Vợ “thiểu năng”

Theo y học, thiểu năng là trạng thái cơ quan nào đó trong cơ thể trì trệ, yếu kém không thực hiện được đầy đủ chức năng như vốn có. Trong đời sống hôn nhân, nếu một thành viên lơ là vai trò, hạn chế đóng góp vào sự phát triển chung thì “cơ thể” gia đình khó thể chạy tốt. Dù biết như thế, nhiều bà vợ vẫn tự nguyện “thiểu năng”, để mặc chồng bươn chải...

 
Trăm khó đã có chồng lo




Trăm khó đã có chồng lo

 

Trong một lần phát gạo từ thiện, chị Anh Thư (một người kinh doanh vải ở Q.6, TPHCM) tình cờ gặp lại người bạn cũ thời tiểu học. Vẻ khắc khổ hằn trên gương mặt xương gầy, anh bạn thở dài khi nhắc đến gia cảnh hiện tại. Anh làm bảo vệ, tối còn giúp người ta dọn hàng để kiếm thêm thu nhập lo cho cả nhà năm miệng ăn. Hỏi đến vợ, anh lắc đầu: “Thất nghiệp lâu rồi”. Cám cảnh, chị Thư giới thiệu vợ anh đến làm tại một quán cơm. Khi gặp mặt, chị ngớ người vì bề ngoài quá mượt mà của vợ anh: móng tay dài, sơn đỏ; mắt, môi xăm bén ngót. Chị trông đối nghịch hoàn toàn với anh, với cảnh nhà nghèo khó của anh chị, lại càng “chỏi” với công việc rửa chén, lặt rau ở quán cơm. Đúng như dự đoán của chị Thư, “quý phu nhân” ấy làm được ba ngày là nghỉ với lý do… con bệnh, phải ở nhà chăm. Chị Thư gợi ý sẽ giới thiệu chỗ làm hàng gia công, chị ta chỉ cười cười cảm ơn.

 

Trường hợp này cộng với nhiều trường hợp đã gặp khiến chị Anh Thư bức xúc: “Không hiểu sao nhiều người phụ nữ lành lặn, trẻ khỏe lại có thể phó mặc gánh cơm áo cho chồng? Rút kinh nghiệm, tôi phải thăm dò đối tượng trước khi giúp đỡ. Chỉ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn thực sự, bản thân họ đã phấu đấu vượt lên mà vẫn chưa thoát; không giúp những người biếng nhác, thích “ngồi mát ăn bát vàng”.

 

Từ khi mang thai đến nay con gái đã tám tuổi, chị Nguyễn Thị Bé (P.14, Q.4) vẫn ở nhà nghỉ khỏe. Chồng bị tật chân, chạy xe ôm thu nhập bấp bênh, nhưng chị vẫn “bình chân như vại”. Học vấn chỉ lớp 5 nhưng chị quyết định nếu không tìm được việc như ý (nhàn hạ, gần nhà, ít thời gian, lương cao…) thì không làm. Chủ nhiệm tổ phụ nữ giúp việc nhà của khu phố thấy chị ở không, giới thiệu chỗ làm, chị lắc đầu: “Tôi không biết chạy xe, đi bộ thì xa quá, chồng đưa rước lại tốn xăng”. Bà cụ hàng xóm đột ngột ngã bệnh, nằm liệt, con cháu bà đặt vấn đề thuê chị Bé chăm sóc. Chị lại viện lý do chưa bao giờ chăm sóc người bệnh nên không làm được. Thực ra, chị ớn cảnh tiêu tiểu hôi hám, dìu đỡ nặng nề, lại phải thức khuya, không ngủ trưa được. Hàng xóm lại đề nghị, nếu không làm trọn thời gian thì làm theo giờ, chị cũng không đồng ý. Chồng về, chị mách lại, khiến chồng chị oang oang chửi đổng, cho rằng hàng xóm đã xúc phạm, hạ nhục nhà mình: “Vợ tôi như vầy mà kêu đi đổ phân, giặt đồ dơ dáy cho mấy người”. “Khí thế” vậy, nhưng khi con bị té gãy tay, anh chị phải chạy sang hàng xóm mượn tiền chạy chữa.

 

Nặng là… quẳng

 

Nhiều ông đã suy nghĩ sai lầm là để vợ an nhàn thì mình mới là đàn ông thực sự, mà không biết là mình đang làm hư vợ. Các ông đã không góp ý, không thúc đẩy, động viên vợ làm việc kiếm thêm thu nhập, lâu dần thành quen, càng ngày người vợ càng ngại đi làm. Nếu sớm nhận ra sự nguy hiểm của tình trạng “nhàn cư vi bất thiện” ở vợ, các ông phải giúp vợ có công ăn việc làm, tạo sức ép để vợ cùng gánh vác gia đình, dù mình đủ khả năng kiếm đủ tiền nuôi vợ con.

 

Ban đầu, vì yêu chiều vợ, các ông vẫn cố gắng chu toàn, nhưng nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng, nhất là khi có con, người đàn ông với nỗ lực đơn lẻ sẽ đuối sức nếu không được chia sẻ kịp thời. Hơn nữa, người vợ không quen làm việc, sẽ ích kỷ, vô tâm, không hiểu giá trị những giọt mồ hôi của chồng. Vấn đề không chỉ là tiền, mà còn là cảm giác được cùng bạn đời chung sức chung lòng, đồng cam cộng khổ. Đường dài thồ nặng, đến lúc nào đó, có thể các ông sẽ quẳng gánh giữa đường.

 

Khi chuyển từ P.Tân Phong, Q.7 về Nhà Bè sống, chị Bích Thủy (chủ tổ hợp may gia công) tưởng sẽ dễ tuyển được nhân công vì thấy nơi đây có nhiều phụ nữ nhàn rỗi, thường tụ tập chuyện trò, chơi bài. Tuy nhiên, khi chị Thủy đến tuyển, các chị từ chối ngay, người than mắt kém, người bảo đau lưng, nhức mình dù tuổi đời chưa đến 40. Là người có “máu” công tác xã hội, chị Thủy kiên trì động viên, cuối cùng chỉ thu nhận được một chị. Làm chưa đủ tháng, chị này ứng tiền, rồi gia đình mâu thuẫn, chồng đánh chửi, chị bỏ đi mất. Chị Thủy bất lực, e ngại không biết bao giờ các gia đình này thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn: vợ ăn không ngồi rồi, đề đóm, nợ nần; con hư, bỏ học, ăn cắp vặt; chồng nhậu nhẹt, bạo hành... Đã nghèo tiền bạc còn nghèo ý chí thì ai có thể giúp đỡ được?

 

Thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia, TPHCM) phân tích: “Lý do sâu xa của tình trạng này còn do giáo dục từ gia đình. Nhiều cha mẹ chỉ dạy con gái cách làm vợ, làm mẹ theo nghĩa nội trợ trong nhà chứ không khuyến khích con ra ngoài xã hội làm việc, khẳng định mình. Vì vậy, cần thay đổi từ việc xây dựng cho con trai, con gái tư tưởng bình đẳng cả về nghĩa vụ và quyền lợi đối với bản thân, gia đình và xã hội. Con gái càng ý thức trách nhiệm đóng góp của mình, càng mong muốn khẳng định bản thân thì càng có tinh thần độc lập, ý chí vượt khó, không chấp nhận sống “tầm gửi”. Khi đó, hạnh phúc hôn nhân sẽ không quá phụ thuộc vào may rủi”.

 

Theo Tô Diệu Hiền

PNO