Trẻ nôn trớ, xử trí thế nào?
Nôn trớ là triệu chứng hay gặp ở trẻ nhỏ. Nôn trớ là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản rồi trào ra miệng.
Nôn trớ là triệu chứng hay gặp ở trẻ nhỏ. Nôn trớ là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản rồi trào ra miệng. Nôn trớ có thể lành tính, tự khỏi khi trẻ lớn hơn. Có khi nôn trớ là biểu hiện của những bệnh lý tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, có thể là triệu chứng của bệnh lý đường hô hấp hay là bệnh lý toàn thân…
Thế nào là nôn trớ bình thường?
Nôn trớ là hiện tượng phổ biến trong những tuần đầu sau sinh, khi bé vừa ăn xong hay bé vặn người. Bé trớ ra sữa vón cục và điều này có thể làm bé sợ, khóc nhiều hơn. Có nhiều nguyên nhân khiến bé trớ, hay gặp ở trẻ nhỏ do ép trẻ ăn quá nhiều, bú quá no, nằm liền sau khi bú hoặc không dung nạp thức ăn hoặc bắt đầu ăn bổ sung với thức ăn mới lạ, hoặc ăn nhiều quá một loại thức ăn nào đó. Dấu hiệu: nôn trớ thường xuất hiện sớm, số lượng chất nôn ít, chủ yếu là thức ăn. Trẻ vẫn chơi bình thường, không ảnh hưởng đến toàn trạng cơ thể. Do vậy, chỉ cần điều chỉnh cách cho ăn.
Hiện tượng nôn trớ ở tháng tuổi mới sinh này là bình thường hay còn gọi là nôn trớ sinh lý vì dạ dày của bé còn nằm ngang, cơ thắt tâm vị yếu nên bé rất hay nôn trớ, để giảm bớt tình trạng này cần chia nhỏ nhiều bữa ăn trong ngày, mỗi bữa chỉ ăn 30-40ml, có thể 1h lại cho ăn 1 lần.
Một lưu ý là cha mẹ không nên quá căng thẳng về hiện tượng này ở trẻ. Mỗi đứa trẻ đều sẽ nôn trớ ít nhiều trong giai đoạn sau khi chào đời và thường không ảnh hưởng gì tới sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ. Bé vẫn khỏe mạnh và tiếp tục lên cân.
Nôn trớ bệnh lý
Trong những tháng đầu tiên sau sinh, hiện tượng nôn trớ có thể là biểu hiện của một bệnh lý tại đường tiêu hóa như: trào ngược dạ dày thực quản, nhiễm khuẩn đường ruột, ngộ độc thức ăn, bệnh lý ngoại khoa như: lồng ruột, tắc ruột, hẹp môn vị… Bệnh lý toàn thân như: viêm đường hô hấp, viêm màng não… Bé càng lớn mà tình trạng nôn vẫn kéo dài thì đừng do dự, hãy đưa bé tới bác sĩ. Một số dấu hiệu cảnh báo cần đưa bé đi khám bệnh: Bé nôn trớ kèm theo: đau bụng quằn quại, bụng trướng, lơ mơ hay ở trạng thái kích thích, co giật, liên tục nôn trớ hay tiếp tục nôn trớ trên 24 tiếng, xuất hiện máu hay mật (màu xanh) khi nôn trớ...
Trường hợp trẻ nôn trớ kéo dài hoặc nôn do bệnh lý mà trẻ có biểu hiện các triệu chứng như: sốt, đau bụng, lơ mơ, co giật, hay nôn ói liên tục... có thể do các bệnh nhiễm khuẩn tiêu chảy, viêm mũi họng, viêm phổi, viêm màng não... gây ra. Khi trẻ nôn đột ngột và kèm theo các triệu chứng khác liên quan của từng bệnh thì cần đưa trẻ đi khám để xử trí kịp thời.
Các trạng thái nôn trớ ở bé cần nghĩ ngay là bệnh lý
Cũng có thể có xuất hiện tia đỏ trong dịch nôn nếu bé nuốt máu từ vết thương nào đó ở miệng hoặc bị chảy máu cam trong vòng 6 tiếng trước đó. Chỉ bất thường khi bé tiếp tục nôn trớ có lẫn máu trong những lần sau với số lượng tăng dần. Riêng với tình trạng nôn có màu xanh (mật xanh) thì cần đưa bé đến bệnh viện ngay. Khi ấy cần giữ lại chút dịch nôn trớ có lẫn máu hay mật xanh để đưa bác sĩ xem.
