Vợ sếp học lái xe
Cả tuần nay, sếp Thịnh đi làm về đều không thấy bà xã đâu. Nhà cửa vẫn sạch sẽ tinh tươm, hai cô con gái sau khi cơm nước xong đã ngồi vào bàn học. Bấm di động gọi vợ thì thấy máy tò tí te, hỏi chị giúp việc chỉ nhận được câu trả lời: "Nghe cô bảo đi có chút việc".
Thịnh ngồi vào bàn ăn mà cứ băn khoăn không hiểu vợ mình đi đâu, làm gì mà ngày nào cũng rời nhà lúc 7 giờ kém 15 phút.
Anh đoán là vợ giận vì mấy bữa trước có nhờ anh chở đi mua đồ hay đưa mấy mẹ con đến nhà bà ngoại. Lái xe nghỉ làm mấy ngày vì việc gia đình nên mấy mẹ con phải đi bằng taxi. Không muốn nghi ngờ vợ, nhưng cứ cái kiểu đi đứng thất thường này khiến Thịnh sinh nghi.
Ngày hôm sau, anh chủ động về nhà thật sớm, bí mật đi theo chiếc taxi chở vợ chạy về phía khu vực Thanh Xuân - Hà Nội. Té ra chẳng phải có chuyện gì mờ ám mà bà xã âm thầm đi học lái xe tại Trường đào tạo lái xe Hà Nội.
Thịnh yên tâm về nhà lòng khấp khởi mừng thầm vì bà xã đã biết tự lập trong cuộc sống, chí ít là không "nhõng nhẽo" đi đâu cũng bắt chồng phải đi cùng. "Phụ nữ biết lái xe cũng tốt, vừa đỡ say xe lại chủ động hơn trong mọi tình huống", anh nói.
Tại Trường đào tạo lái xe Hà Nội, nhiều tháng nay, giáo viên giảng dạy chẳng mấy xa lạ với hình ảnh các quý bà ăn mặc chỉn chu đến tham gia khóa học.
Cũng quay ngang quay ngửa, buôn chuyện rầm rĩ chẳng kém gì mấy cô sinh viên trẻ. Duy chỉ có điểm khác biệt ở vợ sếp là các bà thường chủ động được phương tiện và sẵn sàng bỏ ra khoản tiền không nhỏ để thuê thầy dạy phần thực hành.
Theo anh Quỳnh - một giảng viên hướng dẫn học lái xe, từ thời điểm quy định về đội mũ bảo hiểm có hiệu lực, cánh chị em tham gia các khóa học lái xe càng đông.
Trong số đó, không ít quý bà là chủ doanh nghiệp hoặc thuộc hàng phu nhân của sếp muốn tự cầm lái mỗi khi có việc phải đi đường trường. Nhóm chị em này thường đi cùng chồng hoặc một tốp bạn bè thân để tiện chỉ bảo nhau.
Vân Chi - phu nhân phó tổng giám đốc một công ty truyền thông ở Hà Nội - gói gọn "cái sự đi học" của mình trong một câu: "Học để khỏi phải phụ thuộc vào chồng. Biết lái xe mình có thể chủ động cầm vô-lăng đưa bạn bè, người thân đi chơi, không phải ngồi đợi cả giờ mới thấy ông xã về đón".
Chi cho hay ở lớp cô theo học có 30 học viên, trong đó có tới 20% là chị em đang giữ vị trí chủ doanh nghiệp hoặc là phu nhân của sếp.
Không khác biệt lắm với nam giới về trình độ xử lý tình huống, tuy nhiên phụ nữ lái xe hay gặp một số khó khăn do kích thước cơ thể hơi nhỏ so với tiêu chuẩn của các thiết bị trong xe. Thậm chí ngay cả khi đã có trong tay tấm bằng xịn, không phải "bà sếp" nào cũng dám vi vu trên đường.
