Tỉnh ngộ
“Mẹ ạ, bi kịch cay đắng ngày hôm nay là cái giá con phải trả cho sự nông nổi, mù quáng trong tình yêu song thực lòng con rất tiếc vì nỗ lực hòa hợp của con không được mẹ chấp thuận...”
“... Có lẽ ngôi nhà này không có chỗ dành cho con nên con đã quyết định chia tay với anh Bình.
Bà không bất ngờ khi An dọn đi nhưng “sốc” bởi những lời đầy triết lí của con bé mà trong mắt bà là kẻ lăng loàn, hư hỏng...
Chồng mất sớm, hơn 20 năm qua bà Hằng ở vậy tần tảo nuôi con nên bao nhiêu yêu thương, kì vọng bà đều dồn cả vào con. Bình tốt nghiệp đại học, công việc ổn định, bà Hằng đã lựa chọn cho anh vài đám mà theo cách nhìn nhận của bà là “rất được” nhưng Bình lại chẳng ưng đám nào.
Biết Bình hẹn hò với cô sinh viên học năm thứ nhất một trường cao đẳng gần nhà, bà Hằng tìm mọi cách ngăn cản nhưng cậu con trai vẫn lao như thiêu thân. Khi Bình thông báo An đã có thai 4 tháng và ngỏ ý tổ chức lễ cưới, bà giận dữ tuyên bố “không cưới xin gì hết”.
Biết mình ở thế yếu, mẹ An đã chủ động tìm đến “nói khó” với bà để tác thành cho hai đứa. Chẳng những từ chối thiện chí của mẹ An, bà Hằng còn gay gắt chỉ trích họ không biết dạy dỗ con gái. Lời khuyên nhủ của bạn bè, người thân “bỏ qua cho bọn trẻ” bà cũng bỏ ngoài tai.
Chỉ đến khi Bình cương quyết: “Con đã đến tuổi trưởng thành rồi, pháp luật cho con quyền được chọn bạn đời cho mình, mẹ có đồng ý hay không thì con vẫn sẽ cưới An” thì bà Hằng miễn cưỡng phải đồng tình dù trong lòng bộn bề hậm hực.
Vốn sẵn ác cảm với An nên ngay từ những ngày đầu sống chung nhà, giữa bà Hằng và An đã thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn. Bà để ý, soi mói con dâu từ lời ăn tiếng nói đến chuyện ăn mặc, sinh hoạt.
An vô tình làm điều gì khiến mẹ chồng phật ý là bà lớn tiếng la lối. Không ít lần bà khiến An bị tổn thương khi chê bai cô vụng về trong tề gia nội trợ hoặc thao thao bất tuyệt than vãn với mọi người rằng nhà bà vô phúc “rước phải cái ngữ con dâu vô tích sự”.
Vợ chồng An còn ít tuổi, lại đang trong giai đoạn tìm cách thích nghi, hòa hợp nên khó tránh khỏi va chạm. Thay vì ân cần góp ý, chỉ bảo các con, bà Hằng thản nhiên “đổ thêm dầu vào lửa” khi bênh vực con trai ra mặt.
Bình nhiều lần tìm gặp nhưng luôn bị An né tránh. Chứng kiến con trai chán nản sa đà vào rượu chè, bê trễ công việc, bà Hằng càng thêm day dứt, hối hận. Hạnh phúc của con cái chính là niềm vui lớn nhất đối với cha mẹ. Vậy thì bà nỡ lòng nào chia cắt tình cảm đôi lứa của con mình…
Đúng là bà đã quá nghiệt ngã đối với An. Bấy lâu bà luôn quy kết An bồng bột, thiếu trách nhiệm với bản thân nhưng công bằng mà nhìn nhận thì con trai bà cũng có lỗi.
Đứa trẻ mà An đang mang trong bụng là giọt máu của Bình, nó không đáng phải chịu nỗi đau hao khuyết tình cảm gia đình ngay từ lúc lọt lòng.
Biết là những tổn thương trong An chẳng dễ dàng nguôi lắng song bà Hằng tự nhủ sẽ đến nhà nhận lỗi cùng bố mẹ An, nói cho con dâu hiểu bà đã thực sự tỉnh ngộ và chân thành vun đắp cho hạnh phúc của con cái. Bà tin rằng An sẽ không nhỏ nhen, cố chấp như sai lầm bà đã từng mắc phải.
Theo Tuấn Nguyên
Phụ Nữ VN