“Tôi yêu vợ mới thế!”

Câu chuyện về người đàn ông giữ vợ đến mức không khác gì cầm tù bạn trăm năm đang được nhiều người dân ở cái thị trấn sầm uất, chỉ cách thành phố Hà Nội không xa này kể lại như một câu chuyện ly kỳ nhất từ trước đến nay về những gì đàn ông yêu vợ quá mức.

Phải nghe làng xóm bàn tán quá nhiều về việc anh Lễ có thói gia trưởng, kìm kẹp, giam hãm vợ, một buổi sáng mẹ anh gọi anh vào quát mắng một hồi:

 

“Anh lấy vợ về để làm gì đấy? Tại sao anh cứ tìm cách giam hãm nó, theo sát nó. Làng nước họ đang cười nhạo anh cầm tù vợ anh kia kìa. Anh đừng làm xấu mặt những người đẻ ra anh”.

 

Nghe mẹ nói thế anh Lễ tức sôi lên cãi lại: “Thế mà gia trưởng à? Tôi là người yêu vợ nên mới thế. Mẹ thấy cả cái huyện này có ai yêu vợ như tôi không? Chúng nó ghen tôi có vợ đẹp nên mới buông lời xúc xiểm, chứ tôi đố đứa nào yêu được vợ như tôi”.

 

Biết chẳng thể nào lay chuyển được anh con trai cục tính, mẹ anh Lễ đành “chịu thua”, bà ngậm ngùi thương cô con dâu đang ngày càng bị chồng “phong tỏa” dữ dội.

 

Ngay sau đám cưới, anh Lễ nói với vợ rằng: “Em bây giờ thuộc về anh rồi, mọi thứ trên người em đều do anh quản lý”. Chị vợ nghe thế cũng tưởng đơn giản chỉ là chuyện anh Lễ nói thế để thể hiện là rất yêu vợ, rất muốn vợ chung thủy tuyệt đối với mình mà thôi. Chứ chị không ngờ rằng anh đang thiết lập một vòng “cương tỏa” chị.

 

Anh Lễ bắt đầu theo sát mọi bước đi của vợ. Vợ có đi từ nhà xuống bếp anh cũng đi theo vì lo chị sẽ “đá mắt” nhìn qua cửa bếp nhà hàng xóm. Điều đó có nghĩa là mấy anh chàng hàng xóm sẽ có cơ hội để nhìn lại vợ anh. Anh Lễ quản lý từ ánh nhìn của vợ, hễ ngồi trong nhà mà chị có nhìn ra ngõ là bị anh nhắc nhở liền: “Nhìn ai mà nhìn chằm chằm ra ngoài đấy”.

 

Từ ngày có vợ, anh Lễ bỏ bê công việc của mình mà chỉ chăm chăm vào việc theo sát bước vợ. Vợ anh ra chợ hay đứng nói chuyện với bất kỳ ai cũng bị anh đứng cạnh “theo dõi”. Tất nhiên, thời gian đầu anh Lễ còn ý nhị lấp dưới cái mác “đi cùng chăm sóc” vợ chứ về sau anh chẳng ngại ngần mà nói thẳng với vợ “tôi đi theo để quản mình đấy”.

 

Kể từ ngày lấy chồng, vợ anh Lễ chưa có một ngày nào được đi ra đường một mình, đến ngồi trong nhà mà lúc nào chị cũng bị anh kè kè bên cạnh. Chị vừa xấu hổ vì bị xóm giềng cười nhạo vừa cảm thấy khó chịu vì bị chồng giam hãm. Thế nhưng, biết cái tính cục cằn của anh Lễ chị chẳng dám hé răng kêu ca với anh lấy một lời.

 

Một ngày, vợ anh Lễ nghe tin bố đẻ mình chuẩn bị hấp hối. Nhà chị cách nhà anh Lễ hơn 50 cây số. Chị cuống cuồng chuẩn bị đồ đạc về để gặp mặt bố những phút giây cuối.

 

Tưởng rằng lúc này anh Lễ cũng cuống lên hơi sức đâu mà lo chuyện giữ vợ. Ai dè, ngay trong lúc này, anh bắt vợ ở nhà để anh về nhà bố mẹ vợ trước nếu ông cụ qua đời sẽ phóng xe về đón, còn nếu không thì chị cứ ở nhà, không cần phải lên trên đó làm gì.

 

Chị thuyết phục thế nào anh Lễ cũng không cho chị đi, anh chỉ đi có một mình về nhà bố mẹ vợ. Quá sốt ruột, lại được mẹ chồng ủng hộ, vợ anh Lễ thuê xe ôm về gặp mặt bố trước lúc qua đời.

 

Về nhà bố mẹ vợ được một lát, anh Lễ nhìn thấy vợ bước xuống xe ôm quên cả việc bố vợ đang trong lúc nguy kịch anh tức tốc lao ra đánh anh xe ôm một trận vì tội “ai cho ông chở vợ tôi”. Rồi cũng chẳng thèm để ý xem vợ đang đau khổ thế nào vì bố sắp trút hơi thở cuối cùng, anh lôi vợ lên xe, bắt về nhà.

 

Vợ anh Lễ cùng mẹ anh phải quỳ xuống xin anh thì anh Lễ mới “động lòng trắc ẩn” cho vợ về quê chịu tang bố. Nhưng chị cũng không được ở lại nhà bố mẹ buổi tối. Mấy ngày nhà vợ có tang, anh Lễ chịu khó như con thoi sáng đưa vợ tới làm ma cho bố, tối mịt lại đưa về, trong đám ma, anh cũng không chịu rời vợ nửa bước.

 

Câu chuyện anh Lễ “quản thúc” vợ bị nhiều bà con lối xóm chê cười, có lần Hội phụ nữ xã, chính quyền địa phương gọi anh Lễ đến để phân tích và hy vọng giúp vợ anh được “cởi trói” hơn nhưng đời nào anh Lễ chịu thay đổi cái thói gia trưởng và cách giữ vợ có phần bệnh hoạn của mình: “Tôi yêu vợ mới thế, các ông giỏi cứ yêu như tôi thì làm gì có chuyện đàn ông đàn bà ngoại tình”.

 

Câu chuyện trên chỉ là một ví dụ cho những thói quen, nếp sống lạc hậu cổ hủ của một bộ phận người chồng ở nông thôn đặc biệt là ở các vùng miền núi, miền sâu, miền xa.

 

Sau lũy tre làng, vẫn còn rất nhiều người vợ phải cam chịu những thói gia trưởng và bị chồng “bắt nạt” một cách trắng trợn. Bản thân những người vợ này cũng không có cách gì để làm thay đổi tâm tính những ông chồng ấy, càng không dễ gì giải thoát khỏi cuộc sống vợ chồng ngột ngạt như thế.

 

Theo Phụ Nữ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm