năng tiếp cận thông tin thực tế về các sản phẩm ăn bổ sung thích hợp của các bà mẹ.
Và nên chăng, thay vì cấm quảng cáo, giới thiệu, khuyến mại cho các sản phẩm dinh dưỡng trên 12 tháng, cơ quan chức năng cần có chiến lược truyền thông hiệu quả về giá trị dinh dưỡng của sữa mẹ trong giai đoạn trẻ dưới 24 tháng. Điều này sẽ giúp các bà mẹ và người thân của họ tiếp cận thông tin đa chiều, từ đó có lựa chọn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình.
Rõ ràng, mục đích kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ để khuyến khích và bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ - thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ của Dự thảo Nghị định là rất tốt đẹp nhưng cũng cần phải có căn cứ rõ ràng và không mang tính khiên cưỡng, áp đặt.
Trần Phương