Cổ phiếu QCG nhà Cường "Đô La" bị bán tháo

Mai Chi

(Dân trí) - Hôm nay là phiên thứ ba cổ phiếu QCG giảm giá, tổng mức giảm hơn 11%. Chịu áp lực bán mạnh và gây thiệt hại cho nhà đầu tư lướt T+ song QCG đã tăng tới hơn 81% trong 3 tháng vừa qua.

Nếu như đầu phiên sáng nay (13/5), cổ phiếu QCG của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai vẫn còn giữ được trạng thái tăng từ mức tham chiếu 16.350 đồng lên 16.500 đồng/cổ phiếu thì chỉ ít phút sau đó, mã này đã chịu áp lực chốt lời.

Lực bán ngày càng mạnh hơn trong phiên chiều khiến đồ thị giá trong phiên của QCG chúi đầu đi xuống. Những phút cuối phiên, mã này giảm sàn và bị bán tháo. QCG đóng cửa tại mức giá sàn 15.250 đồng, khớp lệnh 1,98 triệu cổ phiếu, trong đó có 1,05 triệu cổ phiếu được khớp ở mức giá sàn. Tuy vậy, vẫn còn 264.600 cổ phiếu QCG dư bán ở mức sàn.

Cổ phiếu QCG nhà Cường Đô La bị bán tháo - 1

Diễn biến giá cổ phiếu QCG phiên 13/5 (Nguồn; VDSC).

Phiên hôm nay là phiên thứ ba cổ phiếu QCG giảm giá. Trước đó, phiên 9/5, mã này giảm 3,49% và tiếp tục giảm thêm 1,51% trong phiên 10/5. Tổng mức giảm 3 phiên là 11,34%.

Nếu như những nhà đầu tư mua bán T+ dễ thua lỗ với QCG thì những ai nắm cổ phiếu này từ đầu năm vẫn có lợi nhuận lớn. Trong 3 tháng qua, QCG đã tăng giá 81,55% và tăng 51,74% so với thời điểm đầu năm.

Không nhiều cổ phiếu giảm sàn hôm nay. Ngoài QCG, trên sàn HoSE chỉ có 2 cổ phiếu bị giảm kịch biên độ là CLW và TNA.

Trong nhóm cổ phiếu bất động sản, mặc dù áp lực bán trên diện rộng khiến nhiều cổ phiếu giảm giá nhưng mức điều chỉnh không lớn. Số ít mã có mức điều chỉnh đáng kể là SJS giảm 4,2%; NVT giảm 3,6%; TCH giảm 2,2%; FDC giảm 2%.

Chiều ngược lại, có nhiều mã tăng giá tốt. DRH và HQC giữ trạng thái tăng trần đến hết phiên, dư mua giá trần khá lớn; ITA tăng 4,4%; LDG tăng 4,1%; HPX tăng 3,7%; FIR tăng 3,4%; CKG tăng 3,3%.

Tương tự với nhóm ngành xây dựng và vật liệu. HVH và EVG được mua vào rất mạnh, tăng kịch trần và không còn dư bán. BCE tăng 3,6%; NAV tăng 3,5%, có lúc tăng trần; HBC tăng 3,2%; CRC tăng 3%; HID tăng 2,9%.

Một số mã ngân hàng hồi phục và có ảnh hưởng tích cực đến VN-Index như VPB, SHB, EIB, MBB nhưng xu hướng chủ đạo vẫn là điều chỉnh. HDB, CTG, STB, VCB, MSB, LPB, VIB, BID, TPB đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ.

Toàn thị trường có 427 mã giảm so với 454 mã tăng, trong đó, HoSE có 233 mã giảm so với 203 mã tăng. VN-Index giảm 4,52 điểm tương ứng 0,36% còn 1.240,18 điểm; HNX-Index tăng 0,68 điểm tương ứng 0,29% và UPCoM-Index giảm 0,24 điểm tương ứng 0,24%.

Thanh khoản đạt 741,57 triệu cổ phiếu tương ứng 17.214,15 tỷ đồng trên HoSE và 76,97 triệu cổ phiếu tương ứng 1.559,06 tỷ đồng trên HNX; 38,53 triệu cổ phiếu tương ứng 547,47 tỷ đồng trên HNX.