Thương nhau trọn đời…

Dù ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng vợ chồng ông Vũ Trường Thọ (sinh năm 1930) và bà NguyễnThị Túc (sinh năm 1927) ngụ tổ 4, ấp Bình Long, xã Thái Bình, ChâuThành, Tây Ninh vẫn yêu thương, chăm sóc cho nhau khiến nhiều người phảingưỡng mộ và hết lòng khen ngợi.

Sau khi tham gia kháng chiến và công tác ở quê nhà là một tỉnh phía Bắc, năm 1977 ông đưa vợ con vào Tây Ninh lập nghiệp, nay ông đã nghỉ hưu. Sau bao nhiêu năm chung sống nơi xứ người, bà bảo dù kinh tế khó khăn nhưng ông bà không bao giờ nặng lời với nhau kể cả lúc ông đau bệnh.

Những ngày còn khỏe, biết ông khoái ăn món gì, dù không biết chạy xe, kể cả xe đạp, bà vẫn lóc cóc đi bộ từ nhà ra chợ Bình Phong xa hơn cây số mua những món mà ông thích về nấu cho ông ăn. Thương bà, ông bảo: “Từ nay tôi lấy xe chở bà đi chợ, bà đừng đi bộ nữa, nhỡ có làm sao lại khổ”.


“Bà ơi, cố lên, uống thuốc để còn sống với tôi bà ơi!” - là câu cửa miệng mỗi lúc ông Thọ dỗ vợ uống thuốc.

Ảnh: HÀ QUANG - Pháp luật TPHCM

“Bà ơi, cố lên, uống thuốc để còn sống với tôi bà ơi!” - là câu cửa miệng mỗi lúc ông Thọ dỗ vợ uống thuốc.

Ảnh: HÀ QUANG - Pháp luật TPHCM

Do tuổi già sức yếu, năm 2012 sau một cơn tai biến, bà Túc phải nằm liệt một chỗ, việc vệ sinh, ăn uống đều phải trông chờ vào chồng con. Từ khi vợ bệnh, các con đã có gia đình lại ở xa nên ông Thọ thay vợ làm hết mọi việc nhà và không hề xa rời bà một bước.

Sáng sớm làm xong vệ sinh cá nhân, ông nấu cháo đút cho bà từng miếng. Xong, ông cẩn thận pha nước vệ sinh cho bà và dọn dẹp nhà cửa như một người nội trợ. Tối đến, ông nằm cạnh bà để theo dõi bệnh tình của vợ. Những lúc bà đau nhức, ông lấy dầu bóp tay, bóp chân dỗ dành bà: “Bà ơi, cố lên, uống thuốc để còn sống với tôi bà ơi!”.

Ông Thọ chia sẻ: “Cả đời trai trẻ tôi tham gia hoạt động cách mạng, còn vợ luôn chịu thiệt thòi, ở nhà vừa sản xuất vừa nuôi các con ăn học khôn lớn. Tôi luôn tự hứa với lòng sẽ bù đắp hết tình thương cho bà ấy để giữ trọn tình nghĩa phu thê”.

Tôi chào ông bà ra về, bà Túc cố gắng lấy hết chút sức lực của mình nói: “Tôi nằm liệt một chỗ thế này, thấy mình làm khổ ông quá, nhiều lúc cũng nghĩ quẩn nhưng để ông ở lại một mình không đành nên tôi phải cố gắng ăn uống, thuốc men để ông vui lòng”.

Bà Nguyễn Thị Hậu, người hàng xóm thường xuyên ghé thăm bà Túc, nói với chúng tôi rằng hằng ngày sang thăm ông bà, tận mắt nhìn thấy ông bón cháo cho bà từng miếng một, gọn gàng, đong đầy yêu thương, tình nghĩa phu thê của ông ấy thật đẹp đáng để trân trọng. Hai cụ thực sự là tấm gương để bà con lối xóm và con cháu học tập về tình nghĩa vợ chồng thủy chung đến đầu bạc, răng long.

Theo Hà Quang
Pháp luật TPHCM