Vừa cưới vợ, tôi đòi làm "tay hòm chìa khóa" và nhận về cái kết đắng

Giang Hà

(Dân trí) - Trước ngày tôi kết hôn, bố nhắc tôi đừng có dại làm ra đồng nào đưa hết vợ đồng đó. Là đàn ông, khổ nhất là phải ngửa tay xin vợ những đồng tiền do chính mình làm ra.

Tôi sinh ra trong gia đình tôn trọng nữ quyền. Từ nhỏ đến lớn, mọi việc lớn nhỏ trong nhà hầu như bố đều nghe theo ý của mẹ. Có lẽ đó cũng là lý do gia đình tôi luôn hòa thuận, yên ấm, không giống những gia đình xung quanh, thỉnh thoảng lại xảy ra cãi vã.

Sau này lớn lên, tôi mới biết rằng, thực ra là vì bố tôi quá hiền lành, còn mẹ lại rất tháo vát, giỏi giang. Từ khi kết hôn, tiền bạc trong nhà đều do mẹ quản lý. Việc của bố đơn giản chỉ là mỗi tháng đưa lương cho mẹ. Thói đời, người cầm tiền thì có quyền. Huống hồ mẹ tôi vừa cầm tiền, vừa làm được nên nói được.

Trước ngày tôi kết hôn, bố rủ tôi ra quán bia, hai bố con ngồi đó cả buổi. Bố nhắc đi nhắc lại chuyện tôi hãy nhìn theo gương ông mà tránh đi vào "vết xe đổ".

Rằng đàn ông, dù thế nào cũng phải giành quyền nắm lấy kinh tế ngay từ đầu, không để vợ lấn lướt. Đừng có dại làm ra đồng nào đưa hết cho vợ đồng đó, khi cần tiền lại phải ngửa tay xin vợ những đồng tiền do chính mình làm ra.

Vừa cưới vợ, tôi đòi làm tay hòm chìa khóa và nhận về cái kết đắng - 1

Hóa ra làm "tay hòm chìa khóa" trong gia đình chẳng phải là việc dễ dàng (Ảnh minh họa: iStock).

Tôi ghi nhớ bài học lớn này của bố. Ngay sau tuần trăng mật, tôi quyết định thăm dò ý vợ về chuyện kinh tế trong nhà nên như thế nào. Vợ tôi nói, tiền bạc nên quy về một mối. Một người cầm "tay hòm chìa khóa" quản lý chi tiêu mọi việc trong nhà, người còn lại có nhiệm vụ giao nộp lương mỗi tháng sau khi trừ đi một khoản để chi tiêu cá nhân. Vợ hay chồng giữ tiền đều được.

Nghe vợ nói xong, tôi không suy nghĩ, lập tức nhận trọng trách giữ "tay hòm chìa khóa" trong nhà. Nghĩ về việc mỗi tháng nhận lương về không phải nộp cho vợ, còn được vợ đưa lương cho, thật sung sướng biết nhường nào. Tôi gọi điện thoại cho bố khoe niềm vui bất ngờ này. Bố tôi còn vui hơn tôi, bảo đời tôi có vẻ sáng sủa hơn bố rồi đấy.

Vì chỗ làm của tôi gần hơn vợ nên vợ giao cho tôi luôn phần chợ búa. Tan làm, tôi chỉ việc đi chợ, vợ về sẽ đảm nhận phần vào bếp. Cuộc sống sau hôn nhân cơ bản là ổn. Ổn nhất chính là chuyện khi cần tiền chi tiêu bất cứ việc gì, tôi không phải xin vợ. Việc lớn cần chi nhiều tiền, chỉ cần thông qua, việc nhỏ thì không cần nói. 

Nhưng kể từ khi có con, mọi chi tiêu trở nên nhiều hơn, toàn những thứ vụn vặt. Hàng tháng, ngoài việc trả tiền điện nước định kỳ, tiền ăn uống hàng ngày vẫn như mọi khi không nói. Bây giờ có con nhỏ, tiền bỉm, tiền sữa, tiền tiêm phòng, tiền khám bệnh, thuốc men đủ kiểu.

Một ngày vợ nhắn cho tôi không biết bao nhiêu tin nhắn, dặn mua thứ này thứ kia. Nếu không tiện mua, lập tức chuyển khoản để cô ấy mua. Nhiều hôm không để ý điện thoại, về nhà rồi lại phải chạy đi. Chuyện chai mắm, chai dầu hết cũng phải để ý.

Tôi nhận ra, từ ngày lấy vợ, tôi chẳng còn thời gian tụ tập với bạn bè đồng nghiệp sau giờ tan ca. Tôi trước đây vốn không quá quan trọng chuyện bạc tiền, nay đầu lúc nào cũng nghĩ ngợi, tính toán những thứ vụn vặt, tủn mủn.

Có những khi chưa hết tháng, tôi đã tiêu hết toàn bộ tiền lương của cả hai vợ chồng khiến tôi hoang mang tột độ. Chỉ là mỗi ngày mua mỗi thứ một ít, sao lại hết nhiều tiền thế được? Tôi quyết định thử ghi chi tiết việc chi tiêu vào sổ. Cuối tháng cộng lại, tá hỏa vì không ngờ lại hết nhiều tiền đến thế.

Tôi nghĩ đi nghĩ lại vẫn thấy không ổn. Nếu cứ đà này, 10 năm sau, vợ chồng tôi cũng không có một đồng tiết kiệm. Hóa ra việc giữ tiền chẳng có gì vẻ vang, tính toán chi tiêu sao cho hợp lý để có tiền dư lại càng đau đầu, mệt mỏi.

Vài hôm trước, tôi bàn với vợ từ tháng tới, vợ không cần đưa lương cho tôi nữa. Đổi lại, tôi sẽ giao hết lương cho vợ, cô ấy muốn làm gì thì làm. Vợ nhìn tôi, không tỏ bất cứ thái độ gì: "Anh không cầm thì em cầm, cũng như nhau mà". Một câu nói của vợ mà khiến tôi như trút đi gánh nặng.

Mấy hôm sau, tôi vô tình nghe vợ nói chuyện điện thoại với bạn, ý là ngay sau hôm cưới nghe giọng điệu tôi đã biết tôi muốn cầm "tay hòm chìa khóa". Dù không muốn, cô ấy cũng đồng ý cho tôi thử xem sao. Kết quả là bây giờ, tôi hối hận rồi.

Hóa ra đấy là "chiêu bài" của vợ tôi. Cô ấy cho tôi làm "trưởng phòng tài vụ" mấy năm, cả phần đời sau này tôi không dám ý kiến gì về chuyện quyền hành hay chuyện chi tiêu tiền bạc trong nhà nữa.

Hôm trước, tôi về rủ bố đi uống bia hơi vỉa hè. Tôi bảo bố: "Bao nhiêu năm qua, bố sướng mà không biết là mình đang sướng đấy. Kiếm tiền đã khó, chi tiêu tiền cho hợp lý càng khó hơn".

Hóa ra, chỉ có chừng ấy tiền, làm thế nào để tính toán chi tiêu, lo đủ mọi thứ trong ngoài mà vẫn còn tiền để dành dụm phòng lúc ốm đau hay có việc lớn, thật chẳng dễ dàng.

Đó là lý do đàn ông chúng ta nên tự nguyện đưa tiền lương cho vợ. Tin tôi đi, khi cầm tiền chúng ta đưa, đầu vợ đã phải "nảy số" tính toán số tiền ấy sẽ chi tiêu vào những việc gì rồi, chẳng sung sướng gì đâu.

Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.