Tiếng thở dài của đàn bà
Với đàn ông, tôi thường hỏi họ hai câu: “Bạn có bao giờ nghe thấy vợ bạn hoặc người yêu của bạn thở dài không?”. Trước câu hỏi này, nhiều người khá lúng túng và câu trả lời là: “Vì không để ý nên tôi không biết”...
... Một số ít nói rằng: “Hình như có một vài lần gì đó”.
Câu hỏi thứ hai của tôi: “Khi vợ hoặc người yêu của bạn thở dài, bạn làm gì?”. Câu trả lời của hầu hết người được hỏi là: “Không làm gì cả, vì cũng không quan trọng lắm”.
Vậy đó, tiếng thở dài như cơn gió mùa đông bắc, làm buốt giá tâm can của người phụ nữ vậy mà chồng họ, người yêu của họ lại dửng dưng. Đó là nguyên nhân đầu tiên khiến giữa thế kỷ văn minh này, người đàn bà vẫn cứ phải thở dài như hai, ba nghìn năm trước.
Vậy khi đang phóng xe máy trên đường, nếu nghe tiếng máy nổ khác thường, người đàn ông làm gì?
Thưa rằng họ dừng ngay lại để tìm hiểu vì sao có tiếng nổ lạ thế. Tại sao vậy? Tại sao đàn ông coi tiếng nổ khác thường của cái xe hơn nhịp thở khác thường của vợ? Đơn giản là vì đàn ông yêu rất thực dụng, còn tình yêu của đàn bà thì đầy lãng mạn.
Nếu bạn yêu một cách thực dụng thì sau khi làm “chuyện ấy” xong, vợ bạn sẽ khe khẽ thở dài, vì đàn bà biết rõ chuyện ấy như thế nào là đỉnh điểm của tình yêu và thế nào chỉ đơn thuần là tình dục.
Nếu bạn đem chuyện công việc ở cơ quan vào phòng ngủ kể với vợ thì từ phút thứ nhất đến phút thứ 10, vợ bạn vẫn chăm chú nghe nhưng từ những phút sau vợ bạn sẽ thở dài vì tủi thân. Đàn ông thường chê rằng đàn bà không biết nghe. Không biết nghe sao đàn bà có thể rì rầm với nhau cả ngày không biết chán? Đàn bà chỉ nghe những điều họ cần nghe. Những lời tâm sự thì thầm của bạn khi mới yêu, phụ nữ nghe thâu đêm suốt sáng không chán. Đó là điều đàn ông không biết. Thật uổng cho lời khen “đàn ông nông nổi giếng khơi”.
Đàn bà tôn thờ sự bình yên. Nếu có dấu hiệu bất ổn là họ lo lắng và tiếng thở dài sẽ bật ra ngay tức khắc. Tiếng thở dài của đàn bà là trung thực nhất, tâm linh nhất. Tại sao đàn ông không lắng nghe?
Với tiếng thở dài của đàn bà, bạn đừng hỏi vì sao. Họ chẳng nói cho bạn biết đâu. Hai tiếng “vì sao” bạn hãy dành hỏi chính mình. Vì sao người mình yêu thương lại thở dài? Mình đã làm điều gì khiến nàng cảm thấy bất ổn?
Và, khi đã tìm ra nguyên nhân, bạn không nên nói “xin lỗi”. Với tiếng thở dài của đàn bà, lời xin lỗi trở thành lẻo mép. Bạn hãy lặng lẽ rút kinh nghiệm, và lặng lẽ sửa lỗi.
Nhật Khánh
Gia đình & Xã hội