Xuân muộn

Đêm Vĩnh Thượng không như tôi tưởng. Đường sá giờ đã rải nhựa phẳng lì, ánh đèn rực rỡ, hai bên vệ đường quán cà phê bóng đá mọc lên san sát, tiếng hò reo cổ vũ từ các trận đấu khiến đêm miền sơn cước chẳng kém cạnh gì một thị xã miền xuôi.


Xuân muộn



Một chút mừng vui chen lẫn nỗi niềm hoài cổ khiến tôi như kẻ lạc lõng, tê tái giữa màn sương mênh mông của núi rừng. Ngót mười năm rồi còn gì, khoảng thời gian đủ cho con người ta lớn lên và cũng đủ để xóa nhòa những kỷ niệm buồn.

Hiền tiếp tôi trong căn nhà nhỏ mới xây còn nguyên mùi vôi vữa, đồ đạc chưa nhiều nhưng tất cả đều được bài trí gọn gàng ngăn nắp, i xì cái tính của nó hồi còn đi học vậy. Nó vẫn đẹp như ngày nào dù xống áo có trễ tràng đôi chút vì đã hai con, cặp mắt tinh anh có phần trĩu nặng vì mối lo cơm áo…

Mấy chị em nhà nó hình như ở hai thái cực của nhan sắc, trong khi mấy cậu con trai đứa nào cũng đen nhẻm, tóc xoăn tít vướng vất mùi khét thì mấy đứa con gái da trắng như bông, suối tóc dài đen mượt phảng phất chút hoang dã của núi rừng rất cuốn hút.

Hồi còn học ở trường nội trú tỉnh, trong những lần nghỉ Tết sớm, tôi và nó cũng ngồi thâu đêm như hôm nay, nghe rõ mồn một tiếng giọt sương rơi trên mái hiên, tiếng rặng thông rì rào và văng vẳng đâu đó tiềng cười đùa, tiếng đàn Ta lư của những đôi trai gái đi sim, lúc văng vẳng réo rắt, lúc mơ hồ xa xôi. Tiếng gà rừng gáy te te và đôi chim từ quy gọi bạn càng khiến màn đêm âm u huyền bí. Gương mặt nó bừng lên khẽ cúi xuống nói như thanh minh: “Dân tộc mình là vậy đó, con trai con gái nếu không đi học thì đến độ mười bốn mười lăm là được quyền tìm hiểu, cùng nhau ra những con suối cạn gần bìa rừng trò chuyện. Nếu phải lòng nhau thì từng đôi một tách tốp cho đến tàn đêm xuân mới về”.

Đôi mắt nó lúc ấy lúng la lúng liếng khiến tôi quýnh quáng run rẩy không biết vì sương trắng của miền sơn cước hay cơn sóng tình bất chợt. Từ lâu tôi vẫn quý nó như người chị, người bạn, còn nó quý tôi vì già dặn trước tuổi, học hành cũng không đến nỗi, thế thôi. Tình cảnh dở khóc dở cười của đêm tình nhân vừa thực vừa hư ảo khiến tôi thành thằng ngố. Mãi sau này qua những cánh thư nó bóng gió xa xôi, đến lúc hiểu ra thì tất cả chỉ còn là quá vãng.

Học hết cấp hai nó nằng nặc đi học Sư phạm hệ chín cộng ba, khuyên bảo thế nào cũng không nghe. Kinh tế nhà nó thừa sức cho nó mấy năm Đại học. Ngày tôi tốt nghiệp cấp ba thì nó đã là cô giáo. Những ngày ở trường Sư phạm cũng có vài mối tình qua tay nhưng chẳng đâu vào đâu, người thì nó bỏ, người thì bỏ nó. Vài lần gặp gỡ nhưng câu chuyện giữa hai chúng tôi trở nên nhàn nhạt miễn cưỡng, đôi mắt long lanh ma mị của nó giờ ánh lên tia sáng bất cần.

Những cánh thư giữa hai chúng tôi thưa dần rồi mất hút. Tính nó vậy, mạnh mẽ, quyết liệt, làm cho kỳ được điều nó muốn, bằng không nó như muốn đào đất chôn đi.

