Tổng quan bệnh Viêm đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu (Urinary tract infection) là tình trạng nhiễm trùng ở bất kỳ vị trí nào của đường hệ tiết niệu như thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Hầu hết các nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra ở cơ quan tiết niệu dưới gồm bàng quang và niệu đạo.
Viêm đường tiết niệu ở nữ giới xảy ra phổ biến hơn so với viêm đường tiết niệu nam giới do cấu trúc giải phẫu đường niệu đạo của nữ ngắn hơn nam giới, do đó, dễ bị nhiễm trùng hơn. Nhiễm trùng chỉ khu trú ở bàng quang gây ra cảm giác đau đớn và khó chịu, tuy nhiên, sẽ nghiêm trọng hơn nếu nhiễm trùng lan lên thận.
Về phương pháp điều trị phổ biến hiện tại là sử dụng kháng sinh, tuy nhiên, người bệnh có thể sử dụng nhiều cách để hạn chế khả năng nhiễm trùng đường tiết niệu và cải thiện tình trạng nhiễm trùng.
Vậy viêm đường tiết niệu là bệnh gì, triệu chứng cụ thể và phương pháp điều trị ra sao sẽ có thông tin chi tiết ở phần dưới.
Nguyên nhân bệnh Viêm đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu thông qua niệu đạo và phát triển lan tới bàng quang. Đường tiết niệu có cấu trúc giải phẫu để ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập, tuy nhiên, đôi khi hàng phòng thủ này thất bại, khi đó, vi khuẩn sẽ sinh sôi và phát triển gây tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu. Nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu có thể là:
Nhiễm trùng bàng quang (hay còn gọi viêm bàng quang): nguyên nhân thường gặp là do vi khuẩn Escherichia coli (E. coli)
Quan hệ tình dục có thể dẫn đến viêm bàng quang, tuy nhiên bạn không cần phải không quan hệ tình dục để phòng ngừa viêm đường tiết niệu. Tất cả phụ nữ đều có nguy cơ bị viêm bàng quang vì giải phẫu đường hệ niệu của nữ giới từ niệu đạo đến hậu môn và lỗ niệu đạo đến bàng quang có chiều dài ngắn hơn với nam giới.
Nhiễm trùng niệu đạo (viêm niệu đạo): Loại này có thể xảy ra khi vi khuẩn GI lây lan từ hậu môn đến niệu đạo. Ngoài ra, do niệu đạo nữ gần với âm đạo, các bệnh lây truyền qua đường tình dục như herpes, lậu, chlamydia và mycoplasma cũng có thể gây viêm đường niệu đạo.
Triệu chứng bệnh Viêm đường tiết niệu
Triệu chứng viêm đường tiết niệu chung:
Viêm đường tiết niệu không phải khi nào cũng có triệu chứng để người bệnh có thể phát hiện, tuy nhiên, có thể có các triệu chứng như sau:
Thường xuyên kích thích đi tiểu
Cảm giác đau buốt và nóng rát khi đi tiểu
Đi nhiều nhưng lượng nước tiểu ít
Nước tiểu có nhiều bọt
Nước tiểu màu hồng, màu đỏ hoặc màu cola - đây là dấu hiệu có máu trong nước tiểu
Nước tiểu có mùi nặng
Ở phụ nữ có đau vùng chậu - đặc biệt là ở trung tâm của xương chậu và xung quanh khu vực xương mu.
Triệu chứng cụ thể:
Tùy thuộc vào vị trí viêm đường tiết niệu thì sẽ có các triệu chứng khác nhau ngoài các triệu chứng kể trên.
TT | Phần bị nhiễm trùng | Triệu chứng |
1 | Thận | Đau lưng trên và bên hông Sốt cao Run rẩy và ớn lạnh Buồn nôn Nôn |
2 | Bàng quang | Đi tiểu nhiều và đau buốt khi đi tiểu Có máu trong nước tiểu Đau, khó chịu ở phần bụng dưới |
3 | Niệu đạo | Nóng rát khi đi tiểu Đau khi tiểu nên đi tiểu ngắt quãng hoặc không muốn đi tiểu |
Biến chứng của viêm đường tiết niệu:
Tổn thương thận vĩnh viễn do nhiễm trùng thận cấp tính hoặc mãn tính (viêm bể thận) do nhiễm trùng tiểu không được điều trị.
Tăng nguy cơ sinh con nhẹ cân hoặc sinh non.
Hẹp niệu đạo ở nam giới do viêm niệu đạo tái phát do lậu cầu.
Nhiễm trùng huyết, một biến chứng có khả năng đe dọa tính mạng người bệnh, đặc biệt là nếu nhiễm trùng máu xuất phát từ thận.
Đường lây truyền bệnh Viêm đường tiết niệu
Quan hệ tình dục không an toàn với người mắc viêm đường tiết niệu. Do đường tiết niệu của người bệnh đã bị viêm nhiễm do đó khi quan hệ tình dục càng làm cho tổn thương/viêm thêm nghiêm trọng dẫn tới nguy cơ gây đau rát, chảy máu, lây lan viêm nhiễm sang các bộ phận khác của cơ quan sinh dục và lây nhiễm sang cho bạn tình.
Đối tượng nguy cơ bệnh Viêm đường tiết niệu
Nữ giới: người phụ nữ có đường niệu đạo ngắn hơn đàn ông, do đó dẫn tới rút ngắn khoảng cách mà vi khuẩn phải di chuyển để đến bàng quang.
