Tết về đâu không quan trọng bằng Tết như thế nào

Hải An

(Dân trí) - Ngày Tết chẳng mong cầu gì nhiều, chỉ cần còn được gặp nhau, đưa nhau đi chợ xuân, cùng vào bếp nấu mấy món truyền thống, cùng quây quần bên bữa cơm gia đình.

Tết về đâu không quan trọng bằng Tết như thế nào - 1

Ảnh minh họa: Getty Images

Tôi thấy rất nhiều cặp vợ chồng than rằng cứ đến Tết lại muốn "ai về nhà nấy" vì cãi nhau Tết về nội hay về ngoại, nếu có về cả hai bên thì còn so kè nhau đến từng ngày xem bên nào được về nhiều hơn.

Vợ chồng tôi những năm đầu mới cưới, Tết đến, cũng đau đầu chuyện này. Nhưng càng ngày tôi càng nhận ra cứ đôi co như vậy chỉ khiến ta sợ Tết, buồn Tết, vợ lúc ở nhà nội thì hậm hực, chồng khi về nhà ngoại thì không thoải mái.

Có một năm chồng tôi "thắng", đưa được vợ con về nội từ 30 cho đến mùng 4 Tết. Tôi ăn Tết nhà chồng với tâm trạng bằng mặt không bằng lòng. Cùng là phụ nữ, mẹ chồng tôi dễ dàng cảm nhận được điều đó. Nên đáp lại, bà cũng ngọt nhạt với tôi. Không ai quá thiết tha chuyện nấu nướng ba ngày Tết nên cả nhà chỉ ăn đi ăn lại vài món chán phèo.

Năm khác theo tôi về ăn Tết ngoại, chồng tôi dù đã đồng ý ở lại nhà bố mẹ tôi 3 ngày Tết nhưng vẫn tỏ vẻ không vui bởi bản thân anh liên tục nhận được những cuộc gọi chỉ trích của mẹ anh. Vợ chồng vì thế mà giận hờn nhau suốt Tết.

Sau nhiều cái Tết chẳng mấy vui vẻ như vậy, tôi rút ra một điều đón Tết ở đâu không quan trọng bằng đón Tết như thế nào.

Gần đến Tết, tôi bàn bạc rất thiện chí với chồng rằng em muốn cả hai cùng thống nhất kế hoạch, và một khi đã thống nhất thì sẽ vui vẻ thực hiện, không để bị ảnh hưởng bởi bất cứ ai. Sự hòa thuận trong gia đình phải bắt nguồn từ việc hai vợ chồng đồng lòng.

Khi đã có kế hoạch cụ thể, chúng tôi báo với bố mẹ hai bên. Nếu bố mẹ có phản đối hay thái độ gì, chúng tôi sẽ nhẹ nhàng, khéo léo giải thích cho bố mẹ hiểu. Bí quyết để luôn giữ êm ấm là vợ chồng phải cùng ngồi trên một chiếc thuyền thì mới thuận tay chèo. Bằng không nếu ông nói gà, bà nói vịt, rồi còn bị gia đình hai bên tác động sẽ càng thêm rối trí, bực bội.

Chỉ nhờ bí quyết đó mà chúng tôi đã có những cái Tết đúng nghĩa. Không quan trọng biếu xén bố mẹ bao nhiêu, về Tết bên nào nhiều hơn, mà quan trọng là sự chân tình, thoải mái của mỗi thành viên khi ở trong gia đình.

Không còn chuyện "đi làm dâu" hay "rể là khách", con nào cũng là con. Một khi chúng tôi đã xác định về nhà ăn Tết thì sẽ coi nhà chồng hay nhà vợ mình là ngôi nhà thực thụ, nhìn ánh mắt, nụ cười mỗi người thân mà thấy hạnh phúc, thấy muốn chắp thêm niềm hạnh phúc đó, chứ không phải là tị nạnh "Tết nhà anh, Tết nhà tôi".

Bản chất của việc buồn phiền, tủi thân là do chưa nhận đủ yêu thương, quan tâm. Khi vợ chồng đủ lắng nghe, thấu hiểu sẽ muốn mang đến cho nhau cái Tết hoan hỉ nhất, san sẻ đủ đầy cho cả hai bên nội ngoại. Khi con cháu về nhà mà thấy thực sự thoải mái, vui vẻ thì cả năm chỉ mong đến Tết để sum vầy.

Khi bố mẹ được con cháu hỏi han, chăm sóc tận tình thì sẽ không còn bận lòng chuyện con về ăn Tết mấy ngày nữa. Dù các con ở xa không về được nhưng thể hiện tấm lòng thành qua từng cuộc gọi, từng lời hỏi thăm, từng món quà tinh tế, thì còn hơn con trở về nhưng xích mích với nhau, hời hợt với gia đình, đón Tết mà lòng không an yên.

Ngày Tết chẳng mong cầu gì nhiều, chỉ cần còn được gặp nhau, đưa nhau đi chợ xuân, cùng vào bếp nấu mấy món truyền thống, cùng quây quần bên bữa cơm gia đình.