Vợ đột ngột qua đời, tôi nổi cáu khi nhân viên ngân hàng nói một câu
(Dân trí) - Rõ ràng đây là tài sản chung, chưa kể phần lớn trong đó là tiền của tôi đưa vợ, vậy mà phía ngân hàng lại nói rằng...
Tôi 44 tuổi, chủ hai cửa hàng buôn bán, sửa chữa đồng hồ có tiếng. Vợ tôi là Tú Anh, 46 tuổi, làm đại lý cho một công ty cung cấp hàng tiêu dùng.
Cuộc sống của chúng tôi tương đối ổn định, kinh tế khá, con có một cháu 21 tuổi, một cháu 18 tuổi ngoan ngoãn, đáng yêu. Tôi là người kiếm tiền chính trong gia đình. Nhưng toàn bộ quản lý chi tiêu tiền bạc, tôi nhường hết cho vợ.
Mọi khoản kiếm được tôi đều đưa cho vợ giữ hoặc chuyển khoản cho cô ấy tự lo. Bởi tôi cũng không có nhiều thú vui gì to tát phải cần đến tiền.
Thi thoảng gặp gỡ bạn bè, tiêu gì thì tôi bảo vợ chuyển cho. Vợ tôi là người phụ nữ tháo vát, biết điều. Cô ấy hay hỏi tôi có thiếu tiền không để đưa thêm, thậm chí còn tự ý bỏ thêm tiền vào ví cho tôi.
Cho nên nói về khoản tiền nong, vợ chồng tôi tin tưởng lẫn nhau, không có điều gì lấn cấn. Gần đây, chúng tôi có kế hoạch mua xe hơi vì mẹ vợ thường xuyên ốm đau. Vợ tôi tính, nếu xảy ra chuyện gì bất chợt thì nhà có cái xe cũng tiện. Cộng thêm kinh tế gia đình không quá khó khăn. Về chuyện này, tôi hoàn toàn đồng ý.

Biến cố xảy ra khiến tôi không biết xử lý thế nào (Ảnh minh hoạ: iStock).
Đợt tập đoàn mà vợ tôi làm đại lý tổ chức gặp mặt các nhà phân phối và đại lý 3 miền, vợ tôi được mời đi Đà Nẵng 5 ngày. Cô ấy làm hợp đồng ủy quyền cho tôi ở nhà được toàn quyền rút sổ tiết kiệm 2,5 tỷ đồng để chủ động trả tiền mua ô tô. Tuy nhiên, mẫu xe tôi đặt, hãng báo phải đợi một tháng sau mới có hàng mới về.
Chính vì vậy, tạm thời tôi vẫn chưa đi rút tiền tiết kiệm. Không ngờ, sự cố đau lòng xảy ra sau đó đã thay đổi hoàn toàn kế hoạch của chúng tôi. Vợ tôi bị tiền sử tim mạch, đột quỵ dẫn tới tử vong đột ngột khiến gia đình tôi lâm vào tình trạng trở tay không kịp. Tôi cũng chẳng còn thiết tha tới chuyện mua xe.
Lúc này, hãng xe gọi điện yêu cầu tôi ra lấy. Vì thế mới có chuyện vợ vừa nằm xuống, tôi đã làm thủ tục rút tiền tại ngân hàng. Khi mang hợp đồng ủy quyền kèm theo giấy chứng tử và căn cước công dân của vợ ra ngân hàng, thâm tâm tôi nghĩ chuyện này đơn giản vì hỏi giấy tờ gì, tôi cũng cầm đủ trong tay.
Ai dè tới ngân hàng, tôi mới biết mọi chuyện liên quan đến tài sản và người đã khuất đều không đơn giản. Nhìn toàn bộ giấy tờ mà tôi xuất trình, nhân viên ngân hàng nói với tôi bằng giọng rất nhẹ nhàng nhưng nội dung như sét đánh ngang tai. Cậu ấy bảo tôi không được quyền rút sổ tiết kiệm mang tên vợ.
Hợp đồng ủy quyền của vợ cho tôi chỉ có hiệu lực khi vợ tôi còn sống. Bây giờ, vợ tôi qua đời, việc duy nhất giúp tôi rút được tiền tiết kiệm là phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Lúc đó phần do áp lực cá nhân, phần do không đủ hiểu biết pháp luật nên tôi đã không kiềm được tức giận. Mọi lý lẽ của phía ngân hàng, tôi đều nghe không lọt tai.
Trong suy nghĩ của tôi, rõ ràng đây là tài sản chung hai vợ chồng, chưa kể phần lớn trong đó là tiền của tôi đưa vợ. Vợ chỉ là người thay tôi mang tiền đi gửi tiết kiệm. Thế mà giờ đây, họ thông báo tôi không có quyền trực tiếp rút số tiền này. Nhân viên ngân hàng rất chịu khó chờ tôi bình tĩnh lại.
Cậu ấy bảo, nhiều người có tâm trạng giống tôi. Ban đầu, họ đều nổi cáu và thấy phiền hà. Nhưng đây là quy định của pháp luật, chúng tôi đều phải tôn trọng, nghe theo. Thực tế, chủ tài khoản đứng tên vợ tôi. Khi cô ấy qua đời, tài khoản này sẽ bị phong tỏa để chờ thỏa thuận phân chia của những người nằm trong hàng thừa kế.
Tôi chỉ được rút tiền theo nội dung ủy quyền khi vợ tôi còn sống. Còn khi vợ qua đời, hợp đồng ủy quyền đương nhiên bị chấm dứt hiệu lực. Đã là quy định của luật thì không có đặc quyền. Tôi nghe lời nhân viên ngân hàng, quay về văn phòng công chứng hỏi thủ tục và từ đây cũng vỡ lẽ được nhiều điều.
Quy trình chặt chẽ về thừa kế liên quan đến tài sản của người đã khuất không bao giờ đơn giản vì tiềm ẩn nhiều rủi ro tranh chấp. Nội tình các gia đình với những mâu thuẫn cũng rất khác nhau.
Chúng tôi đã mất thời gian để tập hợp giấy tờ, làm các thủ tục để ký vào văn bản thỏa thuận phân chia di sản, sau đó mới đủ điều kiện rút tiết kiệm đứng tên vợ mình.
Rốt cuộc, tôi cũng thành công rút toàn bộ số tiền. Một ít tôi dùng cho chi tiêu trong nhà, lo cho bố mẹ, con cái, phần còn lại tôi chuyển tiền sang tên tôi cho chủ động.
"Đi một ngày đàng học một sàng khôn". Sau sự việc này, tôi vỡ được nhiều vấn đề xưa nay không để ý, hiểu thêm về những hoạt động và quy trình của luật pháp trong việc minh bạch tài sản.
Tôi bắt đầu suy nghĩ về chuyện làm thế nào để sau này các con tôi không bị phiền toái, khó khăn hoặc tranh chấp, mâu thuẫn về tài sản nếu chẳng may tôi có mệnh hệ gì.
Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.