Đám cưới nó to lắm. Ông bố nó vừa thương con gái vừa sĩ diện với mấy vị khách tận trong Sở giáo dục đã không quản đường sá xa xôi lên tận cái xứ khỉ ho cò gáy này chung vui. Nhưng rồi mặc cho tay MC hò hét khản cổ, dàn nhạc bật hết công suất vẫn không xóa nổi không khí gượng gạo của hai gia đình. Thằng Cheng chồng nó thì ngơ ngơ ngác ngác giữa hôn trường, hình như nó không hiểu những trò toan tính của người lớn. Bọn thanh niên bản rượu vào lời ra trêu đùa ác ý làm nó lúng túng như gà mắc tóc, mặt cúi gằm luýnh quýnh bám chặt váy cô dâu. Còn Hiền, mặt nó lạnh tanh, cặp mắt biết nói ánh lên những nét lì lợm.

Có lúc nó thầm trách ông trời không công bằng với nó. Nào nó ham hố gì cho cam? Nó chỉ muốn yên ổn với một người chồng đúng nghĩa nhưng hình như số phận muốn trêu ngươi. Những người đàn ông đi tiền trạm cho việc xậy dựng tượng đài chiến thắng khiến cái bản nhỏ nhộn nhịp hẳn lên. Bọn con gái có chút vốn hiểu biết như nó rạo rực như cánh hoa rừng chờ nắng xuân. Một buổi trưa, gã bắt gặp nó đang mơ màng bên con suối cạn. Gã không sắc sảo nhưng rất đàn ông, gương mặt sạm nắng gió công trường càng tô thêm nét bụi. Miệng gã dẻo như kẹo kéo, nhẹ tênh như gió thoảng. Đã từng tha thẩn với những cuộc tình nhưng lần đầu bị “sét đánh”, nó luýnh quýnh đỏ mặt. Ánh trăng rằm cuối năm hắt những tia sáng bàng bạc lạnh toát khiến nó run rẩy, mềm đi trong vòng tay rắn rỏi của gã.

Đám công nhân hồ hởi bên những vại bia sủi bọt khi viên gạch lát nền cuối cùng vừa hoàn tất còn vướng vất mùi vôi vữa. Suốt mấy ngày liền nó như người mất hồn. Không tìm được gã. Thân hình nó ngày một phỗng ra báo hiệu sắp làm mẹ. Khốn nạn thân nó, luật tục phạt vạ ba con trâu với ít bạc trắng nó không ngán, cái nó sợ nhất là những cặp mắt coi thường và nụ cười mỉa mai của bọn trai bản. Rồi còn ba nó nữa, ông hiệu trưởng quyền uy đang ngấp nghé vào chân Hội đồng giờ có con gái chửa hoang, nhục ơi là nhục.

Đến nước này phải dở bài cùn ra. Lão Doi dạy hợp đồng có cậu con trai mười tám tuổi. Nuôi quân ba năm dùng một giờ. Lúc này mà đem suất biên chế với cái nền nhà mặt đường nhựa ra gạ may ra giải được thế cờ bí.

Tôi cứ nghĩ, với tính khí chúng nó chắc được ba bảy hai mốt ngày rồi đường ai nấy đi. Vậy mà… Thì ra tôi không hiểu gì về nó cả. Tôi cũng chỉ là gã đàn ông khờ khạo, trong tình yêu lúc nào cũng chỉ lăm lăm chiếm hữu, biết đâu còn tồn tại cái gọi là lòng vị tha và đức hy sinh.

Thằng Cheng mở tủ bê ra hũ rượu rắn xanh ngắt. Có vài chén vào mềm môi nó mới nói chuyện được, không thì cạy răng chẳng mở miệng.

“ Cánh thanh niên giờ còn đi sim không nhỉ?”, vừa buột miệng tôi biết mình lỡ lời. Gương mặt nó ưng ửng đôi chút: “Sim mua gì nữa mày, nhà nghỉ mọc lên như nấm”.

Nghe nó nói tự nhiên buồn buồn tiêng tiếc, thèm nghe tiếng réo rắt của đàn Ta-lư, tiếng cười trong veo của người sơn nữ.

Đêm vùng cao khiến tôi khó ngủ. Ngoài kia tiếng chim két đa đa, tiếng con hoẵng gọi mẹ buồn tê tái. Những cánh rừng bạt ngàn hoa dại. Trong khi chỉ non nửa ngày đường, dưới kia những ngọn gió Lào tơm tớp, tiếng ve đã ỉ ôi gọi hè thì ở đây gần trưa ánh binh minh mới vén màn sương mỏng. Hình như Vĩnh Thượng mùa xuân dài hơn nơi khác.

Đình Dũng