Vợ hiếu thắng

“Nhiều khi tôi không thể hiểu nổi vợ mình. Cô ấy không còn trẻ, được ăn học tử tế, đối nội đối ngoại rất tốt nhưng luôn muốn hơn chồng. Nếu không, cô ấy sẽ tìm mọi cách để tôi phải nhượng bộ mới thôi” - Anh Tuân (Đống Đa, Hà Nội).

 

Vợ hiếu thắng - 1


 

Lần vợ chồng tranh cãi về việc chọn trường mẫu giáo cho con, Liên - vợ anh Tuân không ngần ngại ném nhẫn cưới về phía chồng, hùng hổ viết đơn ly hôn. Sẵn máu nóng trong người, anh kiên quyết ký đơn.

 

Chuyện vợ chồng bất hòa đến tai ông bà nội. Được ông bà khuyên giải, anh Tuân chủ động làm lành. “Tôi đã yêu cầu vợ chồng có mâu thuẫn gì thì từ từ giải quyết nhưng cô ấy vẫn thế. Việc gì cũng phải gân cổ lên cãi chứ nhất định không nhận sai” - anh Tuân kể.

 

Nhiều lần khuyên giải vợ không có kết quả, anh Tuân đâm chán. Nếu phát sinh chuyện gì, thay vì cùng ngồi với vợ bàn bạc, anh phản ứng bằng cách cố im lặng cho xong. Với một người coi mình như “cái rốn của vũ trụ” như vợ anh, càng phân tích đúng - sai càng vô ích.

 

Cũng vì vợ hay thích “cãi lý” mà vợ chồng anh Nam (Bình Dương) ly thân được 2 tháng nay.

 

Một lần, trên đường về thăm ông bà nội, vợ chồng anh bị ngã xe. Chị vợ chỉ bị xây xát nhẹ ở đầu gối, còn anh có một vết bầm ở cánh tay. Thế nhưng khi đến nơi, chị nhất định chỉ ngồi xem tivi, không giúp bố mẹ chồng cơm nước, rửa bát đũa. Anh gợi ý: “Em không bị thương nặng nên có thể giúp mẹ rửa rau hay xếp bát đũa cũng được” thì vợ kiên quyết không làm, dù chỉ là một việc nhỏ.

 

Tối hôm đó về nhà, vợ chồng anh Nam cãi vã một trận. Anh cho rằng vợ “giả vờ” ốm đau để lẩn tránh trách nhiệm còn vợ khăng khăng “Tôi bị ngã đau, sao phải làm?”. Anh Nam thừa biết vợ mình “diễn kịch” vì ngày thường, việc bếp núc trong gia đình, vợ anh đều giao cho người giúp việc. Những công việc đơn giản như cầm chổi quét nhà, pha cho chồng một cốc nước quả, vợ anh Nam cũng chưa bao giờ thực hiện.

 

Suốt quãng thời gian ly thân, anh Nam đã nhiều lần tìm cách nói chuyện với vợ mong hàn gắn nhưng đều thất bại. Vợ anh cho rằng, mình không có lỗi gì cả và buông lời thách thức: “không biết ai phải xin lỗi ai”. Biết vợ khó thay đổi nên anh Nam đang tính đến chuyện ly hôn.

 

Cố chấp sẽ phá hủy hạnh phúc

 

Mâu thuẫn trong cuộc sống chung là điều khó tránh. Nếu vợ, chồng không biết dẹp bỏ cái tôi, luôn ương bướng thì nguy cơ rạn vỡ gia đình là rất lớn. Nếu tính cố chấp xuất phát từ người vợ (sẵn sàng “lành làm gáo, vỡ làm muôi”) thì xung đột vợ chồng càng gay gắt hơn.

 

Tính cố chấp ở phụ nữ được chia làm 2 loại: Cố chấp để bản thân được chồng coi trọng, yêu chiều và cố chấp vì tài giỏi.

 

- Loại 1 thường xuất hiện ở nhóm vợ trẻ, kèm theo đó là tính cách dỗi hờn trẻ con. Nhiều cô biết mình “sai lè” nhưng vẫn cố cãi hoặc kiểu gì cũng khăng khăng “em đúng”. Nếu được chồng chiều chuộng, nhường nhịn, người vợ kiểu này càng “được đà lấn tới”. Khi đã coi mình là “trung tâm của gia đình” thì họ khó nhận ra hành vi sai trái của bản thân (do đã quen được người khác nhường).

 

- Loại 2 có thể xuất hiện ở nhóm vợ thông minh, thành đạt hơn chồng. Nếu đã quen làm sếp (nhận được sự phục tùng của người khác) thì người vợ cũng áp dụng tâm lý đó ở gia đình. Những người vợ này luôn coi ý kiến cá nhân là nhất, còn của người khác chẳng đáng bận tâm.

 

Tuy nhiên, không phải lúc nào người trong cuộc cũng nhận biết và thừa nhận tính cố chấp của mình. Mâu thuẫn trong gia đình thường khá đa dạng và linh hoạt, nhiều khi khó có thể đánh giá ý kiến của chồng hay vợ mới là đúng.

 

Tốt nhất, dù có xung đột thế nào, người vợ cũng nên tìm lúc cởi mở để trao đổi tiếp với chồng. Nên bình tĩnh xem xét hành vi, thái độ của đôi bên và điều quan trọng, nếu nhường nhịn được để giữ hạnh phúc gia đình thì nên nhường. Trừ khi mọi chuyện đi quá giới hạn, người vợ mới nên kiên quyết bảo vệ ý kiến cá nhân.

 

Theo Mẹ và bé