Vui vẻ... “bám váy vợ”

Khi xem bộ phim “Những bà nội trợ kiểu Mỹ” phát sóng trên truyền hình, anh Khang (ngõ Đa Lộc, Xuân Thủy, Hà Nội) đã vui vẻ tự nhận mình là “ông nội trợ kiểu... Việt Nam” mà không hề cảm thấy ngại ngùng.

Mà đúng thật, từ hơn chục năm nay, để vợ yên tâm công tác, anh Khang đã tự nguyện nhận về phần mình tất cả những công việc bị cho là “đàn bà” như nấu nướng, giặt giũ, quét nhà, chăm sóc con cái...

 
Vui vẻ... “bám váy vợ” - 1

Anh thành thạo giá cả những loại thực phẩm dùng hàng ngày như rau, thịt, cá, trứng, sữa... không kém gì một bà nội trợ thứ thiệt. Nhìn cách anh nấu nướng, dọn dẹp rồi chăm sóc hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn, nhiều phụ nữ trong cùng khu ngõ còn phải trầm trồ thán phục vì... quá khéo!

 

Anh Khang vốn là kĩ sư trong một nhà máy cơ khí đóng trên địa bàn huyện Gia Lâm và vợ là giảng viên Đại học. Trước đây, hai vợ chồng vẫn cùng nhau chia sẻ việc nhà và chăm sóc con cái. Thế nhưng, khoảng năm 1997, cơ quan anh Khang sau một thời gian làm ăn thua lỗ đã phải tuyên bố phá sản, anh “nghiễm nhiên” trở thành... thất nghiệp. Dự định sẽ đi tìm việc mới nhưng vào đúng thời điểm đó thì chị Lê, vợ anh chuẩn bị làm nghiên cứu sinh để lấy học vị tiến sĩ. Nếu anh đi làm, vợ cũng đi học thì nhà cửa bề bộn, con cái không ai chăm. Có thể thuê người giúp việc nhưng vợ chồng anh đều không yên tâm vì khi đó hai cháu còn quá bé (bé trai 1 tuổi và bé gái 3 tuổi) thế nên anh đành “hi sinh” ở nhà một thời gian giúp vợ yên tâm phát triển sự nghiệp.

 

Làm riết rồi thành quen, một thời gian sau, khi đã tìm được việc dạy môn kĩ thuật công nghiệp ở trường trung học phổ thông gần nhà, anh Khang vẫn “tự nguyện” làm hết việc nhà và chăm sóc con cái vì công việc giảng dạy và nghiên cứu của vợ chiếm rất nhiều thời gian và sức lực.

 

“Thu nhập thua vợ, lại phải làm những công việc vẫn bị cho là của người phụ nữ trong gia đình, có bao giờ anh ngại việc sẽ bị mọi người cho là bám váy vợ?”. Anh Khang cười rất to: “Lúc đầu quả cũng nghĩ ngợi nhiều nhưng rồi mình hiểu là mình làm việc đó là vì vợ vì con. Thời nào rồi mà còn nói là đàn ông làm việc nhà là bám váy vợ? Ai làm cũng được miễn gia đình hòa thuận, hạnh phúc là được”.

 

Cũng giống như anh Khang, anh Minh (ngõ Quỳnh, Bạch Mai, Hà Nội) cũng tự nguyện “rút lui khỏi chính trường” để ở nhà làm công việc của một “ông nội trợ kiểu Việt Nam” thứ thiệt để vợ yên tâm buôn bán, chèo chống kinh tế gia đình. Trước anh Minh làm lái xe taxi nhưng thu nhập không được bao nhiêu lại thêm mâu thuẫn với người quản lý trực tiếp nên xin nghỉ luôn để tìm việc khác.

 

Cùng thời gian đó, gia đình anh xảy ra một việc:  Cô bé giúp việc vốn làm cho gia đình từ mấy năm nay xin về quê lấy chồng. Tìm mãi không được người giúp việc ưng ý, lại thấy công việc làm ăn của chồng không hiệu quả nên vợ anh Minh đã đề nghị chồng ở nhà chăm sóc con cái và thỉnh thoảng giúp chị việc giao hàng ở cửa hàng kinh doanh đồ điện. 

