Tổng quan bệnh Thông liên nhĩ
Thông liên nhĩ là gì?
Bình thường quả tim có 4 buồng, hai tâm nhĩ được ngăn cách nhau bởi vách liên nhĩ, hai tâm thất được ngăn cách với nhau bởi vách liên thất, 2 tâm nhĩ và 2 tâm thất ngăn cách nhau bởi 2 vòng van nhĩ thất. Trong thời kì bào thai, vách liên nhĩ chưa đóng kín để cho một phần máu giàu oxy từ nhĩ phải sang nhĩ trái (do phổi chưa hoạt động). Sau khi sinh, sức cản phổi giảm xuống, máu lên phổi và trở về nhĩ trái, áp lực hai bên nhĩ phải và nhĩ trái cân bằng dẫn tới đóng vách liên nhĩ.
Nếu vách liên nhĩ không tự đóng được, sẽ gây ra bệnh thông liên nhĩ. Thông liên nhĩ có bốn thể: thông liên nhĩ lỗ thứ nhất (lỗ tiên phát), thông liên nhĩ lỗ thứ hai (lỗ thứ phát), thông liên nhĩ kiểu xoang tĩnh mạch, thông liên nhĩ thể xoang vành. Hầu hết thông liên nhĩ lỗ thứ hai với đường kính nhỏ hơn 8mm có thể tự đóng được trong 2-5 năm đầu. Các thể thông liên nhĩ khác không thể tự đóng được.
Khi bị thông liên nhĩ, máu từ nhĩ trái qua nhĩ phải và xuống thất phải. Thất phải nhận thêm một lượng máu nên dần dần sẽ giãn ra và có thể gây suy thất phải.
Nguyên nhân bệnh Thông liên nhĩ
Nguyên nhân bị thông liên nhĩ vẫn chưa được biết rõ nhưng có sự góp mặt của yếu tố gen và môi trường.
Triệu chứng bệnh Thông liên nhĩ
Hầu hết thông liên nhĩ không có triệu chứng cho đến tuổi trưởng thành (thường xung quanh tuổi 40). Các triệu chứng thường gặp là:
Khó thở, đặc biệt là khó thở khi gắng sức
Dấu hiệu của suy tim phải: phù chân, gan to, tĩnh mạch cổ nổi
Rối loạn nhịp tim: có thể gặp rung nhĩ, cuồng nhĩ. Bệnh nhân có thể thấy tim đập không đều, đập rất nhanh, hồi hộp
Nghe tim thấy tiếng thổi ở ổ van động mạch phổi do tăng lưu lượng máu từ thất phải lên phổi
Đột quỵ não do tắc mạch nghịch thường: khi shunt là phải-trái, các huyết khối từ chi dưới, vùng chậu, mảnh sùi van tim bên phải… có thể theo dòng shunt từ phải sang trái làm tắc mạch não gây đột quỵ từ mức độ nhẹ đến nặng
Đau đầu Migraine: liên quan đến dòng shunt phải-trái. Cơ chế nào mà khi shunt trở thành phải-trái có thể gây đau đầu còn chưa được biết rõ.
Tím: khi dòng máu đảo chiều không còn đi từ trái sang phải mà ngược lại từ phải sang trái sẽ gây triệu chứng tím trên lâm sàng. Tím môi, niêm mạc, ngón tay dùi trống..Khi tăng áp lực phổi cố định sẽ trở thành hội chứng Eissenmenger trên lâm sàng
Đối tượng nguy cơ bệnh Thông liên nhĩ
Mắc Rubella: mắc bệnh Rubella đặc biệt trong những tháng đầu của thai kì sẽ làm tăng nguy cơ mắc tim bẩm sinh nói chung
Hút thuốc lá, lạm dụng rượu trong khi mang thai
Đái tháo đường thai kì
Bố mẹ bị bệnh lí tim bẩm sinh
Mẹ bị bệnh hệ thống: Lupus ban đỏ
Phòng ngừa bệnh Thông liên nhĩ
Tiêm chủng đầy đủ trước khi mang thai
Giảm cân trước khi mang thai nếu thừa cân
Chế độ ăn lành mạnh
Không sinh con khi tuổi >35
Tránh các nguồn lây bệnh khi mang thai
Kiểm soát tốt đường huyết
Không hút thuốc lá, uống rượu bia khi mang thai
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Thông liên nhĩ
Siêu âm doppler tim: là phương tiện hàng đầu để chẩn đoán thông liên nhĩ cũng như định hướng can thiệp, phẫu thuật. Trên siêu âm có thể xác định được vị trí lỗ thông, kích thước lỗ thông, chiều shunt, áp lực động mạch phổi, mối liên hệ giữa lỗ thông và các cấu trúc xung quanh
Siêu âm tim qua thực quản: đánh giá chính xác các gờ của lỗ thông để xem xét liệu có thể can thiệp bít lỗ thông được hay không
X-quang ngực: chỉ thấy được các dấu hiệu gián tiếp như giãn nhĩ phải, giãn thất phải và động mạch phổi
Điện tâm đồ: thấy dấu hiệu tăng gánh thất phải, block nhánh phải
Các biện pháp điều trị bệnh Thông liên nhĩ
Điều trị thông liên nhĩ hiện nay có hai phương pháp là can thiệp bít lỗ thông liên nhĩ bằng dụng cụ hoặc phẫu thuật. Trong đó bít bằng dụng cụ chỉ áp dụng với thể thông liên nhĩ lỗ thứ hai, các thể khác cần phải phẫu thuật. Kĩ thuật bít bằng dụng cụ như sau: bác sĩ sẽ đưa các dụng cụ qua đường mạch máu vào buồng tim, điều khiển dưới màn tăng sáng. Khi tiếp cận được lỗ thông sẽ đưa dụng cụ đến bít lại. Đây là kĩ thuật cao, ít xâm lấn hơn phẫu thuật, người bệnh phục hồi nhanh.
Chỉ định đóng lỗ thông liên nhĩ khi:
Có triệu chứng trên lâm sàng: khó thở, giảm khả năng gắng sức
Nếu không có triệu chứng, đóng lỗ thông khi:
Có dấu hiệu quá tải thất phải, phì đại thất phải
Có tắc mạch nghịch thường
Nếu có tăng áp lực động mạch phổi, cần phải thông tim thăm dò để đo chính xác áp lực mạch phổi, sức cản phổi để quyết định can thiệp hay không
Chống chỉ định đóng lỗ thông nếu có hội chứng Eissenmenger trên lâm sàng