“Trộm vía” lên ngôi

(Dân trí) - Những ngày này, đi đâu ta cũng dễ dàng nhìn thấy hình ảnh những chiếc bụng bầu từ lùm lùm đến “vượt mặt”: Công viên, siêu thị, công sở… Năm lợn vàng, “bầu” lên ngôi kéo theo bao thay đổi nơi làm việc và sinh hoạt, cá biệt có nơi, nó còn tạo thành một “văn minh” mới, xin tạm gọi là “văn minh…trộm vía”.

Năm lợn vàng, được mùa khoa sản

 

Không biết có tổ chức khoa học nào chứng minh rằng các em bé được sinh ra vào năm lợn vàng thì đều trở thành “ông nọ bà kia” hay không mà bất cứ bậc làm cha mẹ nào, nếu có điều kiện, cũng đều mong  có được một được một con “lợn vàng” càng sớm càng tốt.

 

Có lẽ vì vậy nên cư dân “bầu” mới có bước “tăng trưởng” đột biến như vậy về số lượng. Đi ngoài đường, phóng xe ầm ầm mà “liếc” họ, e rằng chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”. Nếu có dịp đến khoa sản của các bệnh viện vào những ngày này, ta “thỏa sức” ngắm “vòng hai” với đủ các kích cỡ.

 

Bắt chuyện với một người sắp làm bố tại bệnh viện Việt Pháp, anh vui vẻ cho biết: “Mình làm kinh doanh nên cũng bận bịu lắm, nhưng từ khi có tin “lợn vàng”, mình không bỏ lỡ một cơ hội nào đưa bà xã đi khám cả. Con nào cũng là con, nhưng con “lợn vàng” thì càng quý. Với mình thì “lợn” là tốt rồi”.

 

Cũng tại đây, một ông bố mặt vui hơn bắt được vàng nói: “Đúng là mình vui hơn bắt được vàng, vì mình bắt được “lợn vàng” cơ mà, mà là cậu đầu lòng đấy”. 

 

“Trộm vía” lên ngôi

 

Đi thăm “bà đẻ”, đến công sở, đi siêu thị…đâu đâu ta cũng nghe thấy những câu rất dễ thương: “Trộm vía, thằng bé đấy kháu thế”, “Trộm vía chứ con bé đấy lớn lên chắc làm hoa hậu mất”, “Nói trộm vía chứ, thằng bé nhà em dạo này nó ngoan, chịu khó ăn mà lớn thì cứ nhanh như thổi. Em mừng quá”…

 

Thật khó để diễn tả hết hàm ý của từ “trộm vía”, nhưng hình như nó luôn gắn liền trên miệng các “bà đẻ” và cả người đi thăm họ nữa. Họ nói, tạo thành thói quen, khiến đồng nghiệp nghe cũng thấy vui tai và bắt chước. Vậy là một “văn mình…trộm vía” ra đời.

 

Làm công việc văn phòng thì chủ yếu vẫn là phái yếu, mà năm nay phái yếu lại lên ngôi. Có những phòng chỉ hơn mời người làm việc thì có tới 8 bà bầu. Bất kể câu gì nói ra cũng được đệm thêm từ “trộm vía”. Các đồng nghiệp nam cũng đế theo: “Trộm vía, hôm nay lại ký được hợp đồng”, “Trộm vía hôm nay sếp hiền”, “Trộm vía, hôm qua Man thắng”…

 

Đến ông chuyên gia người Pháp, nói tiếng Việt còn chưa sõi nhưng không biết ai dạy cũng góp vui: “Trộm vía, hôm nay trời đẹp quá”. Có anh em vui tính ghi âm lại rồi thống kê, ngôi vị vô địch với 107 từ “trộm vía” trong một buổi sáng lại thuộc về một người không…mang bầu.

 

Bên cạnh “tiếng nói” thì “lời ăn” của các bà bầu mới là đáng bàn. Thôi thì la liệt đủ loại từ đồ ăn đến thức uống. Mà mỗi người lại nghén một kiểu, thích ăn một thứ. Mỗi người lại được khuyên uống một loại sữa khác nhau. Thế là văn phòng làm việc nghiễm nhiên trở thành nhà ăn cao cấp với đủ “của ngon vật lạ”.

 

Mang bầu thì ăn nhiều và phải ăn nhiều. Tốc độ nói nhanh và nhiều bao nhiêu thì ăn cũng như thế. Từ những thứ quen thuộc như bim bim, kẹo bánh, hoa quả, phở gà, phở bò…đến những thứ mà chỉ bà bầu ăn nghén mới nghĩ ra, tất cả đều “thập toàn đại bổ”.

 

Nhờ vậy mà đời sống dinh dưỡng của anh em làm cùng cũng được cải thiện đáng kể. Lan, nhân viên văn phòng, bộc bạch: “Mình lo quá, mới có mấy tháng mà mình tăng cân liên tục. Quần áo mặc đều bị chật hết. Mà không buộc miệng lại được, nhìn các chị ăn lại thèm, mà các chị thì mời nhiệt tình lắm, không lẽ lại…từ chối”.

 

Vui buồn chuyện “baby” năm Hợi

 

Niềm vui là của chung toàn xã hội. Ai cũng khấp khởi hy vọng 20 năm nữa, thế hệ “lợn vàng” trưởng thành sẽ đóng góp nhiều cho đất nước. Niềm vui mang tính nhân văn này lan từ không khí gia đình đến công sở, rồi bất cứ đâu mà bà bầu xuất hiện.

 

Nhưng nỗi buồn cũng đâu của riêng ai. Anh Thành, phòng nhân sự một công ty tâm sự: “Đặc thù công ty mình hợp hơn với nữ, thế nhưng trong vòng mấy tháng mà mình liên tục phải tuyển người thay thế. Công việc đình trệ, vì phải mất một thời gian khá dài những người mới mới có thể quen việc, giá mà chị em “bầu” có kế hoạch thì có phải…mà cũng chỉ tại lợn vàng, lợn đỏ gì đó thôi”.

 

Bố mẹ vui, nhưng ông bà lo. “Chúng nó đợi đến mùa đông mới cưới, rồi đi tuần trăng mật ở châu Âu ngắm tuyết, nhưng “lợn vàng” thì ông bà đã chăm sóc được hai tháng rồi”, ông bà Đức ở Cầu Giấy giãi bày. Chẳng là anh chị đã yêu nhau được 5 năm, đợi cuối năm mới kết hôn nhưng lại muốn có “lợn vàng” nên đành “tiền trảm hậu tấu” vậy.

 

Bản thân người viết cũng thấy lo. Không biết với hệ thống trường lớp, giáo dục, cơ sở hạ tầng, điều kiện vật chất, kinh tế…của xã hội nói chung và của các bậc làm cha mẹ nói riêng đã đảm bảo điều kiện cho thế hệ “lợn vàng” phát huy hết lợi thế “thiên phú” chưa? Không biết sau khi “quả bom” baby này phát nổ thì xã hội đã có chuẩn bị gì? Hay 20 năm nữa thế hệ “lợn vàng” lại cũng như các thế hệ “lợn thường” trước đó? Nhưng âu đó cũng là lo hão.

 

Thanh Phong