Thú nhận của mẹ: “Tôi ghét chơi với con”
(Dân trí) - Tôi không phạm nhiều lỗi như một bà mẹ tồi, nhưng có điều này tôi lấy làm buồn phiền phải thú nhận: Tôi không thích chơi với con, không thích một chút nào cả.
Tôi ghét trò ném bóng, leo cây, hay đẩy đoàn tàu hỏa tí xíu chạy qua chạy lại trên đường ray ngang sàn phòng bếp, vừa đẩy miệng vừa tru lên “xình xịch, xình xịch” (cho dù lúc đó con tôi có cười như nắc nẻ). Tôi hiếm khi là bà mẹ đủ kiên nhẫn ngồi tô hết một bức tranh với con, và khi bắt buộc phải ngồi cùng nó chải tóc, làm điệu cho búp bê, đầu tôi toàn nghĩ đến danh sách rau củ, những thứ cần mua ngoài chợ.
Đừng bắt tôi phải đưa con đến khu vui chơi giải trí, tôi thà đi spa triệt lông chân còn hơn!
Để tôi làm rõ chuyện này: Tôi thích dành thời gian bên hai cô con gái của mình. Trên đường tan sở mỗi ngày, tôi luôn hình dung khuôn mặt hai đứa đang đợi mẹ ở nhà, với vòng tay dang rộng cho những cái ôm ghì sung sướng, mùi cỏ toát ra từ mái tóc đứa lớn và mùi phấn rôm rất thơm của đứa nhỏ. Có những hôm bị kẹt lại công sở làm việc tới khuya, tôi không tránh khỏi cồn cào, đôi chân cứ chộn rộn còn tay quắn lên thôi thúc phải xong gấp để trở về càng sớm càng tốt với các con.
Tôi thích đọc sách cùng hai chị em chúng nó, thích cùng chúng làm bánh nữa. Thích cùng các con đi mua sắm, trò chuyện, ăn tối, xem phim, đi dạo trên bãi biển. Song tôi chưa bao giờ thích ngồi gù lưng với chúng trên sàn nhà la liệt búp bê, những con búp bê được cho là đang bay từ nước này qua nước khác khi vèo qua cái bàn uống trà (bọn trẻ gọi đấy là đại dương!).
Cái sự ghét chơi cùng con của tôi một phần có thể bắt nguồn từ tính thiếu kiên nhẫn. Da tôi ngứa ran như có kiến bò, trong lòng luôn tự hỏi “bao giờ trò này mới kết thúc đây?”. Tôi không thể cứ vứt thực tế ở một chỗ mà chạy theo trí tưởng tượng phong phú của bọn trẻ - tôi còn cả núi việc chưa làm. Tôi thích trông chừng các con và tham vấn cho chúng từ xa hơn.
Trong khi một số phụ nữ ngưỡng mộ kiểu tóc mới của người này, cặp đùi thon của người kia, tôi chỉ thấy ghen tị với những bà mẹ có thể thực sự vui vẻ, hào hứng chơi tung bóng cùng con hết lần này đến lần khác trong khoảng sân vườn bé xíu. Tôi hình dung ra rằng cuộc sống của họ ngập tràn lòng kiên trì, sự nhẫn nhịn. Tôi đồ rằng các con của họ hẳn là hạnh phúc hơn các con tôi, thậm chí yêu mẹ nhiều hơn vì những giờ đồng hồ mẹ chúng bỏ ra để cùng chúng “ăn” thịt bò bằng nhựa hay món “trứng rán” được phục vụ từ cái nhà bếp bé xíu.
Bạn có thể sẽ tự hỏi liệu tôi, khi còn là đứa trẻ, có được người lớn chơi cùng không. Sự thực là tôi không nhớ. Hình như tôi có sưu tầm tem với bố. Mẹ cũng nhớ rằng có chơi với tôi song bà không chắc khi ấy hai mẹ con có lê la dưới sàn nhà hay không. Nhìn chung, tôi không chắc có ai ở lứa tuổi trung niên bây giờ có thể làm những ông bố bà mẹ đủ “hiếu động” để chơi cùng các con những trò chơi thuộc về thế giới riêng của chúng.
Có người bỏ công nghiên cứu nghiêm túc về những chuyện như thế này. Họ cho rằng chuyện chơi với con có khác biệt, tùy nét văn hóa. Người phương Tây chơi với con nhiều hơn, trong khi ở những nơi khác, bố mẹ thường để các con tự chơi, họ cho rằng nếu không tự chơi, chúng sao có thể tự làm nổi việc gì. Ở phương Tây, bố mẹ hầu hết có thể chơi được với con song điều đó không có nghĩa họ buộc phải thích hoạt động đó. Tôi không phải ngoại lệ: Cô bạn Andrea đã bỏ ra 30 phút thư thái nằm trên ghế dài phơi nắng cùng tôi, ăn mừng thực tế là chúng tôi đã để bọn trẻ tự chơi với nhau mà không cần phải có mẹ.
Khi bữa tiệc trà trong phạm vi mấy gia đình bạn bè này kết thúc, việc không thích chơi với con cũng chỉ trở thành một trong những “tội lỗi” nho nhỏ của sự nghiệp làm mẹ mà thôi. Tôi không bận tâm đến nó nhiều. Nhưng tất nhiên, cho dù có cảm giác nhẹ nhõm khi những ngày “ăn” thức ăn bằng nhựa đã lùi xa, một phần trong tôi vẫn nhớ cảm giác được bọn trẻ rủ “ăn” những món ăn mà chúng nấu từ bộ đồ chơi nhà bếp bé xíu.
Huyền Anh
Lược dịch theo RBM