Chồng ngoại tình lén lút không bị xử phạt, nhiều bà vợ đánh ghen xả giận?
(Dân trí) - Nhiều ý kiến cho rằng, do pháp luật chưa có chế tài xử lý với những trường hợp ngoại tình nhưng "không chung sống như vợ chồng" nên nhiều phụ nữ mới đi đánh ghen để tự mình "xử lý" nhân tình.
Thời gian qua, người dùng mạng xã hội xôn xao bàn luận về vụ vợ đánh ghen, bắt quả tang chồng và người tình.
Clip hơn 2 phút ghi lại cảnh người vợ lao vào một nhà nghỉ, liên tục giằng co, chửi bới, kéo tóc cô nhân tình và chồng trong tình trạng không mảnh vải che thân ra ngoài căn phòng ngủ.
Clip đánh ghen sau đó được đăng tải và lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Nhiều hội nhóm tập hợp những bà mẹ "bỉm sữa" thậm chí còn chia sẻ clip cho nhau để xem cảnh đánh ghen chấn động.
Từ đây dẫn đến những tranh cãi về việc xử phạt hành vi ngoại tình. Nhiều ý kiến cho rằng, do pháp luật chưa có chế tài xử lý với những trường hợp ngoại tình nhưng "không chung sống như vợ chồng" nên nhiều phụ nữ mới chọn phương án đi đánh ghen để tự mình "xử lý" nhân tình, gây hiệu ứng xấu trong xã hội.
Một số ý kiến lại cho rằng, mức xử phạt với những người có hành vi ngoại tình còn nhẹ nên các vụ đánh ghen vẫn diễn ra.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Dân trí, TS luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp chia sẻ, theo quy định của pháp luật, người không chung thủy, ngoại tình là vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình.
Tuy nhiên, nếu vi phạm ở mức độ công khai về chuyện ngoại tình, "chung sống như vợ chồng" thì mới có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu hành vi ngoại tình ở mức độ là lén lút, giấu giếm, thậm thụt với nhau thì pháp luật không có chế tài. Những vụ ngoại tình như vậy được điều chỉnh bởi đạo đức xã hội.
Người trong cuộc sẽ bị xã hội lên án, sẽ là tấm gương xấu cho con cái và là nguyên nhân ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, người đó thậm chí có thể bị mắc bệnh xã hội.
"Trong đời sống, mọi người cần phải tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực xã hội, trong đó có chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội.
Pháp luật chỉ điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản, quan trọng, phổ biến để duy trì trật tự xã hội và định hướng phát triển xã hội.
Những quan hệ xã hội khác, đặc biệt là các mối quan hệ tình cảm thì pháp luật sẽ không điều chỉnh mà để cho các quy phạm xã hội như đạo đức, tập quán, văn hóa, tôn giáo điều chỉnh", luật sư Cường nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, thời gian qua có nhiều vụ việc ghen tuông dẫn đến đánh ghen, quay clip rồi đăng lên mạng xã hội. Không ít trường hợp người đi đánh ghen đã bị xử lý hình sự về tội "làm nhục người khác", "cố ý gây thương tích", thậm chí "giết người"…
Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết pháp luật, do ý thức coi thường pháp luật hoặc do không làm chủ được cảm xúc, hành vi của mình, nhiều người vẫn thực hiện hành vi đánh ghen, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác.
"Ghen là "quyền" của người đang yêu, là biểu hiện của tình cảm, là phản ứng tự vệ trong tình yêu nhưng đánh ghen trong mọi tình huống đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Pháp luật không cho phép sử dụng một hành vi vi phạm pháp luật để đáp trả lại một hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi ngoại tình là xấu, là vi phạm đạo đức và vi phạm pháp luật nhưng cũng không đồng nghĩa với việc người bị phản bội có quyền đánh ghen", luật sư Cường nhấn mạnh.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, nếu phát hiện ra chồng ngoại tình, người vợ có quyền lưu lại chứng cứ để đề nghị hòa giải, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự (nếu vi phạm đến mức vi phạm hôn nhân một vợ một chồng). Đó còn là căn cứ để đề nghị tòa án giải quyết cho ly hôn đơn phương trong trường hợp cả hai không thể hàn gắn.
