Xả “rác”
Không như thường lệ, hôm nay chị Hà đi làm về mà không ghé qua chợ mua đồ ăn. Vừa bước vào nhà, chị đã ầm ầm: “Cái thứ trời ơi ở đâu ấy, làm chả ra gì mà lúc nào cũng được cất nhắc.Trong khi những người làm như trâu như bò thì vẫn cứ là cu li mãi năm này qua tháng nọ. Còn hai cha con ông nữa, chỉ biết nằm chờ sung rụng như thế à? Tôi thử không nấu ăn một bữa xem có sống nổi không? Chỉ khổ cho cái thân này, đời tôi thật bất hạnh…”.
Anh Toàn (chồng chị Hà) cũng đang có chuyện bực mình trong làm ăn, cáu theo: “Em vô lý vừa thôi nha. Hai cha con tôi làm gì nên tội, mà em vừa về đến nhà đã ầm lên thế?”. “Ừ, cha con nhà anh thì có bao giờ làm gì nên tội. Chỉ có cái thân tôi là tội thôi, thật là sống không ra sống…”. Biết vợ còn xả dài dài, anh Toàn dắt tay con đi dạo cho nó lành.
Lấy nhau được bảy năm, anh Toàn thừa hiểu tính vợ: bức xúc là thể hiện ngay, bất chấp thời gian, không gian. Có lần, vợ ghẹo: “Số anh sướng vì lấy được vợ tính thẳng như ruột ngựa, nghĩ gì nói nấy, chứ không nuôi tâm sự trong lòng như giấu bom nổ chậm, đến lúc nổ ầm ra, đỡ không nổi”. Anh nhân cơ hội, chia sẻ: “Thẳng như ruột ngựa cũng có cái hay, nhưng cũng khổ ở chỗ, em cứ bực lên là làm ầm ĩ, nhiều khi chẳng ý tứ với xung quanh gì cả”. Vợ nghe xong, lè lưỡi cười tinh quái, xem chừng chẳng nghiêm túc tiếp thu.Có lần, anh Toàn và bạn thân đang lai rai, vợ đón con học thêm vừa về đến nhà, đã ầm ĩ từ ngoài cổng: “Cô bà gì mà cứ vài tháng là đòi tăng học phí, thời buổi này ai cũng khó khăn chứ riêng gì cô khó khăn đâu” - chị vừa “bắn” vừa gật đầu chào khách. Anh nháy mắt ra hiệu, ý là “nhà đang có khách, tế nhị chút đi”. Vậy mà chị còn quay qua khách, vớt thêm một câu: “Anh coi, một buổi học thêm chỉ hai tiếng đồng hồ của con em, tính ra cả trăm ngàn. Kinh tế đã căng thẳng từng ngày rồi, cô giáo cứ được thể tăng học phí thế này, chịu làm sao được? ”. Vị khách chỉ biết cười gượng gạo cho qua chuyện, anh Toàn giận tím mặt, nhưng cố nén. Chờ vợ vào hẳn, anh nâng ly: “Thông cảm nha, vợ tui nó vậy đó, cứ bức xúc là ào ào lên, chẳng ý tứ gì cả…”.
Tối hôm đó, anh Toàn tỏ ý không vui, góp ý: “Anh nói nghiêm túc, em đừng buồn, em đâu phải trẻ con đâu, đúng không? Muốn thể hiện cảm xúc, cũng ngó trước nhìn sau một chút chứ. Hôm nay em làm anh xấu hổ với bạn…”. Vợ cãi: “Anh sĩ diện hão. Em nói chuyện cô giáo tăng học phí, chứ có gì sai đâu mà anh xấu hổ. Em đủ thứ chuyện lo toan trong người, bực bội mà chia sẻ cũng không được sao? Lấy chồng mà còn không dám chia sẻ chuyện buồn với chồng, thì lấy chồng làm gì?”. “Đó không phải là chia sẻ, em tuôn ra ầm ầm cứ như xả thẳng nỗi bức xúc của em vào mặt người khác, ai mà chịu được. Em tưởng chỉ có mình em biết bực tức thôi sao? Nếu được, trước khi trút bức xúc, em xem thử có đúng thời điểm hay không. Có lúc anh cũng đang bực bội, phải nuốt vào trong, mà còn bị em bung bét hết tất cả những chuyện em không vừa lòng ở công ty, ở chợ, ở trường của con, anh chịu sao thấu?”.