Hoạt động tình dục: Phụ nữ hoạt động tình dục có xu hướng nhiễm trùng tiểu nhiều hơn phụ nữ không hoạt động tình dục. Nguy cơ mắc cao hơn khi có quan hệ với nhiều người và nhiều đối tượng mới.
Một số biện pháp tránh thai: Phụ nữ sử dụng màng ngăn âm đạo và dung dịch diệt tinh trùng làm tăng nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu.
Mãn kinh: khi mãn kinh thì nội tiết tố estrogen của người phụ nữ giảm dẫn tới niêm mạc tiết niệu - sinh dục teo, khô, mất độ mềm mại, chất nhờn của âm đạo cũng không được tiết nhiều như thời gian trước, do đó dẫn tới khả năng chống lại vi khuẩn cũng giảm, nên phụ nữ mãn kinh rất hay mắc viêm đường tiết niệu.
Bất thường đường tiết niệu: Đối với một số trường hợp có dị tật đường tiết niệu, đặc biệt ở trẻ nhỏ, dẫn tới hạn chế hoặc nước tiểu không đi ra khỏi cơ thể bình thường hoặc thay đổi dòng chảy nước tiểu và nước tiểu chảy ngược vào niệu đạo, khi đó rất dễ dẫn tới viêm đường tiết niệu ở trẻ.
Tắc nghẽn trong đường tiết niệu: gặp trong trường hợp người bệnh có sỏi thận hoặc tuyến tiền liệt bị phì đại.
Bệnh làm ức chế hệ thống miễn dịch: như bệnh tiểu đường và các bệnh khác làm suy giảm hệ thống miễn dịch để bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu.
Đặt ống sonde tiểu: Ở một số người bệnh nhập viện do không kiểm soát đường khả năng đi tiểu như hôn mê hay các bệnh về thần kinh trung ương, người bệnh sẽ được đặt sonde tiểu để kiểm soát lượng nước tiểu, tuy nhiên thủ thuật này làm xây xước đường tiết niệu và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập theo đường ống sonde tiểu, dẫn tới tăng nguy cơ viêm đường tiết niệu.
Phòng ngừa bệnh Viêm đường tiết niệu
Uống nhiều chất lỏng, đặc biệt là nước. Uống nước giúp làm loãng nước tiểu và tăng số lần đi tiểu, từ đó sẽ đẩy luôn cả vi khuẩn ở đường tiết niệu ra ngoài trước khi vi khuẩn gây ra nhiễm trùng.
Trước khi quan hệ tình dục uống nhiều nước và sau khi quan hệ nên đi tiểu để làm trống bàng quang và đẩy vi khuẩn ra khỏi đường tiết niệu.
Tránh các sản phẩm phụ khoa gây kích thích.
Khi vệ sinh bộ phận sinh dục và hậu môn thì lau hay vệ sinh từ trước ra sau, khi làm như vậy khi đi tiểu tiện và sau khi đi đại tiện giúp ngăn vi khuẩn ở vùng hậu môn lây lan sang âm đạo và niệu đạo.
Thay đổi biện pháp tránh thai. Không nên sử dụng màng âm đạo hoặc không bôi trơn khi quan hệ, bao cao su có chất diệt tinh trùng, tất cả các yếu tố này đều làm gia tăng nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Viêm đường tiết niệu
Xét nghiệm nước tiểu: Bác sĩ chỉ định lấy mẫu nước tiểu nhằm phát hiện các tế bào bạch cầu, hồng cầu hoặc vi khuẩn. Để tránh mẫu nước tiểu bị nhiễm khuẩn, người bệnh sẽ được hướng dẫn vệ sinh khu vực bộ phận sinh dục bằng một miếng đệm sát trùng và chỉ lấy nước tiểu giữa dòng.
Xét nghiệm cấy vi khuẩn: xét nghiệm này được thực hiện ở phòng xét nghiệm sẽ cho bác sĩ biết loại vi khuẩn nào gây ra tình trạng viêm đường tiết niệu và từ đó lựa chọn loại thuốc hiệu quả nhất.
Nội soi bàng quang: Nếu viêm đường tiết niệu tái phát, bác sĩ có thể thực hiện nội soi bàng quang bằng cách sử dụng một ống sonde dài, mỏng có máy quay ở phía đâu để xem bên trong niệu đạo và bàng quang của người bệnh.
Các biện pháp điều trị bệnh Viêm đường tiết niệu
Dựa vào trình trạng nhiễm trùng và các bệnh đồng mắc, bác sĩ sẽ lựa chọn thời gian điều trị và thuốc điều trị phù hợp với người bệnh như:
Đối với các trường hợp nhiễm trùng nhẹ, bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Thuốc giảm đau để làm tê bàng quang và niệu đạo từ đó giảm đau khi đi tiểu, tuy nhiên cơn đau thường thuyên giảm ngay sau khi bắt đầu dùng kháng sinh.
Uống nhiều nước. Nước giúp làm loãng nước tiểu và đẩy vi khuẩn ra khỏi đường tiết niệu ra ngoài.
Tránh đồ uống có thể gây kích thích bàng quang, tránh cà phê, rượu và nước ngọt có chứa nước ép cam quýt hoặc caffeine cho đến khi nhiễm trùng của bạn đã hết. Do các tác nhân này có thể gây kích thích bàng quang và có xu hướng làm tăng thêm số lần đi tiểu hoặc đột ngột muốn đi tiểu.