1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc không còn là công xưởng của Thế giới

Nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang có sự chuyển biến về chất, cho thấy quốc gia này không còn là “công xưởng của thế giới”, mà trở thành nguồn cung cấp vốn và thị trường tiêu thụ quan trọng toàn cầu.

Trung Quốc đang trở thành nguồn cung cấp vốn và là thị trường tiêu thụ quan trọng của toàn cầu

Trung Quốc đang trở thành nguồn cung cấp vốn và là thị trường tiêu thụ quan trọng của toàn cầu

Theo số liệu vừa công bố, Trung Quốc đã trở thành nước thứ hai sau Mỹ có GDP vượt 10.000 tỷ USD, quá trình chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc chắc chắn sẽ tác động sâu sắc tới toàn cầu. Nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang có sự chuyển biến về chất, cho thấy quốc gia này không còn là “công xưởng của thế giới”, mà trở thành nguồn cung cấp vốn và thị trường tiêu thụ quan trọng toàn cầu. Dưới đây là năm dấu hiệu chứng minh điều đó:

Thặng dư tài khoản vãng lai từng bước giảm

Do xuất siêu lớn trong một thời gian dài, Trung Quốc luôn duy trì trạng thái thặng dư tài khoản vãng lai, điều này dẫn đến những nhận định hay chỉ trích kiểu như “ đồng Nhân dân tệ bị đánh giá thấp”, “người Trung Quốc đang giành công ăn việc làm của người Mỹ”… Nhưng hiện nay thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc đã giảm xuống mức dưới 2% của tổng lượng kinh tế, thấp hơn nhiều mức trên 10% trong giai đoạn trước khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Qua thời kỳ đỉnh cao về dự trữ ngoại hối

Tác dụng phụ của mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu chính là dự trữ ngoại hối tăng nhanh, giữa năm 2014, con số này đã đạt khoảng 4000 tỷ USD, nhưng nay đang giảm dần. Hiện Trung Quốc đang tìm cách sử dụng thiết thực hơn nguồn dự trữ ngoại hối, ví dụ thay vì chỉ dùng để mua trái phiếu Mỹ thì nay là hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đi ra ngoài mở rộng hoạt động hoặc mua lại các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, gần đây Ngân hàng Trung ương Trung Quốc dừng can thiệp vào thị trường ngoại hối, cũng như hiện tượng chảy vốn ra bên ngoài, những điều này có thể cho thấy thời kỳ đỉnh cao về quy mô dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã qua.

Trở thành nước đầu tư ra ngoài

Chuyển từ nước tiếp nhận đầu tư nước ngoài, thành nước đầu tư ra bên ngoài. Trước đây, Trung Quốc luôn là nam châm thu hút đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp toàn cầu không ngừng tìm đến Trung Quốc đầu tư và tranh giành một phần trong thị trường tăng trưởng nhanh do tác động của ngành sản xuất. Cùng với làn sóng đầu tư nước ngoài bắt đầu hạ nhiệt, năng lực sản xuất trong nước dư thừa khiến doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm cách đầu tư vốn ra bên ngoài. Năm nay quy mô đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc lần đầu tiên vượt quy mô tiếp nhận đầu tư từ nước ngoài.

Nguồn vốn giá rẻ dồi dào

Trong Báo cáo công bố tháng trước của Deusch Bank, việc kinh tế Trung Quốc chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư trong nước có thể sẽ khiến nước này rải nguồn vốn lãi xuất thấp ra khắp toàn cầu. Hiện mức đầu tư trong nước của Trung Quốc đã chiếm 26% tổng mức đầu tư toàn cầu (trong khi tỷ lệ này năm 1995 chỉ là 4%). Năng lực sản xuất dư thừa và dân số lão hóa sẽ khiến đầu tư trong nước giảm, nguồn vốn lớn dư thừa của Trung Quốc tất sẽ chảy ra bên ngoài. Với quy mô nền kinh tế Trung Quốc, cộng thêm quy mô của nguồn vốn đổ ra ngoài cũng sẽ rất lớn, cho dù các ngân hàng trung ương chủ chốt trên thế giới đều đang thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng nguồn vốn này đủ để đẩy thấp giá thành vốn dài hạn toàn cầu.

Chi tiêu của người Trung Quốc sẽ tăng nhanh

Lượng người Trung Quốc ra nước ngoài du lịch đang tăng lên nhanh chóng. Ba mươi năm trước, du khách Trung Quốc du lịch nước ngoài rất ít, nhưng năm 2014, con số này lần đầu tiên vượt qua 100 triệu và đang tạo trợ lực nhất định cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn của châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Theo P.V (theo TLSQVN tại Nam Ninh)
Thế giới và Việt Nam