Tôi đã chán chồng ngay sau tuần trăng mật
(Dân trí) - Tôi là gái tỉnh lẻ, học xong lập nghiệp ở Hà Nội, cả gia cảnh và hình thức nói chung đều ổn. Anh là trai Hà Nội, cũng là người có học thức, hiện đang công tác ở một cơ quan nhà nước. Người ta nói “đẹp trai không bằng chai mặt”, còn anh thì vừa đẹp trai lại vừa chai mặt, vậy nên sau hơn hai năm quen biết, tìm hiểu, tôi quyết định kết hôn.
Nhiều người sẽ thắc mắc rằng tại sao tôi lại chán chồng chỉ sau một tuần kết hôn, trong khi tôi đã có một thời gian khá dài qua lại, tìm hiểu và lựa chọn. Nhưng ông bà nói cấm có sai, có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Phải nói rằng chồng tôi là thiên hạ đệ nhất ki bo.
Hồi yêu nhau, chúng tôi rất ít khi đi ăn ở nhà hàng hay vào những quán cà phê sang trọng. Lúc nào anh cũng nói, Hà Nội có nhiều hàng ăn vặt ngon cần gì phải vào nhà hàng, đồ ăn vặt cũng có thú vị của nó. Đi uống nước hay quán cà phê anh cũng chọn những cửa hàng bình dân hoặc vỉa hè cho dân dã gần gũi. Quà anh tặng tôi nhân những ngày lễ hay dịp gì đó đều là những món quà kỉ niệm nho nhỏ. Anh nói: Anh biết em là người không quan trọng tiền bạc, những thứ quà tặng đắt tiền sẽ làm cho tình yêu chúng ta có vẻ như nhuốm màu vật chất, chỉ cần em hiểu rằng, quà tặng to hay nhỏ thì tình yêu anh dành cho em vẫn thế không thay đổi. Những lúc như thế tôi cứ nghĩ rằng anh là người đàn ông giản dị và có phần lãng mạn, không hề có ý lấy lòng tôi bằng những chiêu trò ầm ĩ phô trương như những chàng trai tôi từng gặp. Một người đàn ông như thế tất nhiên là sẽ không ném tiền vào những trò vô bổ, biết chăm lo gia đình, vậy nên tôi đã yên tâm gật đầu khi anh đề cập đến đám cưới.
Trước đám cưới, khi tôi hỏi “chúng ta sẽ đi nghỉ tuần trăng mật ở đâu?”, anh bảo “sau đám cưới anh sẽ đưa em về quê ngoại của anh thăm bà con họ hàng, cách Hà Nội không xa đâu. Về quê bình yên và cũng đẹp lắm em à”, nhưng tôi không chịu. Từ thưở là con gái tôi đã rất thích Đà Lạt mộng mơ, tôi đã để dành địa điểm đó để sau này kết hôn sẽ nghỉ tuần trăng mật ở đó. Tôi muốn tuần trăng mật chỉ có hai người, hoàn toàn nghỉ ngơi, thưởng ngoạn. Sau một ngày tranh cãi chúng tôi quyết định đi Đà nẵng chiều theo ý của anh. Vé máy bay đã đặt sẵn, ngay khi kết thúc đám cưới là chúng tôi lên đường. Nhưng xuống sân bay, thay vì bắt taxi đến khu du lịch thì anh lại gọi người quen đến đón. Hóa ra anh đã điện thoại trao đổi với ông anh bà con ở trong này trước, vậy là chúng tôi được đón về nhà ông anh. Anh giải thích, anh em ở xa ít khi gặp mặt, nay nhân tiện vào đây thì ghé thăm anh chị và các cháu, nghỉ đây một đêm, ngày mai anh sẽ mượn xe máy của anh chị đưa em đi chơi, khám phá thành phố đáng sống nhất Việt Nam này. Thế là đêm đầu tiên của đời sống vợ chồng không phải là ngọt ngào yêu đương như tôi tưởng tượng mà là nằm ngủ với chị và hai đứa nhỏ trên chiếc giường chật chội, còn hai anh em nhà họ thì trải chiếu nằm ở phòng khách, nói chuyện thời sự chính trị rôm rả như họp quốc hội.