Chồng thật lòng trao đổi là vậy, nhưng vợ lại tiếp nhận theo hướng khác: “Anh đúng là quá đáng. Không lẽ mỗi lần bực bội, lại phải dọ xem chồng có đang sẵn sàng đón nhận sự chia sẻ hay không à? Sống mà không được tự do thể hiện cảm xúc thì còn gì là cuộc sống nữa?”. Anh lắc đầu, ngao ngán, chẳng buồn nói nữa.
Anh đã cố nhịn để thích nghi với cô “vợ ruột ngựa” của mình, nhưng cũng có lúc anh muốn nổi điên vì sự vô ý quá đáng của chị. Mới đây, nhân kỷ niệm bảy năm ngày cưới, anh chủ động về nhà sớm, mua một vài món ngon đãi cả nhà, và cất công dọn lại phòng ngủ cho tươm tất, thắp một cây nến thơm cho “sên sến” (vì anh biết vợ thích sến). Anh đã chuẩn bị cho buổi tối lãng mạn công phu biết bao, vậy mà đang “dạo đầu” ngon trớn, vợ lại cất tiếng: “Giờ mới nhớ, chiều nay, em bực ghê luôn. Em ghé vô bưu điện đóng tiền điện, họ bảo phải có giấy báo đóng tiền điện, họ mới thu được. Em bảo, chỉ cần cung cấp tên chủ hộ là được rồi; họ cứ nhất quyết bảo là không. Vậy là vẫn chưa đóng được tiền điện, hổng chừng tối nay người ta cắt điện mất…”. Chồng nghe mà “nguội” hẳn, dỗi, bỏ xuống phòng khách hút thuốc. “Anh bị làm sao thế? Hâm à?”. “Em hâm thì có, em không thể nói chuyện đó sau được à? Anh không biết phải nói với em thế nào nữa”.
Anh đã cố tìm mọi cách, từ nhẹ nhàng đến to tiếng, đều chẳng cải thiện được cái tính “tức lên là nói” của vợ. Bởi vợ vẫn chỉ ghi nhận theo kiểu “mình có lão chồng hâm, không thèm chấp”. Thế nên, người khó chịu cứ khó chịu, người hồn nhiên cứ tiếp tục hồn nhiên.
Cô em gái chị Hà mới lấy chồng được một tuần, ghé chơi. Vô tình, trước đó vài phút, anh Toàn bỏ cái thiệp cưới của em vợ vào thùng rác, vẫn còn lấp ló trên nắp. Chị Hà trông thấy, nhanh tay bỏ thêm mấy vỏ chuối vào để lấp. Cô em về, vợ bảo: “Anh đấy, nếu em nó mà thấy mình bỏ thiệp hồng của nó vào sọt rác thì chạnh lòng lắm. Rác thì rác, anh cũng phải bỏ vào đúng nơi đúng lúc chứ”. Anh Toàn cười đủng đỉnh: “Ừ, hôm nay em tế nhị một cách xuất sắc, nhưng anh nghĩ, bài học này cũng có giá trị lớn cho em đấy. Đâu phải cứ “rác” thì xả vô tư, phải tùy nơi tùy lúc chứ…”. Lần này thì vợ sa sầm nét mặt. Anh mừng thầm, bụng bảo dạ: “Chắc đằng ấy thấm thía rồi nên mới tỏ thái độ thế, chứ cứ cười hơn hớn như mấy lần bị phê bình trước, chẳng thay đổi được gì…”.
Theo Trần Triều
PNO