Chấn thương - Thương tích
Hồi tỉnh sau mổ chấn thương sọ não
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Quốc Tuấn - Bác Sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ Quốc Tuấn đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Gây mê - hồi sức.
Mức độ bệnh nhân hồi phục sau khi mổ chấn thương sọ não phụ thuộc rất nhiều vào quá trình phục hồi chức năng điều trị. Sau khi mổ, nếu người bệnh không có dấu hiệu chảy máu, mạch, huyết áp không giao động thì có thể chuyển sang phòng hồi sức sau mổ.
1. Chấn thương sọ não và hậu quả của nó
Chấn thương sọ não có tỉ lệ tử vong rất cao, kể cả được phẫu thuật chữa trị thành công thì người bệnh có thể gặp phải những biến chứng gây hậu quả nghiêm trọng và suốt đời. Nguyên nhân chính gây ra chấn thương sọ não chủ yếu đến từ các vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bị bạo hành và chấn thương trong thể thao.
Chấn thương sọ não là một trong những dấu hiệu của tổn thương não. Não là trung tâm điều khiển mọi chức năng của cơ thể, khi não bị tổn thương tức là mọi hoạt động có ý thức hay vô thức của cơ thể đều bị tổn thương. Những tổn thương này để lại những thiệt hại về tinh thần rất lớn, gây ra sự sai lệch về nhận thức, hành vi và trí nhớ, tình trạng thực vật, thậm chí là tử vong.
2. Hồi sức sau mổ chấn thương sọ não
Bệnh nhân bị chấn thương sọ não nếu may mắn được cấp cứu kịp thời và phẫu thuật thành công sẽ có cơ hội được sống sót. Tuy nhiên, những hậu quả của chấn thương sọ não sẽ theo người bệnh đến hết cuộc đời. Hồi sức sau mổ chấn thương sọ não sẽ giúp bệnh nhân được theo dõi tình trạng, dấu chứng sinh tồn ổn định và giảm tối thiểu những biến chứng có thể xảy ra.
Sau ca mổ, người bệnh cần được theo dõi và phát hiện các sự cố liên quan đến các vấn đề về hô hấp, tim mạch, nhiệt độ, thần kinh và tiết niệu. Cụ thể:
2.1 Về hô hấp
Để hạn chế các vấn đề về hô hấp, khi chuyển sang phòng hồi sức sau mổ, người bệnh cần được nằm đúng tư thế. Nếu người bệnh còn mê: cho nằm đầu bằng, mặt nghiêng sang một bên, kê gối sau lưng với cằm duỗi ra, đầu gối gấp, kê gối giữa 2 chân. Nếu người bệnh tỉnh, cho người bệnh nằm tư thế Fowler.
Tại phòng hồi sức sau mổ, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng như:
- Tắc đường thở do tụt lưỡi, do nghẹt đờm, co thắt thanh quản, phù nề thanh quản do nội khí quản. Lúc này người bệnh cần được làm sạch đường thở, hút đàm nhớt và chất nôn ói (hút cần cẩn thận khi người bệnh cắt amygdal). Lưu ý là nghe phổi trước và sau khi hút đàm.
- Thiếu oxy do xẹp phổi, phù phổi, tắc mạch phổi, co thắt phế quản. Điều dưỡng cần cung cấp đủ oxy, luôn luôn phòng ngừa nguy cơ thiếu oxy cho người bệnh bằng cách thực hiện y lệnh cung cấp oxy qua thở máy, bóp bóng.
- Giảm thông khí do ức chế thần kinh hô hấp, liệt hô hấp do thuốc giãn cơ, thuốc mê, hạn chế thở do đau.
Trong trường hợp này, điều dưỡng có nhiệm vụ theo dõi hô hấp, các dấu hiệu khó thở của người bệnh. Nếu nhịp thở nhanh hơn 30 lần/phút hay chậm dưới 15 lần/phút thì báo cáo ngay cho bác sĩ. Trong mọi trường hợp, người bệnh có những dấu hiệu bất thường về đường hô hấp, điều dưỡng phải báo lại ngay với bác sĩ.
2.2 Về tim mạch
Có nhiều bệnh nhân sau khi mổ sẽ xuất hiện tình trạng tụt huyết áp do chảy máu qua vết mổ, qua dẫn lưu, các dấu hiệu biểu hiện thiếu máu trên lâm sàng như: mạch nhanh, huyết áp giảm, da niêm tái. Bên cạnh đó, điều dưỡng cần theo dõi dấu mất cũng như thừa nước của người bệnh, các dấu hiệu biểu hiện thiếu nước như: dấu véo da, khát, môi khô, niêm khô. Vì vậy, bệnh nhân phải được đánh giá thường xuyên để giúp bác sĩ cân bằng chính xác tình trạng nước xuất nhập nhằm tránh nguy cơ suy thận cấp.
Tại phòng hồi sức sau mổ, người bệnh luôn được đặt máy đo điện tim liên tục với người bệnh nặng, người có bệnh tim, người già, nâng đỡ nhẹ nhàng tránh tụt huyết áp tư thế, thực hiện truyền dịch, truyền máu đúng y lệnh số giọt, thời gian và ghi vào hồ sơ tổng nước xuất nhập mỗi giờ/24 giờ (hoặc theo y lệnh).
2.3 Về nhiệt độ: Người bệnh luôn được theo dõi thường xuyên về thân nhiệt
Nhiều bệnh nhân xảy ra tình trạng tăng, hạ thân nhiệt đột ngột sau khi mổ. Khi bị tăng thân nhiệt, người bệnh có thể bị sốt nhẹ do mất nước hoặc do phản ứng cơ thể sau mổ. Các trường hợp người bệnh bị hạ thân nhiệt là do: ẩm ướt, người già, suy dinh dưỡng, do nhiệt độ môi trường, do tình trạng suy kiệt...
Để hạn chế tình trạng tăng, hạ thân nhiệt ở người bệnh sau mổ, điều dưỡng cần theo dõi và có những biện pháp cụ thể như: Khi nhiệt độ tăng cao cần thực hiện chăm sóc giảm sốt cho người bệnh; Đối với người già, bệnh nặng, suy dinh dưỡng, người bệnh thường bị hạ thân nhiệt nên cần luôn được giữ ấm
2.4 Về thần kinh
Trong giai đoạn hồi tỉnh, người bệnh sẽ gặp phải các trạng thái như kích động, kích thích do đau, không có cảm giác an toàn do ở một môi trường lạ... Điều dưỡng cần đảm bảo an toàn cho người bệnh (kéo cao khung giường, cố định người bệnh...), làm công tác tư tưởng cho người bệnh, giúp người bệnh tư thế thoải mái, phù hợp.
Ngoài các dấu hiệu trên, người bệnh sẽ có tình trạng run do nhiệt độ môi trường quá thấp, truyền máu, dịch quá lạnh, thời gian mổ quá lâu, người già, người bệnh suy dinh dưỡng, phản ứng thuốc.
2.5 Về tiết niệu
Nhiều bệnh nhân sau mổ có dấu hiệu bất thường về đường tiết niệu như: màu sắc nước tiểu, tắc tiểu, dấu hiệu phù chi do thiếu nước và rối loạn điện giải. Do vậy, điều dưỡng cần theo dõi thường xuyên nước xuất nhập mỗi giờ, tổng nước xuất nhập trong 24 giờ, tính chất, màu sắc, số lượng nước tiểu. Trong trường hợp có thông niệu đạo cần chăm sóc sạch sẽ bộ phận sinh dục và hệ thống thông niệu đạo.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán chấn thương sọ não
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.