Khi ly hôn, người có hành vi ngoại tình khiến hôn nhân đổ vỡ sẽ được xác định là người có lỗi và sẽ phải chịu thiệt khi phân chia tài sản.
Vị luật sư cũng không đồng tình với hành vi quay clip đánh ghen rồi tung lên mạng.
Luật An ninh mạng và các văn bản pháp luật có liên quan nghiêm cấm hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, đưa những thông tin dâm ô, đồi trụy, trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức văn hóa của người Việt Nam lên không gian mạng.
Những người đăng tải clip đánh ghen, khỏa thân lên không gian mạng tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp những người bị xúc phạm danh dự nhân phẩm không có đơn thư đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc thì những clip bạo lực, khỏa thân cũng là những thông tin hình ảnh bị cấm trên không gian mạng.
Người đưa thông tin này cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính nếu gây ra dư luận xấu, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Nóng giận thì mất khôn, ghen tuông dẫn đến quẫn trí
Theo luật sư Đặng Văn Cường, người xưa thường nói, nóng giận thì mất khôn, ghen tuông dẫn đến quẫn trí. Hành vi đánh ghen hoặc ghen tuông mù quáng sẽ biến người bị phản bội trở thành người vi phạm pháp luật và sẽ phải trả giá đắt với cái "kết đắng".
Hành vi đánh ghen không những không giữ được hạnh phúc gia đình mà còn làm cho gia đình tan vỡ hạnh phúc, bản thân vướng vòng lao lý. Những người ngoại tình được cơ hội chung sống với nhau, họ không phải trả giá cho hành vi ngoại tình, mà sự việc đánh ghen còn là cái cớ, là cơ hội để họ tiếp tục bên nhau.
Nhiều ý kiến cho rằng, ghen là quyền của phụ nữ nhưng mỗi người phải biết kiềm chế cảm xúc, kiểm soát hành động của mình. Người vợ không nên vì ghen mà làm ra những hành động gây tổn thương cho bản thân và gia đình, thậm chí tiềm ẩn nguy hiểm.
Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành đưa ra lời khuyên: Khi phát hiện chồng ngoại tình, phụ nữ tuyệt đối không nên đánh ghen. Đánh ghen chỉ khiến họ tổn thương, không phù hợp và không giải quyết được vấn đề gì, thậm chí có thể gây hại cho người khác, vi phạm đạo đức và pháp luật.
Theo chuyên gia Trần Kim Thành, khi phát hiện chồng ngoại tình, người phụ nữ nên giữ im lặng, cân bằng cảm xúc, tìm các hoạt động, môi trường giúp mình bình tĩnh lại trước khi có thể đề cập đến câu chuyện người thứ ba với chồng.
Phải cho mình thời gian để nhìn nhận xem mối quan hệ của cả hai trục trặc là do đâu. Chỉ khi hai vợ chồng mất kết nối thì người thứ ba mới đi qua được. Sự xuất hiện của người thứ ba là lời cảnh báo cho thấy cuộc hôn nhân đang có vấn đề mà nhiều khi người trong cuộc không nhìn ra hoặc biết nhưng cố tình lơ đi, không giải quyết.
Nếu hai người đang yêu đương thắm thiết thì sẽ không có chỗ cho người thứ ba. Còn chồng hoặc vợ có thói quen trăng hoa thì đó lại là câu chuyện khác.
Sau khi nhìn nhận lại mối quan hệ thì người chồng, người vợ nên xem những trục trặc đó có thể xử lý được không và xử lý như thế nào là tốt nhất cho bản thân mình và con cái. Nếu không thể làm hòa được thì bản thân sẽ lựa chọn cách nào.
Điều 182 Bộ Luật hình sự quy định về tội "vi phạm hôn nhân một vợ một chồng" với người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác, hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ.
Hành vi vi phạm hôn nhân một vợ một chồng bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm nếu người phạm tội "làm cho gia đình tan vỡ hạnh phúc" hoặc "đã bị xử phạt vi phạm hành chính rồi còn vi phạm".
Nếu chung sống như vợ chồng mà chưa bị xử phạt hành chính hoặc chưa dẫn đến ly hôn thì chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "vi phạm chế độ một vợ, một chồng" thì người có hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng với các hành vi sau:
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.