Tiếng thở dài của tân lang

Bạn vừa cưới vợ. Vợ bạn xinh, lung linh trong ngày cưới, ai thấy cũng mừng, khen hai bạn đẹp đôi. Vợ bạn mềm mỏng, dễ xúc động nên hay khóc, nhiều người nhận xét vợ bạn “giàu lòng nhân ái, biết đồng cảm với nỗi khổ người khác, thật đáng quý”. Bạn cũng từng quý cái tính mau nước mắt của vợ, vì phụ nữ vậy mới ra dáng, mới “đúng điệu”.

Con gái mà xông xáo, lấn lướt chồng quá thì chồng dễ “dưới cơ”, dễ bị ăn hiếp. Trước khi cưới, bạn từng nhỏ to tâm sự như thế, tất nhiên với người chí cốt như mình.

 

Một tuần sau ngày cưới, bạn khoe hạnh phúc nhưng... hơi mệt. Mình đùa, bảo “trăng mật, mệt là phải”. Bạn cười trong điện thoại, rồi kể lể đôi chút, rằng, vợ nhõng nhẽo hơn bạn tưởng.

 
Tiếng thở dài của tân lang


Ba tháng sau ngày cưới, bạn gọi điện, cho biết cần trút bầu tâm sự để nhẹ bớt cõi lòng. Mình và bạn ngồi ở quán cà phê quen mà nhóm bạn thời đại học hay ngồi, bữa cơm trưa bị ngắt quãng từng hồi bởi sự bức xúc của bạn: “Cậu nghĩ thử coi, ai đời, không biết rửa chén, mình nhắc thì cô ấy bảo: vậy mai mốt em không rửa nữa là được chứ gì?”. Năm lần bạn rửa lại đống chén một cách âm thầm, đến lần thứ sáu, bạn góp ý thì vợ nói câu đó, làm bạn… cụt hứng. Bộ đồ màu đỏ mới mua, vợ bạn đem ngâm chung với áo sơ mi trắng nên lem màu loang lổ. Nói thì vợ ngân ngấn nước mắt: “Thì em có biết đâu, biết em đã chẳng làm thế. Hồi giờ em có giặt đồ cho ai đâu?”.

 

Làm nghề viết lách, lắm khi cảm xúc đến từ lúc nửa đêm, 22g bạn còn gõ, dù rất nhẹ nhàng trên chiếc máy vi tính xách tay. Bỗng dưng vợ khóc nức nở, như là có nỗi oan ức nào “thấu trời xanh”. Hỏi, thì vợ bảo: “Anh gõ lóc cóc thế sao em ngủ được?”. Bạn lắc đầu như chừng ngao ngán: “Chưa thấy ai phản ứng kiểu như vậy, sợ quá”. Hai vợ chồng ở trọ, có hôm vợ dự hội thảo về muộn, bị chủ nhà càm ràm đôi chút. Biết vợ khó chịu nên bạn hỏi để an ủi, vừa mở lời: “Hôm nay em đi dự hội thảo vui không?”, đã “được” vợ ném cho câu trả lời: “Đi làm chứ phải đi chơi đâu mà vui”. Thế là gần như cả đêm, vợ bạn cứ đi ra, đi vào thở dài thườn thượt. Bạn lại lắc đầu, nhiều chuyện vợ không biết, muốn chia sẻ nhưng lại không được tiếp thu, thiện chí của vợ ít quá, nên mới ba tháng lấy nhau mà cự cãi phân nửa thời gian.

 

Bạn nói, vợ ngày xưa ít khi làm những việc vặt ở nhà, cưới xong thì biết nấu ăn chút chút, nhưng lại không nhiệt tình, nên mỗi bữa ăn cơm cứ như là địa ngục. Người ta mong ước được ăn cơm nhà vì ấm cúng, còn bạn đã bắt đầu sợ cơm nhà vì vợ không hoan hỷ khi nấu nướng, dọn dẹp…

 

Bạn nói, nhìn vợ bề ngoài đẹp xinh, lung linh, nhưng lại thiếu vắng sự chu đáo, giản dị, khiêm cung, biết trọng người chồng, biết lắng nghe và sửa chữa… nên vợ cứ dần “mất điểm”. Bạn lo cho tình-nghĩa vợ chồng, bởi sống chung mới ngỡ ngàng nhận ra những điều trái ngược kiểu này. Rồi, như kết thúc câu chuyện, bạn tâm tình: “Sao cô ấy cứ hở ra là đòi về nhà mẹ, mỗi lần như vậy, mình lại phải dỗ dành, lo cũng có, sợ cũng nhiều. Sợ người nhà vợ đánh giá, nghĩ mình không thương vợ…”.

 

Theo Lưu Đình Long

PNO