Tết ở trong lòng

(Dân trí) - Chuyến xe cuối năm khởi hành muộn vào lúc 11 giờ đêm, thế nhưng nhìn qua ai nấy đều háo hức. Trong lúc chờ xe, lũ trẻ nô đùa vui như mới bắt đầu buổi sáng, còn người lớn làm cho thời gian chờ đợi ngắn đi bắt đầu bằng câu hỏi “anh chị quê ở đâu?”.

Screen Shot 2019-02-02 at 8.37.45 AM.png

Ảnh minh hoạ: H.T

 

Chồng tôi tiễn hai mẹ con lên xe rồi bịn rịn dặn dò: “Hai mẹ con về ăn tết vui vẻ nhé”.

Tôi nhìn chồng, yêu anh biết bao nhiêu. Bảy năm lấy nhau, đây là năm đầu tiên tôi được về ăn tết bên ngoại từ trước giao thừa, cũng là năm đầu tiên tôi sẽ đón năm mới mà không có chồng bên cạnh. Để có được chuyến về ăn tết ngoại sớm thế này, anh phải thuyết phục và làm công tác tư tưởng với mẹ chồng tôi nhiều lần mới được.

Bố mẹ chồng tôi như phần đa các ông bố bà mẹ chồng khác luôn quan niệm con dâu phải đón giao thừa ở nhà chồng. Chồng tôi là trai cả trong nhà, dĩ nhiên vai trò dâu cả của tôi cũng nặng nề hơn. Những năm trước, có năm thì mồng hai cả nhà mới dắt díu bắt xe về ngoại, có năm vì con ốm đau hay trời mưa rét thì không về.

Tôi than thở với chồng: “Đã bảy năm rồi em không được đón giao thừa với bố mẹ”. Tôi cũng chỉ nói thế thôi, không ngờ chồng tôi quyết định năm nay cho hai mẹ con về ăn tết ngoại trọn vẹn, còn anh vẫn như mọi năm, mồng một tết nội xong mới bắt xe về.

Ngồi lên xe chưa ấm chỗ thì bố tôi từ quê gọi: “Tầm mấy giờ thì con về tới nơi để bố mẹ đón”. Tôi nói ông bà cứ ngủ, về gần tới nơi tôi sẽ gọi. Cúp máy xong hai mẹ con ngủ một giấc thật ngon.

Ba giờ rưỡi sáng xe về đến bến. Từ bến về nhà còn khoảng mười cây số. Mấy anh taxi, xe ôm vây quanh mời mọc. Nửa đêm nửa hôm, hai mẹ con đi taxi hay xe ôm cũng thấy sợ, vậy nên tôi cứ chần chừ đứng đó chờ trời sáng. Một cậu thanh niên đi cùng chuyến xe thấy vậy liền hỏi “Chị về đâu, có ai đón chưa chị?”. Sau khi hỏi han, cậu ấy bảo cậu ấy về cùng đường với tôi nhưng xa hơn, rồi cậu ấy rủ “Đằng nào em cũng về qua chỗ chị, hai chị em mình gọi chung taxi về nhé. Tiền taxi, chị một phần, em hai phần”. Chẳng hiểu sao nhìn cái vẻ chân chất của cậu thanh niên tôi gật đầu đồng ý.

Trên đường về, hai chị em nói vài câu chuyện vui. Khi biết hai mẹ con tôi về tết ngoại, cậu trai trẻ hỏi:

- Thế chị có khóc không mà chồng cho về ăn tết ngoại?

- Đợi phải khóc mới được về thì mất vui đi rồi

- Thế là chồng chị chiều chị đấy. Chị gái em cũng lấy chồng xa, mấy tết liền không được về. Tết năm ngoái bả đòi bả khóc kinh lắm chồng mới cho về. Là phụ nữ đôi khi cũng có chút thiệt thòi. Sau này em lấy vợ, nếu ở xa, nhất định cứ cách một năm em cho vợ về đón tết ở ngoại một lần. Quanh năm đi đâu thì đi, tết về cứ được bên mẹ cha mình là nhất, chị nhỉ?

