1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc không có khả năng bá chủ thế giới?

Liệu nước Mỹ có nên tin những lời Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Uông Dương phát biểu hôm 7/1, rằng Trung Quốc không tìm cách trở thành bá chủ thế giới?

Tử Cấm Thành, Trung Quốc
Tử Cấm Thành, Trung Quốc

Quan hệ Mỹ - Trung là một trong những quan hệ song phương phức tạp nhất trên thế giới hiện nay. Điều này càng được khẳng định khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương, vào hồi đầu tháng 1 đã có những bình luận gây nhiều tranh cãi.

Ông phát biểu rằng: “Chính Mỹ mới là quốc gia đóng vai trò lãnh đạo thế giới. Chúng tôi hiểu rõ điều đó. Trung Quốc không có ý định hay khả năng thách thức vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ.”

Câu nói trên đã trở thành đề tài tranh luận sôi nổi về hàm ý thực sự của nó. Một phần vì việc một quan chức cấp cao Trung Quốc đưa ra nhận xét mềm mỏng về quan hệ Mỹ - Trung như vậy là rất hiếm, và một phần vì những gì ông Dương nói ra có vẻ không phù hợp với chính sách ngoại giao gần đây của Trung Quốc.

Phần lớn các nhà phân tích của Mỹ đều tỏ ra nghi ngờ về câu nói đó và vẫn tin rằng mục tiêu tối thượng của Trung Quốc là thiết lập một trật tự mà quốc gia này là trung tâm của châu Á, giành lại ảnh hưởng từ Hoa Kỳ. Hay nói cách khác, Trung Quốc tìm cách thay thế Hoa Kỳ trở thành bá chủ thế giới.

Phản ứng từ phía Mỹ, một lần nữa, cho thấy sự mất niềm tin sâu sắc vào những mục tiêu dài hạn của Trung Quốc. Tạp chí The Diplomat, một tạp chí uy tín có trụ sở tại Tokyo, chuyên bàn về các vấn đề tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đưa ra nhận xét rằng sự hoài nghi như vậy là sai lầm và nó sẽ gây nguy hại cho hòa bình ổn định tại châu Á.

Vì sao? Bởi vì Uông Dương đã đã đúng khi nói rằng Trung Quốc không có khả năng cũng như không muốn cạnh tranh làm bá chủ với Hoa Kỳ. Bằng chứng cho sự chân thành đó khá rõ ràng.

Trước tiên, chúng ta sẽ nhìn vào năng lực của Trung Quốc. Mặc dù sự phát triển trên mọi lĩnh vực của Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh chóng trong 3 thập niên qua, đa số các chuyên gia phân tích cả trong lẫn ngoài nước đều đồng ý rằng vẫn còn khoảng cách quá lớn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về mức độ phát triền, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự và công nghệ. Mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2014, nhưng về chất lượng thì nền kinh tế đó vẫn còn là một điểm yếu lớn của Bắc Kinh.

Người Trung Quốc tính toán rằng họ cần từ 40 đến 50 năm hòa bình, ổn định để có thể bắt kịp Hoa Kỳ. Vì vậy, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu Trung Quốc thách thức Hoa Kỳ. Kể cả trong tương lai, Trung Quốc có bắt kịp Hoa Kỳ đi chăng nữa thì việc thách thức vẫn sẽ là sai lầm lớn bởi 2 nền kinh tế này sẽ ngày càng kết nối chặt chẽ với nhau, ngày càng phụ thuộc vào nhau.

Hơn nữa, việc thách thức một cường quốc mạnh hơn và ưu việt hơn về công nghệ như Hoa Kỳ sẽ làm hỏng “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc.

Bên cạnh năng lực còn hạn chế, Trung Quốc cũng có giới hạn cho tham vọng của mình mà đôi khi nhiều nhà phân tích Mỹ chưa thực sự hiểu. Đúng là chiến lược lớn của Trung Quốc đó là hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa” - một giấc mơ sẽ đem lại sự thịnh vượng, danh vọng và sức mạnh cho Trung Quốc. Tuy nhiên, chưa điều gì chứng tỏ Trung Quốc có tham vọng tạo ra một hệ thống mà trong đó họ có vai trò thống trị còn các quốc gia khác liên hệ với họ như những chư hầu đối với thiên triều. Tuy rằng Trung Quốc ngày càng có những thái độ cứng rắn trên nhiều vấn đề quốc tế.

Có thể những nhận thức này tồn tại ở Mỹ do nhiều nhà nghiên cứu tại đây vẫn tin rằng các quốc gia hiện nay luôn không ngừng theo đuổi quyền lực và sự ảnh hưởng. Tuy nhiên, cấu trúc chính trị quốc tế đã cơ bản thay đổi kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, vì vậy nó khiến cho mọi ý định làm bá chủ thế giới trở nên không còn hiệu quả hay thậm chí là không thể.

Về bản chất, cái giá phải trả cho vị trí bá chủ đó lớn hơn những lợi ích mà nó đem lại trong thời đại mới của chính trị quốc tế ngày nay, nhờ vào sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, vũ khí hạt nhân, và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng giữa các nền kinh tế.

Giới lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng cấu trúc mới của chính trị quốc tế và đã quyết định “mỉm cười” không tìm cách trở thành bá chủ - một vị trí không đem lại quá nhiều lợi ích trong kỷ nguyên mới này.

Đáng tiếc, Mỹ có lẽ vẫn bị ám ảnh bởi khái niệm bá chủ đó, theo Simon Reich – giáo sư về các vấn đề toàn cầu và Richard Ned Lebow - nhà khoa học chính trị nổi tiếng người Mỹ. Tin tưởng một cách sai lầm rằng một trật tự thế giới ổn định cần sự dẫn dắt của Mỹ, các nhà lãnh đạo nước này đã thông qua một chiến lược thúc đẩy gọi là “chủ nghĩa can thiệp” mà cho đến nay đa phần chỉ gây ra những vết thương cho nền kinh tế Mỹ cùng những xung đột, hỗn loạn trên toàn cầu.

Tựu trung lại, thế giới của chúng ta có thể tồn tại và phát triển thịnh vượng mà không cần đến quốc gia nào làm bá chủ, bất kể đó là Mỹ hay Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nhận ra điều đó và bớt hoài nghi Trung Quốc sớm ngày nào thì cơ hội cho hòa bình và ổn định trên thế giới càng sớm được thiết lập ngày đó.

Theo Hà My (tổng hợp)
PetroTimes