Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: Giải quyết triệt để bài toán nan giải “cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện”
(Dân trí) - Sau Hội nghị “Giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện” diễn ra vào ngày 18-5-2018 của Bộ Y tế, bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã có những thành tựu tích cực trong việc giải quyết triệt để bài toán nan giải “cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện”.
Cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện - bài toán phức tạp, nan giải
Theo kết quả khảo sát về sự hài lòng của người bệnh - do Tổ chức sáng kiến Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thực hiện - vấn đề người bệnh kém hài lòng nhất không phải là việc thời gian chờ đợi thăm khám quá lâu, cũng không phải là thái độ của y, bác sĩ trong quá trình làm việc, hay chuyện các bệnh viện lớn thường xuyên quá tải… mà là tình trạng nhà vệ sinh bệnh viện “quá bẩn”.
Thực tế cho thấy, đa số các bệnh viện từ Trung ương đến cơ sở đều ít nhiều có tình trạng xuống cấp, xập xệ, thiếu vệ sinh. Có 2 lý do lớn gây ra tình trạng này.
Xuất phát từ phía bệnh nhân, để dẫn đến tình trạng “nhà vệ sinh - nỗi ám ảnh kinh hoàng”, có thể là do lượng bệnh nhân và người nhà quá đông mà không phải ai cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng nên nhà vệ sinh bệnh viện thường xuyên rơi vào tình trạng hỏng hóc, bẩn, kém vệ sinh. Trong trường hợp này, không chỉ bác sĩ, bệnh viện phải làm việc hết công suất mà chính nhà vệ sinh bệnh viện cũng đang quá tải.
Xuất phát từ phía bệnh viện, cũng có thể là do cơ chế quản lý của bệnh viện còn chưa chặt chẽ, lực lượng lao động phân bố chưa phù hợp, số lượng nhà vệ sinh không đạt tiêu chuẩn thì nhiều mà số lượng nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh lại quá ít. Nguồn ngân sách để xây dựng bổ sung nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn cũng không thuộc ngân sách chi trả của Bảo hiểm Y tế mà thuộc ngân sách của bệnh viện, không đủ để xây dựng, sửa chữa, bổ sung nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn.
Bởi vậy, ý thức người dân cùng với ý thức của nhân viên y tế, thực trạng nguồn vốn bổ sung để hoàn thiện cơ sở hạ tầng bệnh viện thiếu hụt đã đẩy bài toán nhà vệ sinh bệnh viện trở nên phức tạp, nan giải.
Tình trạng nhà vệ sinh bệnh viện không đảm bảo tiêu chuẩn có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của bệnh nhân, người nhà, thậm chí cả y, bác sĩ. Theo nhiều nghiên cứu chuyên môn, nhà vệ sinh được đánh giá là môi trường ẩn nấp và lây truyền của hơn 200 loại vi khuẩn gây các bệnh nhiễm, hô hấp, tiêu hóa…
Nếu như không giải quyết triệt để được tình trạng này, chắc chắn sẽ gây ra nhiều hệ luỵ nguy hiểm. Điển hình là nguy cơ người bệnh, người nhà bệnh nhân thậm chí cả y, bác sĩ bị nhiễm bệnh ngược là rất cao. Từ đó dẫn đến tình trạng tăng nguy cơ mắc bệnh, tăng thời gian điều trị cho người bệnh, tăng chi phí… ảnh hưởng chất lượng điều trị của bệnh viện.
Để giải quyết thực trạng đó, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực như quy trách nhiệm cho từng cơ sở y tế, đặt vệ sinh bệnh viện là 1 trong 83 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng bệnh viện, áp dụng thang điểm 1-5 trong quá trình khảo sát đánh giá chất lượng nhà vệ sinh bệnh viện (từ mức 3-5 mới đạt yêu cầu)…
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: Giải quyết triệt để bài toán nan giải “cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện”
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã có những thành tựu tích cực trong việc giải quyết triệt để bài toán nan giải “cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện”. Không chỉ đầu tư trang thiết bị hạ tầng đầy đủ, bệnh viện Phụ sản Hà Nội còn tăng cường công tác quản lý cán bộ nhân viên trong quá trình lao động, đảm bảo nhà vệ sinh bệnh viện luôn duy trì đạt thang điểm 4-5 về chất lượng.
Đồng thời, bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng đưa ra nhiều chương trình hay lớp học truyền thông tích cực dành cho bệnh nhân và người nhà để giữ gìn vệ sinh công cộng, đảm bảo môi trường tốt nhất để bệnh nhân có thể điều trị bệnh nhanh chóng, hiệu quả.
Có thể khẳng định, bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã đặc biệt quan tâm đến chất lượng dịch vụ y tế cũng như sự hài lòng của bệnh nhân, đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu bệnh viện là nơi chữa bệnh, không phải nơi sinh bệnh.