“Vụ án” sợi tóc trên vai áo chồng
Phát hiện sợi tóc dài trên vai áo chồng khi đi làm về, chị Hoa vật vã khóc lóc, chỉ trích, quy kết chồng tội… ngoại tình.
Còn chị Nhung ở Minh Khai, Hà Nội lại là nạn nhân của ông chồng ghen tuông hoang tưởng.
Nhiều lần vào nửa đêm, chị Nhung bị chồng dựng dậy tra hỏi vì nghi ngờ vợ ngoại tình dù không có bằng chứng. Thấy vợ im lặng hoặc van xin, anh liên tục cấu véo, tát vào mặt vợ. Thậm chí, có lần anh bắt chị quỳ dưới đất hàng giờ, còn mình ngồi trên giường tra khảo.
Một lần, bố mẹ của một em học sinh do lớp chị Nhung chủ nhiệm đến nhà cảm ơn vì đã cảm hóa được đứa con ngỗ ngược. Mẹ của cậu học sinh đó xin phép vào nhà vệ sinh rửa tay, trong phòng khách chỉ còn ông bố đang ngồi đối diện trò chuyện với Nhung. Vừa lúc đó, chồng chị về, không cần biết đầu đuôi câu chuyện thế nào đã xông vào đánh người đàn ông và luôn mồm chửi bới, gào thét rằng bắt quả tang vợ… đưa trai về nhà.
Tiến sĩ Ngô Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, bệnh hoang tưởng ghen tuông có thể xảy ra ở cả nam và nữ. Đầu tiên người bệnh có thể ghen ở một đối tượng cụ thể nào đó, sau càng lan tỏa dần, thậm chí ghen với tất cả những người khác giới khi họ tiếp xúc với bạn đời của mình. Ở những người ghen tuông bình thường, mối nghi ngờ, mâu thuẫn sẽ được giải quyết khi bạn đời đưa ra bằng chứng, lý lẽ thuyết phục và được đón nhận tình yêu của bạn đời. Còn đối với người hoang tưởng ghen tuông, mọi lý lẽ trở nên vô ích, họ khăng khăng khẳng định bạn đời của mình đang ngoại tình.
Bệnh thường xảy ra ở những người có tiểu sử tâm thần phân liệt, loạn thần do lạm dụng rượu bia, rối loạn hoang tưởng… Do đó, việc điều trị cho họ phải kết hợp giữa dùng thuốc và điều trị tâm lý.
Theo tiến sĩ Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám TuNa, Hà Nội, hoang tưởng ghen tuông là bệnh rất khó chữa, thời gian chữa trị có khi kéo dài hàng năm nên cần sự kiên trì của người bệnh. Ngoài ra, sự quan tâm chăm sóc của gia đình, đặc biệt là người bạn đời, có vai trò quan trọng. Cách tốt nhất là mỗi lần điều trị tâm lý cho người bệnh, bạn đời nên đi cùng nghe chuyên gia tâm lý phân tích để hiểu và thông cảm hơn, đồng thời cũng để học hỏi, rút kinh nghiệm phòng tránh những tình huống dễ gây hiểu lầm và hàn gắn lại tình cảm vợ chồng.
Tuyệt đối gia đình không được chỉ trích, lên án, chế giễu hoặc khăng khăng phủ nhận những điều người hoang tưởng đang nghĩ. Bởi trong tâm trí của người bị bệnh, chuyện bị người bạn đời phản bội là có thật, lý lẽ trở nên vô ích. Nếu bị người thân hùa vào chỉ trích, họ rất dễ bị kích động, nổi giận, dẫn đến hành vi nguy hiểm cho bản thân và gia đình.
Xuân Trường
Gia đình & Xã hội