 

“Lúc đầu cũng bực mình ghê lắm. Vì nghĩ vợ coi thường mình, nghĩ mình đàn ông đàn ang đường đường thế này mà lại phải đi bám váy vợ nhưng rồi cô ấy giảng giải một hồi nào việc nhà thì cũng là việc, rồi quan trọng không phải vợ hay chồng làm ra nhiều tiền hơn mà quan trọng là gia đình mình sống đầy đủ, hạnh phúc hơn... nên mình thì cũng nghe ra”, anh Minh nói.

 

Một điều khiến cả anh Khang lẫn anh Minh đều yên tâm và vui vẻ làm “ông nội trợ” chính là bởi các chị vợ cho dù có làm ra nhiều tiền hơn, học hàm học vị có cao hơn, có thành đạt hơn nhưng không bao giờ lấy đó để lên mặt với chồng. Mọi việc lớn, nhỏ trong gia đình, các chị đều tham khảo ý kiến của các anh nên vai trò làm chủ gia đình của các anh không vì thế mà bị suy chuyển.

 

Để về hỏi ý kiến... vợ!

 

Mọi người trong đại gia đình anh Thanh (Bình Lục, Hà Nam) đều trêu chọc anh là “râu quặp” vì anh có thói quen có việc gì lớn xảy ra trong gia đình cũng đều hỏi ý  kiến vợ rồi mới quyết.

 

“Mình không sợ vợ mà mình tôn trọng cô ấy. Việc hỏi ý kiến của cô ấy mỗi khi có việc gì là thể hiện sự tôn trọng đó”, anh Thanh luôn nói như vậy mỗi khi có người buông lời châm chọc. Mặc kệ tất cả những lời ra tiếng vào, thậm chí đôi khi cả sự bực mình của anh em trong nhà, anh Thanh luôn giữ quan điểm “phải tham khảo ý kiến của vợ” trước khi quyết định mọi việc. Thực ra, không phải ngẫu nhiên mà một người đàn ông vốn khá bảo thủ như anh Thanh lại trở nên “bình đẳng” như vậy.

 

Chị Lanh, vợ anh Thanh được tiếng là một người phụ nữ đảm đang, hiểu biết và ăn ở rất được lòng mọi người. Không chỉ với chồng con trong nhà mà ngay cả với hàng xóm láng giềng, cách đối nhân xử thế của chị luôn khiến người khác phải nể phục. Chính điều đó đã tạo được niềm tin nơi người chồng của chị là anh Thanh. Anh luôn tin tưởng với mọi vấn đề, chị sẽ có những cách giải quyết hợp tình hợp lý. Chính bản thân những người luôn trêu chọc anh Thanh cũng thường xuyên phải công nhận, nhờ luôn tôn trọng ý kiến của nhau mà vợ chồng anh luôn giữ được hòa khí gia đình, luôn được lấy ra làm gương cho các gia đình trẻ trong xã noi theo. Chính vì thế nên dù có bị gọi là “sợ vợ”, là “bám váy vợ” thì anh vẫn luôn vui vẻ và kiên định với quan điểm “phải tham khảo ý kiến vợ”.

 

Thay cho lời kết

 

Bị ảnh hưởng sâu sắc bởi chế độ phụ quyền, “phu xướng phụ tùy” trong lễ giáo Nho Khổng nên nhiều nam giới cảm thấy việc phải lui về làm nội trợ để vợ kiếm tiền là một điều mất mặt, “xâm phạm nghiêm trọng” tự ái đàn ông.

 

Đối với họ, việc phải lui cui trong bếp làm những việc nấu nướng hay quét dọn hoặc phải hỏi ý kiến vợ trước mỗi việc lớn nhỏ trong gia đình là sự hạ mình. Tư tưởng ấu trĩ này chính là căn nguyên của rất nhiều những tấn bi kịch xảy ra trong xã hội như bạo lực gia đình, ly hôn...

 

Bị nhiều người cho là “bám váy vợ”, một ngữ vốn có ý chê bai, khinh miệt nhưng tất cả những người đàn ông trong bài viết này đều có một gia đình hạnh phúc, gia đình, con cái hòa thuận và quan trọng là trong mắt vợ, họ vẫn là những người chồng bản lĩnh và đáng khâm phục.

 

Xin kết lại bài viết này với lời nói của anh Khang - một nhân vật trong bài viết: “Có gì xấu đâu nếu đàn ông chúng ta chia sẻ việc nhà với vợ. Và nếu như chồng làm việc nhà mà vợ có thời gian để phát triển sự nghiệp, phát triển kinh tế thì điều đó càng đáng quý hơn”.

 

Theo H.Anh

Phununet