Yêu thương mới thật là tiên

Dân gian xưa nay vẫn truyền tụng “Chồng già vợ trẻ là tiên”. Còn quan điểm hiện đại dưới góc nhìn của... các nhà khoa học?

Nếu xét về mặt tâm lý, sự ghép đôi này một mặt nào đó có thể tạo được sự hài hoà, tương hỗ. Ngoài một số vấn đề như sự khác biệt trong sở thích cá nhân theo lứa tuổi, khoảng cách thế hệ... hiện cũng không quá khó để lấp đầy, thì ưu điểm của cặp đôi “chồng già vợ trẻ” là sự chín chắn, trưởng thành, bao dung của người đàn ông lớn tuổi cũng như sự ngưỡng mộ và nể trọng mà người phụ nữ trẻ tuổi dành cho chồng mình.

 

Nhưng nếu xét về mặt sinh lý, đây lại là một trong những nguy cơ dẫn tới sự không bền vững của cuộc hôn nhân. Khác với trường hợp vợ chồng bằng tuổi thường dẫn tới “lệch pha” khi người phụ nữ ở vào độ tuổi mãn kinh thì những người chồng lớn tuổi sẽ gặp phải khó khăn trong việc hoà hợp sinh lý với người vợ trẻ, nhất là khi các ông chồng bước vào tuổi 55 - 60, còn người phụ nữ mới ở giai đoạn 35 - 40 đầy sung mãn. Các nhà sinh lý học cho rằng đời sống sinh lý sẽ gặp nhiều bất ổn với những cặp chênh nhau từ 12 tuổi trở lên.

 

Nhưng nói vậy không có nghĩa rằng tất cả những đôi chồng già vợ trẻ đều đứng trước nguy cơ lung lay hạnh phúc, bởi sinh lý là một phần quan trọng, nhưng không phải tất cả của cuộc hôn nhân. Chính sự yêu thương, chăm sóc, hy sinh và tình nghĩa dành cho nhau mới tạo nên sự ràng buộc khăng khít nhất.

 

Vợ: Trần Thị Tú Trinh (30 tuổi, nội trợ)

 

Đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ với cuộc sống gia đình suốt sáu năm qua, riêng về chuyện vợ chồng, theo tôi, sự chênh lệch về tuổi tác của hai người (13 tuổi - PV) cũng không thành vấn đề gì quan trọng lắm! Đã thương nhau thì cứ tiến tới với nhau, xây dựng gia đình và cùng chung sống hạnh phúc đến ngày hôm nay. Còn về khoảng cách trong suy nghĩ ít nhiều đương nhiên cũng có.

 

Trước khi tiến tới hôn nhân, cả hai cũng đều đã quen biết từ nhỏ, chơi chung với nhau một thời gian khá dài rồi (khoảng 6 năm) nên cũng hiểu tính nhau khá rõ. Những khác biệt về tuổi tác, quan điểm, hay những suy nghĩ của hai vợ chồng có lẽ thường chỉ thể hiện rõ trong công việc. Sống bên nhau từng ấy năm, nhiều khi còn cảm thấy hình như chồng cũng vô tư, thoải mái và như trẻ “lây” vợ con. Còn vợ thì luôn cảm thấy tự tin, an tâm và chín chắn hơn cùng trách nhiệm với gia đình.

 

Tất nhiên, không hẳn mọi việc lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Những lúc ấy, mình cũng phải biết khôn khéo xử sự làm sao cho hợp ý cả hai vợ chồng, cùng điều tiết, lắng nghe ý kiến của nhau rồi thống nhất đi đến một luận điểm chung. Nhiều khi, mình nói chuyện hay hành động trẻ con quá, “ổng” cũng “sửa”: “Anh cũng già rồi em ạ. Có nói gì thì bớt bớt chút. Đừng rộn ràng quá anh cũng không quen lắm!” Vậy nên cũng hiểu cho “người ta”, cũng thông cảm rồi rút kinh nghiệm dần. Sau cùng thì cái gì cũng xong thôi ấy mà.

 

Chồng: Điêu Chính Vinh Hiển (43 tuổi, phụ trách bảo hành công ty Panasonic)

 

Đằng sau những bộn bề lo toan và những gánh nặng mưu sinh của một người cha, người đàn ông vốn là trụ cột gia đình, tôi luôn tự nhủ phải cố gắng nỗ lực hết sức vì một mái ấm của riêng mình, nơi có người vợ hiền chịu thương chịu khó, tần tảo bếp núc nội trợ và thay tôi chăm sóc con cái những khi thường xuyên phải vắng nhà vì công việc... Nơi ấy, tôi yêu lắm tiếng ê a đọc bài của đứa con trai đầu lòng đang tập làm quen với những con chữ đầu đời, những tiếng khóc cười rộn rã cũng như những bước đi tập tễnh đầu tiên của cô con gái vừa tròn một tuổi.

 

Hai vợ chồng, ngoài sự chênh lệch về tuổi tác, còn có sự khác biệt trong tính chất công việc. May mắn là tôi được bà xã thông cảm nhiều, sẵn sàng hy sinh vì chồng con. Bà xã vốn trước đây là thợ may, nhưng sau khi kết hôn và có đứa con đầu lòng thì quyết định ở nhà, rồi một tay “bả” lo tất tần tật những công việc nội trợ, quán xuyến nhà cửa, nuôi dạy, và chăm sóc con cái này... Công việc của tôi rất bận rộn, không ổn định về giờ giấc, nhất là dịp cuối năm thường phải làm đến tận 11 - 12 giờ khuya mới thoát khỏi những công việc, sổ sách chất cao như núi, rồi mới lo “mò” được đường về nhà. Để bù lại sự vắng mặt của mình, tôi cũng rất hay gọi điện về hỏi thăm thường xuyên xem tình hình “nội các” ra sao, có “đồng chí” nào bị bệnh đột xuất hay sổ mũi viêm họng những khi thay đổi thời tiết thất thường hay không.

 

Những lần đi công tác xa, tôi thường nhờ người dì ở dưới quê ngoại lên phụ chăm lo nhà cửa, con cái giúp bà xã nên cũng đỡ nhiều bề. Cũng thấy phần nào an tâm hơn khi phải ra ngoài làm việc và giao tiếp với xã hội, khi đã có một chỗ dựa thật vững chắc về tinh thần từ nơi mái ấm nhỏ ấy... Đôi lúc chỉ nhẹ nhàng mỉm cười khi nghĩ về vợ con và gia đình là đủ. Những mệt nhọc, ưu phiền hay lo toan của công việc rồi cũng chỉ như phù du thoáng qua.

 

Là đàn ông không có gì đánh gục được ý chí vươn lên, nỗ lực hoàn thiện và cố gắng ổn định tốt cuộc sống, chu toàn trọng trách cũng như bổn phận làm chồng, làm cha và phải làm sao cho xứng với một trụ cột vững chắc của gia đình mình.

 

Theo Bích Ba - Lê Huy

Sài Gòn tiếp thị