Góc tâm hồn
Vòng tròn vôi của ông nội
Đi gần hết một đời người, ông nội vẫn giữ thói quen vẽ hình “cót thóc” đầy ăm ắp bằng vòng vôi ở giữa sân mỗi khi Tết đến để cầu mong một năm mới đủ đầy, no ấm.
Thấm thoắt đã gần 10 năm cô mới trở về quê ăn Tết. Những năm ở xứ người, nhìn qua vô tuyến cô biết quê hương đổi khác, giàu đẹp hơn đặc biệt là trong cách mọi người chuẩn bị đón Tết. Duy chỉ có ông nội, gần hết một đời người, ông vẫn giữ thói quen vẽ cót thóc đầy ăm ắp bằng vòng vôi ở giữa sân mỗi khi Tết đến để cầu mong một năm mới đủ đầy, no ấm.
Đấy là thói quen, hay nói đúng hơn là ý niệm đã đi vào tiềm thức của ông từ những ngày bé xíu. Ông kể ngày xưa đói kém, thóc không đủ ăn nên ngày Tết ở quê nhà nào cũng chỉ mơ ước sang năm mới được mùa để không bị đói. Nghĩ là làm nên từ thời cụ, kị đã có thói quen vẽ một vòng tròn lớn ở giữa sân với những chấm nhỏ li ti ở trong thể hiện cót thóc đầy ăm ắp cho vụ sắp tới.
Tết thủa ấy không có giò, không thịt, có những lúc không có cả cặp bánh chưng để lên bàn thờ Tổ tiên nhưng nhà nào cũng vậy nhất nhất phải có cho được cái hình “cót thóc” ấy thì mới yên tâm đón Tết. Ông nói: “Kể cũng kì lạ, mấy anh chị em bụng đều réo lên vì đói ấy vậy mà ngồi ngắm cái vòng tròn ấy cũng thấy vui vì nghĩ Tết sang năm nồi cơm sẽ luôn đầy ắp trong mỗi bữa ăn”.
Ngoài cái hình “cót thóc” ấy, nhà nào cũng vẽ thêm hình mũi tên với chiều bắn ra ngoài ngõ với suy nghĩ mọi điều xui xẻo sẽ được đẩy hết ra ngoài trong năm mới. Thủa nhỏ theo chân ông mỗi lần ông vẽ, cô đều thắc mắc: “Có năm nào mà điều ước ấy không thành sự thật không ông?”. Ông chỉ cười, xoa đầu cô bảo: “Không đâu cháu, ông trời không phụ công những người nông dân chân lấm, tay bùn đâu”.
Lớn lên rồi, chứng kiến cảnh bần hàn của gia đình mỗi khi mất mùa, cô dần hiểu cái vòng tròn tròn bằng vôi ở giữa sân ấy cũng chỉ là để mọi người yên tâm và hi vọng thôi chứ không phải điều chắc chắn sẽ ấm no trong năm tới. Có lẽ cũng vì nhiều lần “trời không chiều lòng người ấy” mà mọi người dần quên bẵng thói quen gửi niềm tin vào thói quen vẽ “cót thóc” ở giữa sân như ngày xưa.
Quê hương đổi khác, không còn cảnh đói kém như xưa, nhà nhà cũng xúng xính đi sắm đồ những ngày giáp Tết, duy chỉ có ông nội vẫn cần mẫn vẽ cho được cái “cót thóc” của ngày xưa. Ông già rồi, mắt mờ, chân chậm thành thử cái vòng tròn ông vẽ của méo mó, chỗ lồi ra, lõm vào ấy vậy mà ông vui lắm. Cô hỏi: “Giờ no ấm rồi, ông cũng không còn sức khỏe để cấy, cầy mà mơ vụ mùa bội thu nữa, vẽ chi vòng tròn cho mất công hả ông?”, ông nội chỉ cười nhìn nói: “Trong cuộc đời, có những điều rất khó để lí giải cháu ạ. Bây giờ không thiếu ăn nữa nhưng ông còn mơ ước nhiều điều khác cho các con, các cháu…”.
Câu chuyện của cô với ông nội cứ thế mải miết trong cả mấy ngày Tết đều xunh quanh cái vòng tròn vôi ấy. Và cô chợt hiểu cái “cót thóc” của ngày xưa ấy vẫn sẽ đi theo ông nội cho đến mãi sau này bởi nó không chỉ là mơ ước về một sự no đủ trong từng bữa ăn mà còn gieo cho ông nội nhiều hi vọng cho một năm mới viên mãn, tròn đầy hơn. Thế mới biết, Tết không chỉ về trong những cành đào, cây quất hay gói bánh, gói kẹo tặng nhau mà đôi khi lại âm thầm, giản dị trong suy nghĩ và ước mơ cho nhau một năm mới tràn ngập may mắn và hạnh phúc.
Thiên Ân