Tình không ghen
(Dân trí) - “Món canh” tình yêu nào thiếu chút “gia vị” ghen xem như chưa hoàn hảo. Nực cười thay một số người vì lỡ tay nêm quá nhiều “gia vị” mà phải đau đớn ngồi nhìn nồi canh “quá mặn”. Thế nhưng, cũng có một số người đang ăn “canh nhạt” mà không muốn nêm “gia vị”.
Nhàm chán
Nam và Thanh yêu nhau ngay từ những ngày đầu học cấp III. Cùng đỗ vào một trường đại học, mối tình của họ lại thêm một lần nữa được tô đậm cùng bao kỷ niệm đẹp chốn giảng đường.
Ngày mới yêu nhau, hai người say đắm quấn quít bên nhau tưởng như không bao giờ chán. Họ đam mê cùng nhau khám phá thế giới cảm xúc mới lạ của tình yêu.
Thế nhưng, sau 9 năm yêu nhau, giờ đây cả Nam và Thanh đều có công ăn việc làm ổn định, bỗng họ chợt “ngơ ngác” nhận ra cảm xúc ấy đã chết từ bao giờ. Thời gian thật ghê gớm, nó có thể chữa lành mọi vết thương, xong cũng có thể “giết chết” mọi thứ.
Tình yêu với họ giờ đây chỉ còn là một “thói quen”, thói quen này đã ăn sâu vào tiềm thức khiến nhiều khi Nam không cần mở máy cũng biết Thanh vừa nhắn gì. Thanh không cần hỏi cũng biết tối nay đi chơi ở đâu, nói chuyện gì. Hai người gọi điện cho nhau như hai người thân quen nói những câu chuyện khách sáo giữa cuộc sống đời thường.
Hai người họ “hì hụp” uống bát canh tình yêu nguội lạnh thiếu “gia vị” không cảm xúc. Thế nhưng không ai muốn và cũng không đủ dũng cảm “khai tử” cho mối tình đã “trường tồn” cùng năm tháng của họ.
Không ai có thể “ăn nhạt” mãi được, Nam và Thanh cùng đi tìm những “bát canh” mới với nhiều gia vị cho riêng mình. Không ai ghen. Không ai hờn trách. Họ xem đó như những cách tìm lại cảm xúc cá nhân.
Họ tôn trọng nhau một cách tuyệt đối đến kỳ quặc: cho dù Nam đi với ai, làm gì, Thanh cũng chẳng hề bận tâm. Có nhiều điều tiếng về Thanh với một người đồng nghiệp, đôi khi Thanh đi chơi qua đêm không về nhà, Nam cũng kệ. Họ cứ đi bên đời nhau nhưng không hiểu từ bao giờ, thế giới cảm xúc của họ đã bị chia cắt.
Không ghen tức là không yêu, thế nhưng Nam và Thanh vẫn…yêu nhau. Hai bên gia đình thúc giục. Họ tổ chức. Họ nguyện vui vẻ cùng nhau ăn bát canh “nguội lạnh” không “gia vị” đến hết đời?
Không yêu
Ngoài 40 tuổi, Thành được gia đình giới thiệu với Hoa kém anh 5 tuổi. Không hiểu vì không “nhịn” được nữa hay sao mà họ quyết định đi đến hôn nhân khi tên người kia mình còn chưa nhớ rõ.
Họ đến bên nhau xa lạ, bỡ ngỡ. Đám cưới của họ diễn ra không phải nhờ kết quả một tình yêu mà do tuổi tác. Họ sống bên nhau, làm trọn mọi nghĩa vụ và bổn phận với nhau một cách hoàn hảo không cảm xúc. Họ tự đi tìm cho mình nguồn cảm xúc riêng tư.
Thành vẫn giữ thói quen trước khi đến với Hoa: thích “vui thú” chốn những em chân dài giỏi chiều chuộng. Thành thẳng thắn: “Đó là thói quen xấu không thể bỏ được”. Nhưng Hoa đâu có quan tâm: “Miễn là đừng mang bệnh tật về đây là được”.
Còn Hoa, cô vẫn giữ trong tim hình bóng mối tình đầu, dù giờ đậy “mối tình” ấy đã có 2 đứa con. Họ vẫn lén lút qua lại với nhau. Nhiều khi nằm bên Thành nhưng Hoa vẫn thản nhiên gọi điện và tâm sự với “người khác”. Thành kệ: “có yêu đâu mà phải ghen cho mệt”.
“Không yêu nên không ghen” là luận điểm mà cả Thành và Hoa thích dùng. Họ vẫn vui vẻ bên nhau, cùng sống dưới một mái nhà, cùng ngủ chung một giường và cùng ăn uống với nhau nhưng lại tự do trong thế giới cảm xúc.
Lời kết
Tình yêu bao giờ cũng đi cùng sự ích kỷ. Yêu có nghĩa là phải ghen và biết ghen. Thế nhưng ngày càng xuất hiện nhiều những “tổ ấm” không có cái tên “ghen”. Về mặt xã hội, họ sống bên nhau, còn mặt cảm xúc, họ hoàn toàn tự do. Phải chăng đây là xu hướng “cộng sinh” mới lấp đầy những yếu điểm của cuộc sống độc thân nhưng vẫn giữ được sự tự do cần thiết cho những người vốn không muốn bị ràng buộc bởi tình yêu và gia đình. Có lẽ, “tình không ghen” là một xu hướng mới của xã hội hiện đại khi “độc thân” bộc lộ quá nhiều yếu điểm và trở nên lỗi thời?
Thanh Phong