Tết sum vầy

(Dân trí) - Có những thứ ta đánh mất mới kịp nhận ra giá trị, có những cái Tết chỉ đến khi thành dĩ vàng mới khiến ta khôn nguôi nhớ khoảnh khắc đoàn viên.

Tết đoàn viên

Tôi có cô bạn vốn là con một của gia đình quyền quý. Cô sống trong nhung lụa và khuôn phép nên lúc nào cũng như con chim trong lồng son, nôn nóng muốn được thả tự do. Giao thừa cô ước ao nắm tay người yêu đi xem pháo hoa hoặc vào một quán bar kiểu Tây cùng đếm ngược đến 12 giờ rồi nâng ly chúc tụng, lắc lư nhảy nhót với hội bạn đông đúc thay vì chỉ ở nhà cùng bố mẹ, đón cái giao thừa lặng lẽ, năm nào cũng như năm nào, bố đi ra đi vào thắp mấy nén nhang, cô và mẹ chuẩn bị mâm cỗ cúng, chỉ có chiếc TV là lắm mồm hát đi hát lại mấy bài nhạc xuân.

Năm nay cuối cùng cô cũng đã “sổ lòng” khi được hai cụ thân sinh đồng ý cho đi du học. Cô đi từ hè , đã kịp có bảy, tám tháng làm quen môi trường mới nhưng vẫn chưa thể quen nỗi cô đơn, nhớ nhà khi Tết nguyên đán phải ở lại một mình nơi xứ người ngày ngày đến trường trong cơn mưa tuyết lạnh cóng. Chỉ cần nghĩ đến chuyện ở nhà bố mẹ lủi thủi mua sắm, chuẩn bị Tết, đêm giao thừa chỉ hai người ngồi với nhau bên mâm cao cỗ đầy, cô lại thấy rơm rớm nước mắt thương hai thân già. Lúc này cô thèm nhất cái không khí giao thừa thâm nghiêm, ấm cúng trong mùi nhang trầm và vòng tay bố mẹ chứ không phải là nụ hôn vội vàng dưới màn pháo hoa sặc sỡ hay những âm thanh ồn ào ở một quán bar xa lạ.

Anh họ tôi nổi tiếng là “ngựa hoang”, mọi người trong gia đình vẫn nói đùa rằng hình như chân của anh được gắn lò xo, không bao giờ chịu đứng yên một chỗ, cứ phải nhảy nhót đi mọi hướng. Từ thời sinh viên anh đã nổi tiếng là “phượt thủ”, không chỉ dọc dải đất hình chữ S mà khắp vùng Đông Nam Á, và một số nước châu Âu anh đều đã đi du lịch bụi bằng số tiền tự kiếm hoặc tham gia các chương trình tình nguyện, trao đổi sinh viên quốc tế. Giờ đã đi làm, cưới vợ, mỗi dịp lễ được nghỉ dài ngày, anh vẫn giữ thói quen xách ba lô lên một mình đi phiêu du. Tết nhất anh chỉ thích lên Tây Bắc ngắm hoa đào, hoa mận nở rực rỡ núi đồi, đi thăm mấy thôn bản xa xôi, thăm lại những cung đường ngoằn ngoèo, tặng cụ già tấm áo ấm, đưa cho em thơ túi bánh kẹo để thấy nụ cười bẽn lẽn trên những gương mặt nhem nhuốc và nứt nẻ.

Năm nay vẫn như thường lệ, những ngày giáp Tết anh lại dắt xe lên đường. Vợ anh dù bầu bì vẫn để anh đi vì biết không gì kìm hãm nổi khát khao “đi để sống” của chồng. Tối 30 Tết, bố mẹ gọi điện lên báo rằng vợ anh đã sinh con, chị vào viện từ chiều nhưng cả nhà không kịp báo anh vì vẫn chủ quan tin lời bác sỹ bảo con đầu lòng của anh chị phải chục ngày nữa mới ra ăn Tết. Anh bồi hồi nhớ giao thừa 20 năm về trước, em trai anh cũng cất tiếng khóc đầu đời . Phòng hồi sức trắng tinh, lạnh toát, chẳng có gì ngoài cành đào thắm báo xuân vậy khuôn mặt ai cũng rạng rỡ, năm đó cả nhà cùng đón giao thừa trong bệnh viện. Cái cảm giác ấm áp đoàn tụ lúc ấy anh không bao giờ quên. Anh nghe qua điện thoại tiếng oe oe của con gái mà người nóng bừng nửa vui sướng nửa ăn năn tiếc nuối. Anh đã không ở đó vào mùa xuân đầu tiên của con.

Và còn bao nhiêu người cha, người mẹ, người chồng, người vợ, xa mâm cơm tất niên, tiếng cười con trẻ, lời chúc tụng một năm mới gia đình êm ấm, mới biết mình đã trải qua những giao thừa thiêng liêng nhất trong đời, còn bao nhiêu đứa con lúc cha mẹ đã rời cõi tạm mới nhận ra từ nay hai tiếng “đoàn viên” không còn trọn vẹn. Xuân về trên những mái nhà, chỉ xin chúc người người một điều giản dị rằng Tết này vẫn được yên vui sum vầy bên gia đình.

BT