Vợ chồng trẻ sắm Tết "ngon, bổ, rẻ" với chưa đầy 10 triệu đồng
“Bằng cách chi tiêu hợp lý, tiết kiệm nên dù lương hai vợ chồng chỉ hơn 10 triệu/tháng nhưng năm nào chúng tôi cũng có một cái tết đầm ấm, no đủ”, chị Nguyễn Thu Nga tâm sự.
Chỉ còn hơn một tháng nữa là tết Nguyên Đán. Nhiều gia đình đã lên kế hoạch sắm sửa để có một cái Tết thật đầm ấm, ý nghĩa và tiết kiệm.
Chị Nguyễn Thu Nga 31 tuổi (ở Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, vợ chồng chị kết hôn cách đây 4 năm. Tuy hai vợ chồng đều có nhà, công việc ở Thủ đô nhưng năm nào gia đình chị cũng về quê nội để ăn Tết.
Vì vậy, giống như mọi năm, năm nay hai vợ chồng chị cũng lên kế hoạch chi tiêu mua sắm tết sao cho hợp lý, tiết kiệm.
Chị Nga cho biết, lương hai vợ chồng một tháng được hơn 10 triệu, thưởng tết của chị 5 triệu, chồng 7 triệu nhưng chị chỉ cho phép mình sắm Tết, chi tiêu tết trong khoảng 8 - 10 triệu.
Chị Nga cho hay, “Với dự định tiêu Tết 10 triệu, vợ chồng tôi viết ra bản kế hoạch với những khoản cụ thể như: Tiền biếu bố mẹ 2 bên nội ngoại: 2-4 triệu tùy từng năm; Tiền đi lại 1 triệu, Tiền lì xì: 2 triệu, Tiền mua bánh kẹo ngon: 1 triệu, Tiền mua thực phẩm, đồ ăn khoảng 2 triệu”.
“Nghe mọi người xôn xao ăn Tết mấy chục triệu đồng, trong khi nhà tôi chỉ ăn Tết với 8-10 triệu đồng mà vẫn đủ đầy. Tôi nghĩ không phải cứ ăn Tết to, sắm thật nhiều thứ, tiêu hết thật nhiều tiền thì Tết mới vui mà quan trọng mình tiêu như thế nào cho hợp lý, tiết kiệm là được”, chị Nga nói.
Cũng với tâm lý “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, năm nay, chị Trần Minh Ngọc ở Đống Đa, Hà Nội cũng chỉ dành ra số tiền gần chục triệu đồng để chi tiêu mua sắm tết.
Chị Ngọc cho hay, hàng năm mỗi lần nhắc đến Tết là chị lại đau đầu vì nhiều thứ phải lo cho tết mà tiền bạc thì có giới hạn. Qua nhiều cái Tết, năm nay vợ chồng chị quyết định ngồi lại bàn tính với nhau kế hoạch tiêu Tết 2017.
Ảnh minh họa
“Theo tôi đầu tiên phải lên kế hoạch từ sớm. Hồi đầu gia đình tôi không lên kế hoạch trước, viết ra những khoản phải chi trả mà đợi đến gần Tết, khi có những chương trình khuyến mãi, đại hạ giá tràn lan mới đổ xô đi mua, vì nghĩ như vậy sẽ tiết kiệm hơn.
Không ngờ như thế vừa tốn kém (vì thấy món nào rẻ nên cũng mua) mà không hiệu quả. Vì vậy bây giờ tôi đã đề ra những khoản chi bắt buộc phải thực hiện để nếu có phát sinh thì vẫn kiểm soát được, bao gồm tiền thực phẩm, tiền lì xì, quần áo, trang hoàng nhà cửa, chi phí đi lại và cho du lịch nếu có…
Thứ 2, cần cân nhắc danh sách tặng quà Tết và lì xì đầu năm. Vì mọi năm hai vợ chồng thường tôi thường lì xì 2 bên nội ngoại, sếp, đồng nghiệp, bạn bè, cái này cũng ngốn kha khá tiền đấy. Năm nay, vợ chồng chúng tôi sẽ lên bản danh sách biếu tết, lì xì Tết thật hợp lý.
Ngoài ra tiền mua thực phẩm, đồ ăn vợ chồng tôi chỉ chi khoảng 1,5 triệu (bánh chưng: 120 nghìn, bánh tét: 80 nghìn, mâm ngũ quả, hoa, đồ thờ cúng ông bà: 300 nghìn, mứt: 80 nghìn, dưa hấu: 80 nghìn, nước ngọt, bia 150 nghìn, giò chả, hành muối 200 nghìn, tiền mua thịt 500 nghìn…
Quất, đào chơi Tết thì mọi năm do bố mẹ chúng tôi ở nhà mua nên tết chỉ cần cắm một lọ hoa dơn hoặc hoa ly để ở bàn uống nước”, chị Ngọc liệt kê.
Ngoài chị Nga, chị Ngọc, trên các diễn đàn mạng, nhiều người cũng cho hay, Tết chỉ cần tiêu sao cho hợp lý, gia đình vui vẻ là được. Ông bà chỉ cần ngày Tết gia đình sum họp đầy đủ, dặn các con không phải mua gì, vì về quê nhiều đồ thực phẩm sạch mà rẻ.
Theo Thanh Hải
Vietnamnet