Tôi làm nghề trang điểm tử thi, được chồng ủng hộ dù bị gọi là kẻ lập dị

PV

(Dân trí) - Tôi đã làm nghề trang điểm tử thi hơn 25 năm, may mắn được chồng ủng hộ dù nhiều người cho rằng, tôi bất bình thường.

Tôi vốn là nhân viên ngân hàng, nhưng yêu thích công việc trang điểm. Ngày bà tôi qua đời, chị dâu khuyến khích tôi đến nhà tang lễ để xem liệu tôi có thể trang điểm cho bà lần cuối hay không.

Tôi đã xin nghỉ việc một ngày và đến nhà xác của nhà tang lễ. Trong một khoảnh khắc, tôi cố vượt qua nỗi sợ hãi và quyết định theo đuổi nghề trang điểm tử thi.

Tôi học các kỹ thuật cụ thể để trang điểm tử thi như cách sử dụng kem lót để che lớp da dần xỉn màu; cách chèn, giữ mí mắt cố định và cách sử dụng các sản phẩm trang điểm đậm hơn cần thiết cho công việc.

Từ đó, tôi bắt đầu đến các nhà tang lễ để trang điểm tử thi khi được yêu cầu. Tôi không nói với những người xung quanh về nghề nghiệp của mình vì một số người từng cho rằng, tôi là kẻ lập dị.

Tôi làm nghề trang điểm tử thi, được chồng ủng hộ dù bị gọi là kẻ lập dị - 1

Tôi làm nghề trang điểm tử thi và được chồng ủng hộ, dù bị gọi là kẻ lập dị (Ảnh minh họa: iStock).

Sau khi kết hôn và sinh con, tôi tự hào về công việc mình đang làm. Chồng tôi là giám đốc nhà tang lễ nên anh thấu hiểu nghề nghiệp của tôi. Trước đó, chúng tôi gặp nhau thông qua công việc. Chúng tôi có hai con gái đều đã trưởng thành. 

Tôi đã làm nghề trang điểm tử thi được hơn 25 năm. Tôi luôn yêu cầu gia đình khách hàng gửi hình ảnh trước đây của người quá cố để có thể trang điểm như lúc người đó còn sống. Thời gian trang điểm phụ thuộc tình trạng tử thi, nhanh nhất là 20 phút, lâu nhất từ 10 giờ đến hai ngày.

Các thành viên trong gia đình thường chọn trang phục, kiểu tóc và tông trang điểm cho người thân đã khuất.

Tôi có thể cắt, gội, nhuộm, sấy khô, kẹp tóc và sơn móng tay cho tử thi. Tôi thậm chí còn được yêu cầu nhuộm da rám nắng giả cho một người đã khuất. Công đoạn khó nhất là mặc quần áo cho tử thi.

Tôi từng trang điểm cho một người phụ nữ nổi tiếng qua đời ở tuổi 80. Gia đình mong muốn bà được nhuộm da rám nắng, tô son đỏ tươi và móng tay đỏ. Đó là cách họ nhớ về bà và thực sự hài lòng với kết quả.

Tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ các gia đình vì tôi biết cảm giác mất người thân là như thế nào. Đối với công việc này, bất kể ai cũng cần có lòng trắc ẩn, sự quan tâm và không sợ hãi.

Tuy nhiên, tôi không chi phối được cảm xúc khi tiếp nhận những nạn nhân còn nhỏ tuổi. Nhiều năm trước, bạn của con gái tôi, lúc đó 15 tuổi, qua đời do tai nạn giao thông. Tôi đã làm tóc và trang điểm cho cô bé lần cuối.

Tôi cũng từng giúp một cô dâu quá cố mặc váy cưới. Tôi đối xử với họ như thể tôi đang nói chuyện với họ về những gì tôi đang làm.

Trong vài năm qua, tôi đã có vài người thân qua đời hoặc được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Vì vậy, tôi sợ cái chết hơn bao giờ hết. Nhưng tôi yêu công việc của mình và sẽ làm việc 24 giờ/ngày nếu có thể.

Đây là câu chuyện thật được đăng tải trên tờ The Guardian. Nhân vật chính là bà Debbie Homewood, chuyên gia trang điểm tử thi, sống tại London, Anh. 

Tuệ Đan

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm