Vợ thông thái

Nhà ông Hạo vừa lĩnh tiền đền bù đất giải tỏa khu vườn tới mấy trăm triệu. Cầm cọc tiền, ông bảo vợ: “Chiều nay tôi sẽ đem gửi ngân hàng ngay và sẽ đứng tên tôi”.

 
Vợ thông thái


Bà Danh xưa nay không bao giờ nghi ngờ chồng về vấn đề tiền nong nhưng hôm nay bà vẫn phải lên tiếng: “Đành rằng ông đứng tên nhưng khi gửi, tôi phải đi cùng ông”. Thấy vợ nói thế, ông Hạo gắt: “Bà không tin tôi à?”. Bà Danh nhẹ nhàng: “Tôi chỉ muốn nhìn thấy ông gửi tiền đúng vào ngân hàng Nhà nước. Không gửi chỗ vớ vẩn”. “Bà bảo chỗ nào là chỗ vớ vẩn? Vớ vẩn mà lãi suất 20% một tháng à?” - ông Hạo quát lớn.

 

Á à. Thế là rõ, ông ấy muốn gửi chỗ nhà cô Liên trên phố huyện đây. Bà Danh đoán được ý chồng nhưng không nói ra, nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát: “Gửi tiền ngân hàng tuy lãi suất thấp nhưng đảm bảo. Tôi nhất định không cho ông gửi chỗ tín dụng cá nhân”. Lời của vợ làm ông Hạo nổi cáu. Từ ngày lấy nhau đến giờ, có khi nào vợ ông chống đối lại ý của ông đâu. Nay có tí tiền trong nhà, bà ấy đã nổi máu cửa quyền. Nghĩ vậy ông Hạo quát tướng: “Bà bây giờ ghê nhỉ? Dám ngăn cản việc lớn của tôi đấy? Vậy thì tôi nói lại để bà rõ, miếng vườn đó là của bố mẹ tôi cho chứ không phải của bố mẹ bà nhá”. Tức thì bà Danh nói ngay: “Tôi rất biết điều đó. Tôi không đòi cho tôi nhưng tôi cần cho bọn trẻ. Mất số tiền đó là mất cơ hội cho các con học hành, mất số vốn làm kinh tế bù vào mảnh vườn trồng trọt đã không còn. Nếu căng thẳng quá tôi sẽ làm đơn li dị để tòa họ chia phần tiền ấy cho các con”.

 

Nói xong bà Danh đứng lên lấy giấy bút viết đơn li dị ngay trước mặt ông. Chưa bao giờ thấy vợ “ghê gớm” thế nên ông Hạo có phần nể sợ. Ông tính ngay trong đầu. Nếu li dị, tòa sẽ chia cả căn nhà và cả số tiền đền bù làm 4 phần. Ba mẹ con bà ấy sẽ được 3 phần, ông chỉ 1 phần. Thế là ông bị thiệt mà lại tan cửa nát nhà. Nghĩ thấy hoảng, ông liền xuống thang: “Thôi. Được rồi. Bà đừng đơn từ gì hết, tôi sẽ đưa bà nửa số tiền, còn tôi giữ một nửa. Coi như tòa chia?”. Nhưng lạ chưa, vợ ông vẫn ghê gớm: “Không được. Tôi nghĩ lại rồi. Của chồng - công vợ. Tôi cũng phải được hưởng. Phải chia ba phần tư cho mẹ con tôi. Số tiền đó sẽ gửi ngân hàng đứng tên thằng Tùng con trưởng”. Nghe vợ nói thế, ông Hạo ức lắm nhưng đành chịu. Ông đứng lên cầm bọc tiền đếm lấy 100 triệu, còn 300 triệu ông quăng trả vợ.

 

Sáng hôm sau, ông Hạo phóng xe đạp ra phố huyện sớm. Một lúc trở về, ông giơ 10 triệu cho vợ nhìn: “Đây này, vừa gửi trăm triệu có ngay lãi suất 10 triệu đưa trước, cuối tháng lấy 10 triệu nữa. Sướng không biết đường sướng!”. Bà Danh chẳng nói gì.

 

Chưa đầy 2 tuần sau, lúc ông Hạo đang tính từng ngày đi nhận nốt số tiền 10 triệu lãi suất thì hay tin vợ chồng nhà Liên – kẻ vay tiền đã cao chạy xa bay. Ông hốt hoảng phi ngay xe lên phố xem thực hư thế nào. Đến nơi, ông Hạo tái mặt. Đám đông đến cả trăm người đang gào thét trước ngôi nhà đóng cửa im ỉm của mụ Liên. Người kêu: “Tôi mất 600 triệu rồi làng nước ơi!”, kẻ gào khóc: “Nó nuốt của tôi 2 chục cây vàng, tôi sống sao đây?”. Tiếng chửi rủa, rên xiết. Một người hét rú lên: “Căn nhà này có tịch thu cũng không trả được tôi 5 tỉ đâu. Phải lấy mạng nó”. Nhưng than ôi, “mạng nó” đã biến mất từ mấy hôm nay rồi.

 

Ông Hạo thất thần trở về nhà nằm vật ra giường như người sắp chết. Vừa lúc đó bà vợ về. Ông Hạo liền chồm dậy ôm lấy vợ: “Bà ơi! Bà quả là người vợ thông thái của tôi!”. Lạ thật, cả đời ông luôn trịch thượng với vợ con vậy mà bỗng dưng, ông Hạo ôm vợ khóc tu tu. Bà Danh hiểu chuyện, từ tốn ngồi xuống cạnh ông. Đoạn, giọng bà rất nhỏ: “Thôi, của đi thay người ông ạ! Thân ông được bình an là phúc lớn cho tôi và các con rồi!”.

 

Theo Kiều Minh

PNVN