Chị Hà - phu nhân sếp một công ty chứng khoán cũng tham gia một khóa học lái xe từ cách đây một năm. Lý thuyết học như cháo chảy, bằng cũng đã nhận, vậy mà chị vẫn không dám chở con cái đi chơi vì sợ va quệt.
Từ cái độ lái xe loạng choạng đâm vào bờ tường của hàng xóm, Hà sinh chứng lo âu mỗi khi ngồi vào buồng lái. Đây là lý do khiến Linh chồng Hà "cấm" vợ tự ý lái xe ra đường nếu không có anh đi cùng.
Vợ chồng Hà vừa mới phất lên khoảng 2 năm qua, sau khi ông chồng trúng mấy mánh lớn về nhà đất với cổ phiếu. Trước nhà vẫn có chiếc Fiat Tempra cũ kỹ, chồng lái, vợ ngồi trên xe chỉ đạo đi nhanh chậm, đảm bảo an toàn giao thông.
Nay tiền bạc rủng rỉnh hơn, chồng sắm xe mới để đi ra sàn chứng khoán, vợ cũng quyết tâm chơi "con" nhỏ nhỏ xinh xinh để thi thoảng đưa con cái đi chơi hoặc chở bạn bè đi mua sắm.
Thu Hương, phó giám đốc phụ trách kinh doanh một công ty chuyên về nội thất do chồng đứng tên thừa nhận cánh chị em bận bịu nhiều chuyện con cái bếp núc, nên đi học được đã là một kỳ tích, nói chi đến tự lái xe đi làm.
"Nhiều sếp thừa tiền để mua những chiếc xe đắt tiền cho vợ, nhưng không phải ai cũng đủ tự tin để cầm lái trên đường trường", Hương nói.
Để khẳng định mình, cách đây nửa năm, Hương cũng tham gia một khóa học tại trường Học viện Cảnh sát. Chuyện công việc, làm ăn bận rộn khiến tôi luôn đến lớp bữa đực bữa cái, giờ thực hành thì chỉ lượn qua loa.
Kết quả là kết thúc khóa học nhưng Hương vẫn chưa thi vì biết chắc là trượt. Cô định đăng ký tham gia khóa học mới, khi đủ trình độ mới dám thi lấy bằng.
Bà phó giám đốc này thừa nhận mình rất giỏi trong chuyện kinh doanh, con số lãi lỗ nhẩm nhanh như máy tính, nhưng chuyện học hành thì "bó tay".
Trường hợp của bà Nguyễn Thúy Hạnh, vợ Giám đốc một công ty chuyên kinh doanh vật liệu nhựa, cũng tương tự. Song để khắc phục chuyện học khó vào, bà Hạnh yêu cầu chồng đưa trợ lý giám đốc về nhà làm hướng dẫn viên.
Mỗi lần bà Hạnh đi học lý thuyết hoặc thực hành lái, trợ lý của chồng ngồi bên cạnh chỉ dẫn tận tình và hướng dẫn bà các "mánh" trả lời câu hỏi thi lý thuyết.
Thế nhưng, khi nhận bằng lái cũng là lúc bà Hạnh ngả vào vòng tay anh trợ lý trẻ trung, nhiệt tình hơn ông chồng. Ông Giám đốc sốc nặng, sa thải ngay trợ lý để tuyển nữ thư ký, còn bà vợ bị chồng cấm cửa ở nhà chuyên lo công việc nội trợ, khỏi mua sắm xe cộ cho phức tạp.
Đây cũng là nguyên nhân khiến anh Phan Đức Sơn - Giám đốc một doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hà Nội - tuyên bố: "Công việc của vợ là phải làm nội trợ tốt, chăm sóc con cái cho giỏi. Không có chuyện học lái xe với điều khiển, biết cầm lái rồi sinh hư, tung tẩy chỗ nọ chỗ kia, mất vợ như chơi".
Theo VnExpress