Từ mặt con dâu do bất đồng việc chăm cháu

Có lần, cô cự nự phản đối thì bà bảo cô chẳng phải học hỏi ở đâu cả, cứ theo kinh nghiệm truyền thống mà làm. Cũng nhờ kinh nghiệm ấy mà bà đã nuôi con trai trưởng thành, khôn lớn và chẳng kém ai.

Việc ông bà chăm sóc các cháu nhỏ là hết sức cần thiết bởi lẽ lúc này, các con của chúng ta còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa biết cách tổ chức cuộc sống gia đình hợp lý, chưa đủ điều kiện kinh tế và không ai có thể chăm sóc cháu tốt hơn ông bà. Tuy nhiên, nếu ông bà, đặc biệt là bà không tỉnh táo, cứ “lao vào”, ôm đồm nhiều việc và chăm sóc vô điều kiện thì cũng nảy sinh nhiều hệ lụy không đáng có.

Bà Phạm Thị Hường, ở phường Tân Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, chỉ có mình Tuấn là con trai. Tuấn lại mải học hành, theo đuổi sự nghiệp nên lấy vợ muộn khiến bà Hường vô cùng sốt ruột. Đến khi Tuấn lấy vợ, vợ Tuấn có bầu, bà Hường mừng lắm. Bà đi khoe khắp cả phố và chuẩn bị cho con dâu “nằm ổ” chẳng khác gì như chính mình đi đẻ vậy.

Từ mặt con dâu do bất đồng việc chăm cháu - 1

Bà tự ý mua sắm không thiếu thứ gì, từ quần áo, bỉm, tất, xoong nồi đến dầu gội, sữa tắm, bình pha sữa... cho em bé. Biết mẹ chồng mua sắm cho em bé là tốt, cô con dâu rất cảm động. Nhưng phiền một nỗi khi đi mua đồ, bà Hường không tham khảo ý kiến và trao đổi đồng thuận với con dâu nên nhiều đồ bà mua về, con dâu không ưng ý.

Mặc dù bà là công chức, có điều kiện kinh tế và ở thành phố, có lối sống khá hiện đại nhưng vì con trai và con dâu bà Hường lại sống ở Thủ đô, nơi có nhiều món đồ tân tiến, hiện đại hơn nên các con bà vẫn không hài lòng với những món đồ mẹ mua.

Đôi vợ chồng trẻ rất háo hức, muốn tự tay mình mua sắm đồ thật ưng ý cho đứa con đầu lòng. Những món đồ không ưng, các con bà lại đi mua cái khác khiến bà Hường không ít lần xung khắc, nổi giận, thậm chí bỏ về. Bà không chỉ xót xa với số tiền mình đầu tư mà còn cho rằng các con coi thường, ra vẻ ta đây và không quan tâm đến cảm xúc của bà.

Dù giận các con, nhất là con dâu nhưng vì cháu, bà lại làm lành, đề nghị con dâu cho cháu về quê một vài tháng để bà tiện chăm sóc. Khi con dâu cho cháu về, bà lại giành hết mọi việc, từ việc đi chợ đến cách cho cháu ăn, uống, tắm giặt hằng ngày. Cô con dâu lúc đầu cảm thấy rất sung sướng vì không phải làm gì trong thời gian ở cữ nhưng rồi cũng không chịu nổi vì tính áp đặt của mẹ chồng.

Còn bà Hường, dường như lúc này, bản năng của một người mẹ trỗi dậy, bao nhiêu kinh nghiệm thời chăm sóc con trai, bà đều đem ra áp dụng y chang với cháu. Chẳng hạn, khi con dâu dùng máy xay thịt, rau củ quả trực tiếp cho vào nấu bột thì bà Hường nhất định không nghe.

Bà cho rằng thịt phải đem ninh nhừ, rau quả phải luộc lên bỏ hết cái, chỉ lấy nước, nấu bột như thế mới thơm, ngon. Còn hoa quả thì không được cho bé ăn sớm mà phải đợi đầy năm mới được ăn... Cứ như vậy, cô con dâu dần cảm thấy ấm ức vì không được chăm sóc con mình như ý muốn, như những gì cô đã dày công tìm hiểu, đọc sách, tra cứu trên mạng.

Có lần, cô cự nự phản đối thì bà bảo cô chẳng phải học hỏi ở đâu cả, cứ theo kinh nghiệm truyền thống mà làm. Cũng nhờ kinh nghiệm ấy mà bà đã nuôi con trai trưởng thành, khôn lớn và chẳng kém ai.

Đến khi con dâu có bé thứ hai, bà Hường lại lặp lại hành trình chăm cháu như vậy. Ngoài ra, bà cũng đề nghị con dâu cho cháu thứ nhất về quê để ông bà nuôi dưỡng một thời gian. Vì quá bận rộn nên các con bà Hường đồng ý. Nhưng khi đã nuôi dưỡng cháu một thời gian, bà Hường không muốn trả lại cháu cho các con mà bà yêu cầu các con để cháu lại cho bà nuôi và bà cho đi học ở quê.

Bé thứ hai bắt đầu đi học mẫu giáo, cô con dâu đã có thời gian rảnh rỗi hơn và muốn được chăm sóc cả bé thứ nhất theo ý muốn của mình. Vì thế, cô không còn nghe lời bà Hường nữa. Cô quyết liệt phản đối. Bà Hường cho rằng cô đã vô ơn khi bà bỏ bao công sức nuôi cháu, giờ cháu lớn, cô tỏ ý này nọ với mẹ chồng và không muốn bà chia sẻ tình cảm với cháu. Từ đó, bà Hường tuyên bố sẽ từ mặt con dâu.

Theo Cẩm Thủy
Phụ Nữ Việt Nam