Cơ xương khớp
Có bệnh teo cơ Delta?
Bài viết được viết bởi TS Nguyễn Hữu Công (Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội Thần kinh Trung tâm Đào tạo Cán bộ y tế TPHCM)
Trong y văn thế giới, không có “bệnh teo cơ Delta”, chỉ có triệu chứng teo cơ Delta (deltoid muscle atrophy) và triệu chứng này được thấy ở nhiều loại bệnh khác nhau.
Ví dụ tổn thương dây thần kinh mũ (axillar nerve) hay chèn ép các rễ cổ C5 và C6. Teo cơ Delta cũng có thể do nguyên nhân tiêm chích thuốc. Nhưng nguyên nhân thường thấy nhất của teo và yếu các cơ ở vùng vai (bao gồm cả cơ Delta) là các bệnh cơ (myopathies), mà chủ yếu là các bệnh loạn dưỡng cơ (muscular dystrophies).
Bệnh xơ hóa cơ Delta (deltoid fibrosis) đã được thế giới mô tả từ những năm 1960. Bệnh rải rác xuất hiện ở Ấn Độ, Đài Loan, Nhật Bản, rất hiếm có ở Hoa Kỳ. Bệnh do những dải xơ (fibrous band) nằm trong cơ Delta gây ra co rút cơ. Bệnh có thể gây ra triệu chứng xương bả vai nhô cao (scapular winging) mà dân gian gọi là “chim sệ cánh”. Thường chỉ bị ở một bên vai, trong một số rất hiếm trường hợp bệnh biểu hiện cả hai bên và cả ở mông và đùi. Người ta cho rằng nguyên nhân của bệnh do tiêm chích vào cơ Delta các thuốc như penicillin, lincocin, streptomycin, các vitamin và các thuốc hạ sốt. Người ta cho rằng có một số người có thể tạng (khuynh hướng) dễ bị xơ hóa cơ do thuốc hơn so với những người khác. Phương pháp điều trị là mổ cắt bỏ các dải xơ gây co rút cơ Delta.
Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp yếu và teo cơ vùng vai (bao gồm cả teo cơ Delta, chứng “chim sệ cánh”, yếu không thể nâng hai tay quá đầu...) là do các bệnh cơ gây ra và ở đây đặc biệt nghi ngờ là các bệnh loạn dưỡng cơ (muscular dystrophies). Có một nhóm bệnh loạn dưỡng cơ, gọi là loạn dưỡng cơ gốc chi (limb girdle muscular dystrophies - LGMD) hoặc bệnh loạn dưỡng cơ thể mặt - bả vai - cánh tay (facioscapulahumeral dystrophy). Những bệnh này gây ra các triệu chứng và hình ảnh vai và ngực như báo chí đã đăng hình. Để chẩn đoán các bệnh này, tại Việt Nam, chúng ta cho bệnh nhân thử chất creatin kinase (CK) trong máu xem có tăng cao không và cho làm điện cơ (electromyography) để chẩn đoán. Đây là những xét nghiệm rất dễ thực hiện. Hàng loạt các bệnh viện lớn tại TPHCM và một số bệnh viện ở Hà Nội có thể làm được. Để chẩn đoán phân loại bệnh sâu hơn nữa thì cho làm sinh thiết cơ và xét nghiệm gien.
Điều đáng ngạc nhiên thứ nhất là một vấn đề sức khỏe gây xôn xao như thế, mà lại chỉ được khám sơ sài ở địa phương và không có một tổ chức nào đứng ra, đưa bệnh nhân tới các bệnh viện ở Hà Nội và TPHCM để kiểm tra. Các bệnh loạn dưỡng cơ là những bệnh rất thường gặp, đã được chẩn đoán từ lâu và được đưa vào sách giáo khoa tiếng Việt cũng từ lâu. Các bác sĩ thần kinh vẫn thường gặp những biểu hiện tương tự như chứng “chim sệ cánh”, “teo cơ Delta”..., và không có bác sĩ chuyên khoa thần kinh nào cảm thấy ngạc nhiên về loại bệnh này cả. Do vậy, điều đáng ngạc nhiên thứ hai ở đây là: Trong các nhóm nghiên cứu và hội đồng khoa học liên quan tới bệnh này, không thấy bóng dáng của một bác sĩ thần kinh nào cả.
Tóm lại, không có bệnh “chim sệ cánh”, không có bệnh teo cơ Delta, chỉ có triệu chứng giống chim sệ cánh và triệu chứng teo cơ Delta. Có bệnh xơ hóa cơ Delta, nhưng đây là bệnh hiếm. Và nhiều khả năng các bệnh nhân của chúng ta bị bệnh loạn dưỡng cơ. Cách chẩn đoán thật là đơn giản: Hãy đưa bệnh nhân tới một bệnh viện có trang bị máy đo điện cơ. Nếu xét nghiệm CK và điện cơ, cùng với khám xét của bác sĩ chuyên khoa thần kinh, loại trừ được chẩn đoán bệnh loạn dưỡng cơ, lúc ấy mới được nghĩ tới bệnh xơ hóa cơ Delta và mới đưa bệnh nhân đi mổ.