Tay hòm chìa khóa, phải đâu chuyện đùa
(Dân trí) - Thanh toán xong tiền điện nước, điện thoại, rồi đóng học phí cho con, Trúc giật mình khi khoản thu của gia đình trong tháng đã vơi đi hơn nửa.
Hai vợ chồng đều làm công ty liên doanh, mỗi tháng tiền chi tiêu cũng lên đến mấy triệu. Từ khi ra riêng, Trúc đau đầu chuyện quản lý tiền nong gia đình. Tháng nào tài chính cũng âm.
Trước sống cùng ông bà nội, mỗi tháng Trúc chỉ cần đóng cho mẹ một khoản tiền nhất định, rồi mọi chuyện do bà lo liệu. Nhiều khi thấy bữa ăn trong gia đình toàn những món quen thuộc, Trúc kêu mẹ đổi bữa, bà lại khó tính: “phải tiết kiệm”. Trúc từng trộm nghĩ, “mình mà giữ tiền, sẽ không để gia đình phải ăn thế này”.
Giờ Trúc mới thấu hiểu nỗi vất vả của mẹ chồng. Mặc dù vậy, cô vẫn không thể bỏ cái thói quen vung tay quá trán. Mỗi lần đi siêu thị, Trúc không thể kìm lòng trước những món đồ đẹp mắt, giá khuyến mại hấp dẫn, và những lời chào mời đon đả. Một đống hàng chất lên xe, rồi lại đỏ mặt khi thanh toán.
Sau bữa cơm, chồng đang đọc báo, Trúc vào thỏ thẻ: “Anh ơi, cho em thêm tiền chợ”. Chồng chóng cả mặt “em chi tiêu gì mà hết nhiều thế, anh mới đưa mấy triệu tuần trước mà”.
Trúc nổi cáu: “Em lo cho gia đình, lo cho con chứ cho ai. Em mua về cũng để mọi người trong nhà dùng, có dùng một mình đâu”. Trúc giận chồng bỏ vào phòng. Yêu vợ, thương con, anh lại phải chắt chiu làm thêm giờ để có thêm thu nhập.
Diệp cũng vậy, chuyện quản lý tài chính gia đình đối với cô là gánh nặng. Từ khi về làm dâu, Diệp được mẹ chồng trao quyền tay hòm chìa khóa. Khoản thu nhập của hai vợ chồng cộng với chút tiền của ông bà góp chung không đủ chi tiêu trong nhà hàng tháng. Mùa cưới, Diệp càng sợ, không đi không được, đi thì mỗi đám cũng mất vài trăm. Rồi lúc rảnh rỗi, bạn bè chị em trong cơ quan rủ nhau đi mua sắm, không chịu kém bạn thua bè, Diệp mua liều vài thứ. Khoản chi không có trong dự định càng làm tài chính gia đình thêm eo hẹp.
Mấy tháng nay, giá cả tăng vọt. Rồi con vào lớp một cần nhiều khoản đóng góp, Diệp không biết xoay thế nào. Nhìn cái ví tiền vơi dần, Diệp không dám nói với ai, tháng nào cũng phải về nhà mẹ xin chi viện.
Quản lý tài chính trong gia đình không dễ. Cái khó khăn nhất với những người phụ nữ mới lập gia đình là không biết sắp xếp, lên kế hoạch chi tiêu thế nào cho hợp lý. Muốn nhẹ nhàng đầu óc hơn với ngân sách gia đình, bạn hãy:
Lên kế hoạch chi tiêu
Hàng tháng, bạn cần có một danh sách cụ thể những thứ sẽ mua. Một kế hoạch chi tiết cho tương lai sẽ giúp bạn có thời gian chuẩn bị. Ví dụ hai tháng tới mình sẽ mua cái máy giặt, vậy phải để dành mỗi tháng là bao nhiêu…
Hạn chế khoản phát sinh
Những khoản phát sinh không thể nào tránh khỏi là tiền thuốc men, hiếu hỷ. Nhưng bạn không thể nào coi việc ngẫu hứng mua thêm cái áo mới là “phát sinh” được.
Không mua sắm đồ không cần thiết
Trong nhà, có những đồ vật vẫn có thể tận dụng được thì nên tiết kiệm. Bên cạnh đó, những thứ chưa cần, bạn không nên mua làm gì. Thay vì vào siêu thị, hãy mua ngoài chợ để giảm chi phí.
Dành một khoản tiền cho tương lai
Một khoản tiền để lo cho sau này là điều rất cần thiết. Mỗi lúc đột xuất chúng ta đều có thể sử dụng ngay. Đây là khoản tiền chỉ dùng khi thực sự cần thiết.
Gửi tiền vào ngân hàng, hay nhờ người giữ hộ
Nếu bạn không thể quản lý tiền trong nhà, có thể nhờ người khác giữ hộ, hoặc gửi vào tài khoản cá nhân ở ngân hàng. Tâm lý ngại rút tiền sẽ khiến cho bạn không chi tiêu phung phí.
Công khai tài chính vợ chồng
Vợ chồng cần có sự bàn bạc, chia sẻ kế hoạch mua sắm, chi tiêu, tránh tình trạng nghi ngờ lẫn nhau. Khi tài chính trong nhà hết, không nên kêu ca phàn nàn hay trách cứ. Hai người cần bình bĩnh tìm cách giải quyết để chi tiêu hợp lý hơn.
Quản lý tài chính là cả một nghệ thuật. Mỗi người phụ nữ cần học kĩ năng này để làm chủ mái ấm riêng. Tự trải nghiệm và học hỏi sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm và chủ động với ngân sách gia đình.
DK