Vượt qua nghìn lẻ một cuộc cãi vã khi ở nhà mùa dịch

May

(Dân trí) - Giãn cách xã hội, cả hai vợ chồng tôi đều phải làm việc ở nhà, kiêm luôn nhiệm vụ trông con và đủ thứ việc nhà không tên. Các công việc chồng chéo nhau khiến chúng tôi áp lực.

Vài tuần giãn cách tưởng như cả năm trời khi có nghìn lẻ một lần "đũa bát xô nhau" với đủ lý do nhỏ nhặt.

Vượt qua nghìn lẻ một cuộc cãi vã khi ở nhà mùa dịch - 1

Ảnh minh họa: Getty Images.

Chồng đang chạy deadline thì vợ lèo nhèo bên cạnh về đống bát vốn là nhiệm vụ của chồng chưa được rửa. Chồng điên tiết quát lại vợ vì không để yên cho chồng làm việc. Vợ đành ngậm ngùi câm nín nhưng trong lòng vô cùng ấm ức. Buổi trưa trong lúc vợ loay hoay cả tiếng cho con ăn, dọn dẹp, cho con ngủ thì chồng vội vàng ăn cơm rồi đi nghỉ trưa. Đến cuối chiều vẫn thấy đống bát bẩn nằm nguyên, mà mình sắp phải đi nấu cơm, không có bồn nước sạch để sơ chế thực phẩm nên vợ mới nổi nóng. Đó là tình huống điển hình ở gia đình tôi.

Tôi đem chuyện kể với hội bạn thân mong tìm lời khuyên thì nhận lại những lời đồng cảm "giống nhà mình ghê", "tưởng gì, vợ chồng tớ cũng cãi nhau như cơm bữa, nhìn mặt nhau là thấy chán luôn".

Nhà bạn tôi chỉ vì tranh cãi chuyện bật điều hòa 28 hay 24 độ, ai tắm cho con, ai kèm con học online, hôm nay ăn món gì mà chiến tranh lạnh cả nửa tháng nay. 

Một anh bạn đồng nghiệp thì kêu trời vì năng lực tiêu tiền đỉnh cao của vợ. Dịch dã, lương hai vợ chồng họ đều bị cắt giảm. Nhưng cô vợ vài ngày, nửa tuần lại chạy xuống nhà nhận ship. Đồ ăn, vật dụng thiết yếu thì không nói nhưng còn quần áo, mỹ phẩm, đồ trang trí nhà cửa vợ cũng khuân về. Anh chồng sốt ruột nên đã thốt ra những lời khó chịu. Chị vợ tủi thân cãi lại. Thế là nhà cửa om sòm.

Hóa ra gia đình nào cũng có mâu thuẫn. Những câu chuyện không hồi kết. Những ngày giãn cách cứ trôi qua như vậy, căng thẳng nhiều hơn là thư giãn. Ai cũng mong mọi thứ sớm trở lại bình thường.

Rồi một hôm, em bé lên ba của tôi bỗng ôm cổ tôi nói "Bố mẹ cãi nhau, con buồn". Những ký ức tuổi thơ bất chợt ùa về. Ngày bé tôi cũng từng có những lúc buồn bã, sợ hãi vì chứng kiến ba mẹ cãi nhau. Mặc dù xét chung mọi mặt, gia đình tôi có thể coi là hạnh phúc, bố mẹ tôi thương yêu nhau, luôn vun vén vì gia đình và con cái. Nhưng bố mẹ cũng đã nhiều lần nổi trận lôi đình với nhau. Giờ nghĩ lại, tôi thấy đó là điều rất bình thường vì ai mà chẳng có khi mất bình tĩnh. Nhưng tâm hồn bé con của tôi hồi ấy đã thực sự bị tổn thương.

Câu nói hồn nhiên mà rất chân thực của con gái đã khiến tôi sực tỉnh. Bạn đời là người cùng ta đi suốt cuộc đời, nếu không vì những mâu thuẫn, lỗi lầm quá lớn thì chắc không bao giờ buông tay nhau. Ai cũng không hoàn hảo, nếu không thể sửa được thì hãy học cách chấp nhận. Một vết mực nhỏ xuất hiện giữa trang giấy trắng tinh, ta thường để ý ngay đến vệt mực chứ không phải cả trang giấy. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng vậy, đa phần nhìn vào những điều chưa được mà quên đi những thứ mình đang có.

Chúng tôi vẫn còn một mái ấm che đầu, còn công việc để duy trì thu nhập, còn được ở bên nhau. Ngoài kia bao nhiêu người mất việc, bao nhiêu người khốn khổ vì miếng cơm, manh áo, bao nhiêu gia đình chia cắt, thậm chí là chia ly sinh tử vì dịch dã. Vậy mà, những người đang có cuộc sống bình thường như tôi lại vì dăm ba cãi vã vụn vặt, khiến không khí gia đình căng thẳng, khổ nhất là làm buồn lòng bọn trẻ.

Ở nhà, có người dành thời gian để tăng tương tác với các thành viên trong gia đình, làm những việc trước đây chưa bao giờ làm vì bận rộn mưu sinh bên ngoài, có người học thêm kỹ năng mới, có người biết sống tiết kiệm, tối giản để thích nghi với hoàn cảnh. Nhưng cũng có người thấy bi quan, chán nản nên kiếm chuyện gây lộn. Lựa chọn nhiều khi chỉ khác nhau ở thái độ, cách nhìn nhận. Nếu muốn trải qua một quãng thời gian ý nghĩa hơn, chúng tôi có lẽ phải học lại cách sống bình thản qua mùa dịch.