Tín đồ phong thủy
Đi làm về, thấy em hì hụi xê xê, nhích nhích chiếc tủ lạnh, anh biết ngay em lại vừa nhận chỉ đạo từ xa. Mặt em tươi rói: “Anh, giúp em chuyển tủ lạnh sang bên kia”. “Chuyện gì nữa đây?” - anh hỏi.
Những lúc quá khó chịu, anh lựa lời góp ý là em giãy nảy: “Anh muốn tai ương đổ xuống nhà mình phải không? Bất hạnh, xung đột trong gia đình xảy ra đều là do nhà cửa, vật dụng bố trí không thuận hợp. Anh không biết gì thì cứ nghe lời em đi”. Em viện dẫn, năm ngoái, chuyện anh đến thăm cô bạn cũ đang ốm nặng, bị đồn ầm thành anh ngoại tình khiến chức trưởng phòng thuộc về tay người khác, là do giường ngủ của hai vợ chồng đối diện với tấm gương tủ quần áo, hỏi sao không lục đục. Nghe lời em chuyển dịch chiếc giường, rồi không hiểu em đúng hay sự thật anh vô tội mà lời đồn đoán bỗng dưng không còn. Tin là nhờ vào sự thay đổi phong thủy ấy, em ngày càng lấn lướt. Cứ dăm bữa nửa tháng, nếu không nhích vật này sang phải một chút, kéo vật kia sang trái nửa bước chân hay xoay đổi chiều hướng chiếc giường, cái bàn, chiếc tủ… để tránh tai ương thì y như rằng, em ăn ngủ không yên. Rốt cuộc, có lần đứng từ ngoài nhìn vào, anh không khỏi ngao ngán thấy trong nhà vật dụng ngổn ngang, chương chướng, không gian sinh hoạt ngày càng teo tóp lại.
Tất cả những thay đổi đó em đều nghe theo chỉ đạo của mẹ. Mẹ sống ở quê, cách hơn 500 cây số nhưng các con xảy ra chuyện gì, thể nào dăm bảy phút sau bà cũng biết. Tuy nhiên, thay vì nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực, có tình, có lý, mẹ lại “đổ vấy” mọi chuyện cho nguyên nhân là từ cách trang trí nội thất. Mẹ yêu cầu chúng mình phải xê nhích vật dụng này, món đồ kia sao cho hợp phong thủy. Nghĩ chuyện tuần rồi mà lòng anh còn giận. Nửa đêm cu Bin sốt cao phải nhập viện, trong khi anh phải nghỉ việc chăm con thì em bận đi kêu thợ về đóng bít cánh cửa vì: “Mẹ bảo cửa sổ phòng con gần trụ điện cao áp, luồng “khí xấu” từ trụ điện ùa vào “bắt” bệnh nên phải đóng lại”. Đôi khi, anh không khỏi ngạc nhiên khi thấy mẹ dù ở xa, vẫn am tường nơi chứa đựng, đặt để từng vật dụng trong tổ ấm của mình. Đến chiếc mũ bảo hiểm anh hay mắc sau cánh cửa mẹ cũng biết, rồi dặn: “Cửa nhà phải thông thoáng để đón luồng “khí tốt”, đừng treo móc vật gì lên đó gây cản trở nghen con!”.
Sau đận mất chiếc ghế trưởng phòng ấy, tư thế ngủ của anh cũng bị đem ra mổ xẻ. Thì ra mẹ nhỏ to dặn dò con gái: “Đừng để nó nằm thế còng queo. Tướng ngủ mà cong cong, co ro trông khổ sở vậy biểu sao đường công danh thẳng thớm cho được!”. Không biết bao nhiêu đêm đang ngon giấc, anh bị em lay: “Anh lại nằm cong kìa!”. Bực bội, giận nhưng không thể trách được em bởi anh biết, em cũng đang mất ngủ vì lo canh giữ… thế ngủ ngay cho chồng. Sự nghiệp thăng tiến, công danh rạng rỡ đâu không thấy, chỉ thấy hai đứa đều gầy sọp, mắt thâm quầng, phờ phạc vì triền miên thiếu ngủ; công việc thì trễ nải, năng suất sút giảm...
Chuyện mua đất, xây nhà cách đây ba năm đến nay nhớ lại, anh còn rùng mình. Suốt hai tháng ròng, ngày nào hai đứa cũng ăn vội bữa cơm trưa rồi đội nắng đi xem đất. Mua được miếng đất đúng ý mẹ đã trần ai, chuyện xây nhà còn khủng khiếp gấp bội: “Xây nhà phải nở hậu, đúng hướng; cửa chính tránh chiếu thẳng vào nhà bếp mới êm ấm, thịnh vượng…”. Đồng ý với em, việc bố cục, bài trí, xây dựng nhà cửa là quan trọng; nhưng có cần thiết phải tuân theo như một tín đồ đến mức đôi giày cũng phải để sao cho “đường đời êm ái” không em? Anh nghĩ mãi không biết cuối cùng là mình nên thay đổi vật gì để em có thể nhận ra sự mệt mỏi, chán ngán của anh...
Theo Nguyễn Dân
Phụ nữ TPHCM