Nôn trớ không ngừng trong tháng đầu tiên sau sinh, cứ ăn xong là nôn trớ. Đây có thể là do chứng hẹp môn vị, một nguyên nhân hiếm gặp gây nôn trớ mà thường bắt đầu một vài tuần sau khi bé chào đời cho tới tận khi bé 4 tháng tuổi. Môn vị là một cơ vòng nối liền dạ dày với đoạn đầu của ruột non. Nếu cơ vòng này bị dày lên sẽ ngăn cản sự di chuyển các chất trong bộ máy tiêu hóa từ dạ dày xuống ruột. Sữa hoặc các thực phẩm khác bị ứ tắc ở đây sẽ dội lại phía thực quản và gây ra nôn ói.
Xử trí nôn trớ như thế nào?
Lưu ý: tư thế khi bé nôn nên để bé nằm nghiêng hoặc đỡ bé ngồi dậy, đề phòng khi bé nôn, chất nôn sẽ tràn vào khí quản, gây sặc rất nguy hiểm. Khi đã lưu ý tư thế thì nên chờ cho bé bớt nôn trớ, hãy cho uống một lượng nhỏ nước đun sôi để nguội hoặc dung dịch oresol, bé bị mất nước nhiều nên sẽ khát. Lau sạch miệng cho trẻ, thay áo và quàng khăn vào cổ trẻ đề phòng bé nôn trớ tiếp.
Khi bé nôn trớ, cơ thể bé sẽ mất một số lượng chất lỏng nhất định. Vì thế, điều quan trọng là phải bổ sung lại lượng chất lỏng đã mất này để cơ thể bé không bị mất nước, bằng dung dịch oresol, nước đun sôi để nguội hay nước trái cây. Thực tế là rất nhiều bé khi uống oresol hay nước lọc vào càng ói nhiều hơn nữa, có bé cũng không chịu uống nước hoa quả. Khi đó có thể cho bé uống nước đường nhạt, vừa giúp bé bù nước lại giúp con giảm mệt mỏi và nhanh lại sức, các bé sẽ dễ uống hơn và giảm nôn trớ rất nhanh. Nên cho uống bằng muỗng nhỏ hoặc từng ngụm một, với lượng nước vừa phải. Nếu bé tiếp tục trớ thì cần cho uống luân phiên 50ml nước oresol/50ml nước đường sau mỗi nửa giờ. Hoặc có thể chỉ cho bé uống nước đường nếu thấy bé chịu uống hơn. Sau khi cho bé uống loại nước này mà bé không nôn trớ nữa thì cho bé bú mẹ hoặc bú bình, tăng dần số lượng từ 80 - 100ml sau mỗi 3 - 4 giờ. Không cho bé bú quá nhiều cho 1 lần trong thời gian này.
Nếu bé đã ngừng nôn trớ sau 6 giờ thì có thể cho bé ăn uống bình thường nhưng vẫn nên cho ăn ít hơn so với bình thường, chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ hơn, vẫn cho bé uống nhiều nước. Cho bé ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, chọn loại bình thường bé thích ăn và dễ ăn với bé.
Lưu ý: Khi trẻ nôn trớ, mẹ nên xem con có bị sốt hay đi phân lỏng, tiêu chảy, ho, hay sổ mũi, phát ban... kèm theo không. Nếu có là bé nôn trớ do một bệnh lý nào đó, khiến cơ thể mệt mỏi và gây ra nôn trớ.
Nếu sau khi nôn, trẻ vẫn chơi bình thường thì đó là do cách ăn uống chưa hợp lý ở trẻ, không do bệnh lý, không ảnh hưởng đến tình trạng cơ thể. Lúc này mẹ cần phải điều chỉnh cách cho ăn. Nên nhớ khi bé nôn nhiều tức là bộ phận tiêu hóa đang có vấn đề nên cần nghỉ ngơi, chỉ nên cho bé uống nước để không bị mất nước, đừng ép ăn, không giúp được bé mà còn làm tăng triệu chứng nôn trớ và bé càng quấy khóc nhiều hơn.
Không được tự ý mua cho con dùng loại thuốc chống nôn trớ nào khi chưa cho con đi khám và được bác sĩ kê đơn. Nhất là với các bé dưới 6 tháng tuổi sẽ rất nguy hiểm.
Theo BS. Lê Anh
Sức Khỏe và Đời Sống