Tôi nổi cáu khi vợ bắt bố mẹ chồng đóng tiền ăn hàng tháng

Lê Giang

(Dân trí) - Vợ tôi bảo rằng hiện tại, lương hai vợ chồng lo cho bốn người ăn, rồi còn việc nọ việc kia, không dư được đồng nào để dành.

Thời còn hẹn hò, vợ tôi luôn thủ thỉ rằng muốn sau này cưới ra ở riêng. Nhưng tôi nói điều ấy là rất khó.

Bởi bố mẹ tôi sinh được ba người con. Hai chị gái tôi đã lấy chồng, còn tôi là con trai út. Vợ tôi tất nhiên không vui với điều này. Nhưng biết phải làm sao bây giờ, nếu cô ấy yêu tôi, muốn làm vợ tôi thì phải chấp nhận.

Bố mẹ tôi là viên chức về hưu, lương hưu đủ để hai ông bà chi tiêu thoải mái. Ngày tôi chưa lấy vợ, kiếm được đồng nào tôi "xào" luôn đồng ấy, những việc khác có bố mẹ lo. Nhưng sau khi cưới, tôi giao nộp phần lớn lương cho vợ để cô tùy ý tính toán chi tiêu, sinh hoạt trong nhà.

Tôi cũng bảo bố mẹ từ nay không phải lo lắng điều gì nữa. Tiền lương hưu ông bà cứ giữ lấy, thích mua gì thì mua, thích đi đâu thì đi, thích cho ai thì cho. Còn việc chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, vợ chồng tôi sẽ lo liệu. Bố mẹ tôi nghe xong rất vui, bảo cuối cùng cũng được nhờ con rồi.

Tôi nổi cáu khi vợ bắt bố mẹ chồng đóng tiền ăn hàng tháng - 1

Đề nghị bố mẹ góp tiền ăn của vợ khiến tôi không kìm nổi tức giận. (Ảnh minh họa: Sohu)

Thời gian đầu mọi việc diễn ra suôn sẻ. Vợ chồng tôi là công chức nhà nước, lương không cao nhưng ổn định. Nếu biết vun vén, tiết kiệm thì cuộc sống cũng không đến nỗi nào.

Nhưng từ khi có bầu, vợ tôi bắt đầu nói đến chuyện tiền bạc nhiều hơn. Ban đầu, cô ấy bóng gió rằng đồng nghiệp tôi làm thêm cái nọ cái kia. Rằng người ta cũng làm công chức mà mua được nhà được xe.

Rồi vợ hỏi tôi không biết có thể kiếm được việc gì làm thêm để tăng thêm thu nhập hay không?

Vợ tôi than thở rằng hiện tại, lương hai vợ chồng lo cho bốn người ăn, rồi còn việc nọ việc kia là hết, không có dư đồng nào để dành. Cô ấy lo lắng khi con ra đời sẽ tốn kém hơn, chưa nói đến việc ốm đau hay việc này việc khác.

Cuối cùng, cô ấy hỏi tôi:

- Anh có thể nói chuyện với bố mẹ, đề nghị ông bà góp một ít tiền sinh hoạt được không? Em thấy bố mẹ đều có lương. Ông bà già rồi, cũng không cần dùng đến tiền bao nhiêu. Lúc ốm đau thì đã có con cái chăm sóc, lo lắng rồi. Sao bố mẹ không chia sẻ gánh nặng kinh tế với vợ chồng mình?

Tôi nghe vợ nói xong lập tức nổi giận:

- Em vừa nói cái gì thế? Em định bảo bố mẹ góp tiền ăn à? Bố mẹ sinh anh ra, nuôi dạy anh đến bây giờ, dựng vợ gả chồng. Giờ đến bữa ăn cũng bắt ông bà góp tiền nữa à? Ông bà già rồi, ăn uống bao nhiêu đâu.

- Nếu chỉ hai vợ chồng mình thì ăn uống qua loa, rau dưa cũng được. Nhưng sống chung với ông bà, bữa ăn luôn phải đầy đủ dinh dưỡng. Hôm nào đi chợ em cũng phải đau đầu tính toán. Mua thức ăn ngon thì không có tiền, ăn uống kham khổ thì thương ông bà. Đó là chưa nói mẹ nay ốm mai đau, khi thì hộp sữa, khi thì thang thuốc bổ. Anh thử tính xem, lương hai vợ chồng mình đâu phải chỉ lo ăn ngày ba bữa, còn "đối nội đối ngoại" trăm khoản chi tiêu. Sắp tới đây con mình ra đời, chăm một đứa trẻ không đơn giản đâu.

- Nói tóm lại là em vẫn muốn ông bà góp tiền ăn?

- Nếu bố mẹ thương con thì đã chủ động chia sẻ kinh tế rồi. Anh không nói thì để em nói.

- Em dám?

Cuộc tranh luận của vợ chồng tôi kết thúc ở đó. Vì tôi thực sự không biết nói thêm gì với vợ. Tôi quá thất vọng vì cách hành xử của cô ấy.

Vậy mà trước đây, cô ấy còn đòi ra ở riêng. Ở riêng thì còn phải thuê nhà, mua sắm nọ kia. Đằng này nhà không phải thuê, không phải mua sắm thêm bất cứ thứ gì. Tiền điện nước mỗi tháng ông bà chi trả.

Cô ấy lấy chồng, chỉ xách vali về nhà ở, ngày ngày đi làm với lo cơm nước bữa sáng bữa tối. Bữa trưa, ông bà ở nhà có gì ăn nấy. Làm sao mà khó khăn đến mức phải tính toán với bố mẹ chồng từng bữa ăn.

Mấy hôm nay vợ không thèm nói chuyện với tôi, mà tôi cũng không mở lời. Tôi phải làm cho vợ hiểu rằng: Cô ấy muốn làm vợ tốt, mẹ tốt thì trước hết phải làm nàng dâu hiếu thảo đã.

Làm gì có cô con dâu nào lại bắt bố mẹ chồng phải đóng tiền ăn hàng tháng. Càng nghĩ tôi càng thấy khó chịu. Có phải vợ tôi cư xử quá tệ hay không?