Chỉ mới gặp nhau không lâu, vừa đủ quen chứ chưa đủ hiểu, nhưng nghe qua tiếng cười giọng nói ấy, tôi đoán chắc đó là một thanh niên tình cảm và tử tế.

Xe đang trên đường quốc lộ chuẩn bị rẽ vào làng thì tôi nhác thấy hai bóng già đứng đó. Là bố và mẹ tôi ra đứng chờ. Tôi kêu xe dừng, đưa tiền xe cho chàng trai trả hộ, cậu cười, xua tay: “Tiền taxi để em trả, coi như em mừng tuổi cháu. Chúc chị và cháu ăn tết thật vui vẻ và ấm áp nhé”. Chia tay nhau rồi tôi mới nhớ ra trên quãng đường mười cây số kia chúng tôi thậm chí còn không hỏi tên nhau.

Nửa đêm, trời mưa lâm thâm vậy mà hai ông bà ra đứng chờ con cháu từ lúc hai giờ sáng. Tự nhiên tôi có chút bực bội liền than phiền trời đêm lạnh thế này sao bố mẹ lại ra đứng ngoài đường làm gì cho khổ. Mẹ tôi bảo hai ông bà biết nửa đêm con mới về tới nhà nhưng vì mong nên không ngủ được. Hai giờ sáng ông rủ bà đi bộ ra đứng ở đầu làng chờ, đâu hay đợi gần hai tiếng. “Đúng là chả có ông bà nào dở hơi như ông bà già này cháu nhỉ?”. Bố tôi vừa nói vừa bế thốc con gái tôi lên.

Nhìn dáng mẹ cha đi trong bóng tối mờ, trong tôi bỗng trào dâng một niềm xúc động, nước mắt chỉ chực ứa ra. Bố tôi năm nay đã 74 tuổi rồi, mẹ tôi xuân này tròn 70 tuổi. Mỗi năm về nhà, thấy mẹ cha mình đã không còn khỏe mạnh và nhanh nhẹn như trước. Tôi lấy chồng gần chục năm, cũng là ngần ấy năm xa nhà. Tưởng như xa xôi đã thành quen, vậy mà biết con cháu về, cha mẹ cũng hồi hộp ngóng trông đến không ngủ được.

Tôi xách va ly đi sau, ký ức như xoay vòng lại ngày thơ bé. Ngày cha vẫn còn trẻ, mẹ vẫn còn xinh. Ngày tôi chỉ là đứa con gái bé con được cha chở bằng xe đạp đi mua cho một đôi giày diện tết. Ngày tôi lẽo đẽo theo mẹ đi phiên chợ cuối năm rồi vì say mê ngắm những chiếc bờm tóc xinh mà buông áo mẹ lạc giữa chợ đông khiến mẹ khóc lóc kiếm tìm. Nhớ ngày xưa thật nhiều rồi tự hỏi lòng: Không biết còn bao nhiêu mùa xuân nữa mình trở về nhà như thế này mà có mẹ cha ngóng trông đón đợi. Nghĩ đến đó, tự nhiên nước mắt trào ra không cách nào ngăn được.

Vẫn con đường vào làng quen thuộc, vẫn lối nhỏ tôi đã mòn chân, vẫn ngôi nhà tôi đã nương náu suốt một thời ấu dại. Dù rất xa xôi, dù ít khi được trở về, cảm giác ấy vẫn quen thuộc và thân thiết như đã in sâu trong từng mạch máu, trong từng hơi thở. Cây đào bố trồng ở góc sân dường như đẹp hơn bởi những hạt mưa đêm mờ ảo trong sáng sớm.

Trong lòng tôi tết đã đến rồi. Tết ngay khi chồng tôi bảo năm nay để hai mẹ con về ngoại đón giao thừa. Tết khi tôi bước chân lên chuyến hành trình cuối năm. Tết khi tôi nhận được nụ cười và lời chúc ấm áp từ một người bạn đồng hành xa lạ. Tết khi thấy bóng mẹ cha mình đứng đợi đầu làng vào lúc nửa đêm. Chỉ cần được chia sẻ, được yêu thương, chỉ cần được về với mẹ cha, dù chưa tết lòng vẫn như đã tết.

Lê Giang