Sáng dậy ăn sáng các kiểu đã tầm nửa buổi, anh bảo “Anh chị cho em mược chiếc xe máy cho chủ động trong việc đi lại”. Đà Nẵng tuy không sầm uất và đông đúc như Hà Nội nhưng vì đất lạ nên tìm đường cũng phải dừng xe hỏi năm lần bảy lượt mới đến được khu du lịch Bà Nà, quay đi quay lại anh đã giục về sớm không anh chị đợi cơm. Tôi bảo vợ chồng mình đi du lịch, ăn ngoài cũng được chứ sao phải phiền hà anh chị cơm nước. Anh bảo sáng đi anh đã giúi tiền nhờ chị nấu cơm rồi, ăn ở nhà vừa sạch sẽ vừa đảm bảo hơn, ăn hàng ăn chợ giờ thực phẩm bẩn đầy ra, thế mà nó còn chém cho cắt cổ. Anh có cái lý của anh, nói cái gì cũng rõ hay và tôi nếu không muốn tranh cãi chỉ còn cách làm theo ý anh. Ba ngày ở Đà Nẵng, tôi cùng anh rong ruổi trên xe máy đi khắp các điểm du lịch của thành phố, nắng gió và mỏi mệt vô cùng. Ba đêm ở Đà nẵng, tôi vẫn phải ngủ chung với hai đứa trẻ đạp tung giường tung chiếu.
Cũng may hai ngày sau đi Hội An, ở Hội An không có người quen nên chúng tôi không còn cách nào khác là thuê khách sạn ngay gần phố cổ. Đi chơi đến gần hết ngày thì anh rủ tôi đi chợ. Tôi hỏi đi chợ làm gì? Anh bảo đi mua thức ăn về mượn bếp khách sạn tự nấu, vừa rẻ lại vừa hợp khẩu vị của mình. Tôi bảo tôi thích ăn đặc sản ở đây, nếu anh thích ăn thì anh tự nấu lấy mà ăn, đã đi du lịch lại còn phải đi chợ nấu ăn thì chẳng còn gì để nói nữa rồi. Anh không chịu thế là tôi tự đi ăn một mình rồi về phòng nằm nghỉ. Vài giờ sau thấy anh bê lên phòng nào là cua, là mực hấp, mực nướng. Xong anh mở va li lôi từ đáy vali ra mấy lọ nhỏ, lọ đựng ít muối, ít mì, ít tiêu, lại còn có một chai mắm chin su và chai tương ớt. Thấy tôi trố mắt nhìn, anh cười bảo: "Anh mang từ nhà đi đấy. Ăn uống thế này có phải là ngon không, hải sản anh tự chọn đấy nhé". Nói thật lúc đó tôi chỉ muốn lạy anh vài lạy, tự nhiên nghĩ đến viễn cảnh suốt đời phải sống với một người chồng ki bo tính toán từng chút một thế này thì thở sao nổi. Đêm hôm đó, 4 ngày sau đám cưới chúng tôi mới có chút gọi là “đêm tân hôn”, thế nhưng sự mệt mỏi và chán nản khiến tôi không còn chút hứng thú nào nữa. Đêm tỉnh giấc nhìn chồng say ngủ ngon lành, tự nhiên nước mắt tôi cứ ứa ra, chẳng hiểu ra làm sao nữa.
Sau tuần trăng mật, ngày đầu tiên về nhà chồng, tôi “được” mẹ chồng ngồi nói chuyện gần hai tiếng đồng hồ. Bà nói hết những quy tắc nền nếp trong gia đình để tôi khỏi bỡ ngỡ. Bà dặn tôi quần áo cả nhà hai ngày giặt một lần, áo sơ mi thì phải giặt tay. Buổi sáng tôi không cần dậy sớm, bà sẽ dậy sớm đi chợ và chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà. Nếu vợ chồng tôi không có ý định ăn riêng thì mỗi tháng đóng cho bà 4 triệu chi phí sinh hoạt. Cuối cùng bà tự hào: "Con lấy được thằng T. coi như trúng độc đắc rồi. từ nhỏ đến giờ nó chỉ mặc áo mẹ mua, ăn cơm mẹ nấu, không phá phách bài bạc hút chích gì đâu. Ở giữa cái đất Hà Nội này mà kiếm được người chồng như nó là hiếm đấy".
Sau khi làm học trò ngoan “ vâng vâng, dạ dạ”, tôi mất ngủ suốt một đêm. Đời tôi đúng là sang trang mới rồi, thay đổi ngoài sức tưởng tượng.
L.G