Tôi rất ghen với mối quan hệ thân thiết của chồng và em gái anh ấy

PV

(Dân trí) - Chồng tôi coi trọng ý kiến của em gái anh ấy đôi khi còn hơn cả của tôi. Mỗi lần hai anh em họ nói chuyện, tôi cảm giác như bị gạt sang một bên.

Chồng tôi có mối quan hệ tốt với anh chị em ruột, đặc biệt là cô em gái. Nhiều lần, tôi cảm thấy bị gạt sang một bên mỗi khi vợ chồng tôi đến thăm em hoặc em ấy đến chơi nhà chúng tôi. Điều này khiến tôi vô cùng ghen tỵ. 

Chồng tôi coi trọng ý kiến của em gái, đôi khi còn hơn cả ý kiến của tôi. Mỗi lần hai anh em nói chuyện, tôi hầu như không thể chen lời.

Vì hai anh em làm cùng lĩnh vực nên cuộc trò chuyện của họ thường xoay quanh ngành nghề mà tôi không mấy hứng thú. Dù đã cố gắng lắng nghe và học hỏi, tôi dường như không thể bắt chuyện với chồng và cô em gái. 

Mỗi lần đến nhà chúng tôi, em chồng sẽ chào hỏi tôi, sau đó đi thẳng đến chỗ chồng tôi. Khi anh ấy ở nhà, chúng tôi có khoảng thời gian vui vẻ bên nhau, nhưng tôi cảm thấy em chồng thích ở với anh trai hơn là với tôi.

Một trong những lý do khiến tôi khó giao tiếp với gia đình chồng là trong một lần đến thăm anh trai chồng, tôi chỉ nhìn chằm chằm xuống sàn nhà hoặc tường khi họ nói chuyện.

Sau những lời lẽ có vẻ là không hay từ vợ của anh trai chồng, tôi không đi cùng chồng đến nhà anh ấy nữa.

Tôi không muốn bị bỏ rơi và giảm bớt cảm giác ghen tỵ không mong muốn trong mối quan hệ giữa chồng và em chồng.

Tôi rất ghen với mối quan hệ thân thiết của chồng và em gái anh ấy - 1

Tôi ghen với mối quan hệ thân thiết của chồng và em gái anh ấy (Ảnh minh họa: ShutterStock).

Trước tình huống trên, bác sĩ trị liệu tâm lý Nicole Addis phân tích cảm giác bị bỏ rơi là trải nghiệm rất cô lập và đôi khi gây xấu hổ, cũng có thể "rất trẻ con".

"Tôi cho rằng, việc người chồng có mối quan hệ tốt với anh chị em ruột chứng minh anh ấy lớn lên trong gia đình có nhiều yêu thương", bác sĩ nói.

Trong khi đó, người vợ sinh ra trong gia đình 3 chị em gái, thường thì một người trong số họ sẽ có cảm giác "bị bỏ rơi".

Theo Addis, đôi khi con người sẽ có cảm giác bị bỏ rơi. Khi có cảm giác như vậy, chúng ta phải tìm hiểu lý do: Ai đó cố tình loại trừ bạn không? Hay có điều gì đó về sự gần gũi của những người khác khiến bạn cảm thấy bị loại trừ?

Bác sĩ tâm lý cho rằng, trong trường hợp này, sự bất cẩn trong thái độ của người chồng và cô em gái (và tất nhiên điều đó có thể gây đau đớn) đã khiến người vợ đau lòng. Nhưng có vẻ họ không cố ý loại người vợ ra khỏi cuộc nói chuyện. 

"Tôi tự hỏi liệu có điều gì đó từ quá khứ khiến người vợ "dính chặt" với những gì đang xảy ra không? Điều gì đó về người chồng và cô em gái gợi cho người vợ cảm giác bị bỏ rơi?", Addis giải thích.

Thực tế, không loại trừ khả năng người chồng và cô em gái cố tình loại trừ người vợ ra khỏi mối quan hệ. Điều này cần xem xét lại về mối quan hệ thực sự của hai vợ chồng. Hai người có dành thời gian cho những sở thích chung, giao tiếp tốt không?

"Sự thân mật có thể bảo vệ người vợ khỏi những can thiệp từ bên ngoài, củng cố mối quan hệ của hai vợ chồng", chuyên gia nói.

Addis cũng tự hỏi về cuộc sống và bạn bè của người vợ. Khi cuộc sống của chúng ta trở nên nhỏ bé, mọi thứ có thể đau đớn hơn.

Bác sĩ tâm lý khuyên người vợ cần nói chuyện với chồng và cho anh ấy biết cảm xúc thật của mình, vì không có gì đáng xấu hổ trong việc đó.

Sau đó, người chồng có thể để tâm đến vợ khi hai người ở bên nhau. Đôi khi chỉ cần một người biết được nỗi đau của người vợ - và biết rằng họ quan tâm đến nó - có thể thực sự giúp cô được an ủi. 

Tuệ Đan

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm