Vợ dọn mâm cơm đựng thức ăn bằng nồi: Đừng quên câu "học ăn, học nói…"

(Dân trí) - Mẹ bạn nói nặng lời như vậy tất nhiên là không nên, nhưng quan điểm của bà về việc không đựng thức ăn trong nồi đưa lên mâm cơm trên bàn ăn thì tôi rất ủng hộ.

Vợ dọn mâm cơm đựng thức ăn bằng nồi: Đừng quên câu học ăn, học nói… - 1

Mâm cơm có thức ăn đựng trong xoong nồi không đẹp mắt

Đọc tâm sự của bạn về tình huống mâu thuẫn giữa mẹ và vợ trong bữa ăn mẹ chồng đột xuất ghé thăm, tôi thấy mẹ bạn đúng là dùng lời lẽ có hơi gắt với con dâu, chuyện này lẽ ra nếu dùng lời chỉ dạy nhẹ nhàng thì đã dễ xử lý.

Mẹ bạn nói nặng lời như vậy tất nhiên là không nên, nhưng quan điểm của bà về việc không đựng thức ăn trong nồi đưa lên mâm cơm trên bàn ăn thì tôi rất ủng hộ.

Có thể các bạn còn trẻ, chưa được chỉ dạy đến nơi đến chốn, lại chỉ có hai vợ chồng sống với nhau nên quen tính xuề xòa. Nhưng kỳ thực, văn hóa Việt Nam hay bất kỳ nước nào cũng thế, đều có các quy tắc lịch sự trên bàn ăn. Cái văn hóa nó cũng là thứ để phân biệt giữa người được học hành tử tế và người không được chỉ dạy đến nơi đến chốn về quy tắc xã giao, sống tùy tiện và thiếu phép tắc.

Ở nhiều nước Châu Âu, cái quy tắc bày bàn ăn này thậm chí rất cầu kỳ, nếu trong giao tiếp, mời cơm khách mà phạm phải thì bị cười chê. Tôi học về du lịch - khách sạn, được hướng dẫn đủ quy tắc như "từ ngoài vào trong, từ xa đến gần" để bày dao, dĩa, thìa cho đúng (dĩa bên tay trái, dao bên tay phải của người ngồi ăn, nếu có thìa thì thìa đặt ngoài cùng bên tay phải, cạnh dao). Người ngồi bàn ăn là ngồi thẳng, hai chân vuông góc với sàn, không chồm lên lấy thức ăn… Cả bàn ăn chỉ có dao dĩa thìa bát đĩa, chứ chẳng bao giờ đặt xoong nồi gì cả.

Người Việt mình thì dễ hơn, trong các gia đình có văn hóa, ông bà, bố mẹ sẽ dạy con cháu "học ăn, học nói, học gói, học mở", "ăn trông nồi, ngồi trông hướng", tức là ăn uống cũng phải học, phải nhìn người nọ người kia không phải mình mình muốn sao thì làm vậy.

Đặt xoong nồi lên bàn ăn tất nhiên là không đẹp, mâm cơm đúng chuẩn phải có một bát canh, một món mặn đựng trong đĩa, một món rau đựng trong đĩa, các bát đựng cơm, ăn đũa (người lớn) hoặc ăn thìa (trẻ em). Muôi đặt trong bát canh dùng xong phải úp xuống. Giữa mâm cơm luôn có bát nước mắm chấm chung là đặc trưng cho tính cộng đồng cao trong Văn hóa của người Việt. Bát nước mắm chung bây giờ nhiều nhà còn giữ, nhiều nhà đã bỏ do tính vệ sinh, nhưng đặt xoong nồi lên mâm thì nếu làm cũng là điều tùy tiện, không đẹp mắt, thậm chí bị xem là không được dạy dỗ đến nơi đến chốn.

Cho nên, dù các bạn còn trẻ và cái tôi cá nhân cao, vẫn nên để vào tai lời khuyên dạy của mẹ. Điều đó tốt cho các bạn trong giao tiếp ứng xử với xã hội, với mọi người. Có hai vợ chồng không sao nhưng nhà có khách mà bày trí mâm cơm như vậy chắc chắn sẽ bị cười chê đó.

Phản hồi của độc giả Hương Ly

Clip bé yêu: Những tình huống gây cười của bé