Gia Lai: Nhiều mô hình hay thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số

Hiệp Nguyễn

(Dân trí) - Tại tỉnh Gia Lai, công tác dân tộc, đặc biệt là thực hiện bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em luôn được chú trọng triển khai với đa dạng hình thức, đạt được nhiều kết quả khả quan.

Tại Buôn Choah, xã Uar, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, vợ chồng chị Ksor H'Dế (sinh năm 1990) và anh Kpă Xuyết (sinh năm 1991) được bà con địa phương yêu mến và quý trọng bởi vừa chăm chỉ làm ăn, vừa nuôi con khéo, dạy con ngoan.

Trong 10 năm kết hôn, mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, như mua thêm bò, hay mua giống mía mới vào đầu vụ… trước khi quyết định, anh Kpă Xuyết đều bàn bạc và thống nhất với vợ.

Kể cả việc sinh con, dù sinh con một bề con gái lần lượt là Ksor H'Tina (đang học lớp 2) và Ksor Hà Vy (học mẫu giáo) nhưng hai vợ chồng đồng thuận chưa sinh thêm con thứ ba, để có điều kiện nuôi dạy con tốt nhất.

Cũng tại huyện Krông Pa, nhằm tăng cường nhận thức về bình đẳng giới, nhất là học sinh nữ dân tộc thiểu số, tháng 9/2023, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện phối hợp với Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam giới thiệu sách "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" ở một số trường cấp 2.

Qua đó, các em học sinh được làm quen bộ sách "Câu chuyện truyền thông thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới" do tác giả Hoàng Đức và Edlad biên soạn.

Qua đây, khuyến khích, phát huy các giá trị tiến bộ dành cho phụ nữ, trẻ em; giúp các em có nhận thức ban đầu về các hủ tục, khuôn mẫu giới nơi mình đang sống.

Gia Lai: Nhiều mô hình hay thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số - 1

Một buổi tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng liên quan đến bình đẳng giới cho học sinh của thành viên Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại một trường học ở Gia Lai (Ảnh: T.N).

Trong năm 2023, các địa phương ở Gia Lai đã đồng loạt tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho 600 cán bộ thôn, làng, người có uy tín trong cộng đồng, chi hội trưởng phụ nữ, hội viên phụ nữ; tập huấn kỹ năng điều hành "Tổ truyền thông cộng đồng"; tập huấn kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe trẻ em và vận động phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế cơ sở.

Gia Lai: Nhiều mô hình hay thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số - 2

Lễ ra mắt "Tổ truyền thông cộng đồng" tại làng Mun, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, Gia Lai (Ảnh: T.N).

Bà Rơ Chăm H'Hồng-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai khẳng định: Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới. Tỉnh Gia Lai cũng luôn đặt vấn đề bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ là một trong những mục tiêu xuyên suốt trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Trong thời gian qua, địa phương đã có nhiều chương trình, hoạt động tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phát huy khả năng, sự đóng góp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, như đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.

Tuy nhiên, việc thực hiện bình đẳng giới và phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn nhiều thách thức, cần có sự chung tay, thống nhất của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong thời gian tới.