"Tắt lửa" vì... mẹ chồng
Đang cao trào "yêu đương", vợ chồng Quyên giật bắn mình quơ vội chăn đắp lên người khi bà mẹ đẩy cửa bước vào để tìm… cái kéo.
Ngay khi chuẩn bị cưới, Quyên đã nhắc Trung làm cái khóa cửa ở phòng tân hôn nhưng anh cứ ừ hữ. Sau cưới, bị giục nhiều lần, Trung mới nói thật là đã định làm nhưng mẹ cản, bảo lâu nay nhà vẫn thế, vợ chồng mày có chuyện gì giấu giếm hay sao mà phải khóa trong. Anh đành thôi vì sợ mẹ tự ái.
Mẹ Trung góa chồng sớm, ở vậy nuôi con nên chăm sóc Trung từng ly từng tí. Bà quen can thiệp vào mọi mặt trong cuộc sống của con nên khó chấp nhận việc sau khi lấy vợ, Trung lại làm khóa phòng riêng để cấm bà vào.
Vì vậy mỗi lần âu yếm nhau, vợ chồng anh chỉ có thể khép cửa, chặn cái ghế để người bên ngoài nếu đẩy thấy nặng thì biết ý bỏ đi.
Nhưng bà mẹ không làm thế mà đẩy mạnh tung cả ghế, vào phòng con chỉ để đưa cho ca nước, đĩa trái cây, tìm cái kéo… hay hỏi han, nhắn nhủ một câu vô thưởng vô phạt nào đó, nhiều lần khiến đôi vợ chồng trở tay không kịp.
“Mẹ biết thừa những lúc đó chúng mình đang làm gì, cứ như là cố ý ấy” - Quyên nuốt nước mắt nói với chồng.
Trung cũng cảm thấy vậy, nhưng không dám nói vì một lần góp ý đã khiến bà nổi cơn tam bành: “Tao cũng chỉ muốn chăm sóc mày, sao lại nỡ nói tao thế”.
Bất lực, ấm ức, cộng với tâm trạng lo lắng bất an mỗi khi “yêu” nên Quyên không còn cảm hứng với chuyện chăn gối.
Chị Thương (Hà Đông, Hà Nội) cũng ức chế vì không có được sự riêng tư do sống chung với mẹ chồng, vốn ở quê lên chăm cháu. Nhà thuê, chỉ có một phòng, được ngăn đôi bằng chiếc tủ. Giường của vợ chồng Thương có thêm cái rèm.
Đêm, bà mẹ thường vén màn ở giường con xem em bé ngủ có ngon không, có bị rơi chăn không… và đã vài lần bắt gặp cảnh "chăn gối" của con.
Sau những lần cả hai bên đều xấu hổ như vậy, Thương tưởng mẹ chồng sẽ rút kinh nghiệm, khi vào sẽ báo trước, nhưng rồi bà vẫn… quên. Chỉ cần nghe bé khóc hay nhớ cháu là đột ngột lại vén màn.
Không thể ái ân trong cảnh thấp thỏm như vậy, Thương thường từ chối mỗi khi chồng đòi hỏi, những lần không chối được, cũng phải “đánh nhanh thắng nhanh” nên chẳng có cảm xúc gì. Sau đó, họ thuê nhà khác có phòng riêng nhưng chứng lãnh cảm vẫn theo đuổi chị một thời gian khá dài.
Còn phòng riêng của vợ chồng Tú - Oanh (Thanh Trì, Hà Nội) có khóa đàng hoàng nhưng họ vẫn không tránh được stress.
Nhiều lần đang mặn nồng, nghe thấy mẹ xoay nắm đấm và giật cửa, rồi bà gọi toáng lên, cáu: "Việc quái gì mà phải khóa cửa thế này, rõ dở hơi. Mở nhanh cho tao vào kiếm cái bút". Mặc vội quần áo đi ra, trong lòng Oanh cứ ấm ức. Giận cá chém thớt, chị "cấm vận" chồng, trong khi bản thân cũng tắt hết "lửa".
Những phụ nữ lâm vào tình cảnh hờ hững với sex do ảnh hưởng của mẹ chồng như trên không hiếm. Theo bà Trần Thị Hồng Hà - chuyên gia tâm lý của Trung tâm tư vấn tình yêu, hôn nhân gia đình, Hội liên hiệp thanh niên, chuyện chăn gối luôn yêu cầu không gian riêng tư, nhất là với phụ nữ Việt Nam vốn e dè, kín đáo. Vì vậy việc bị bắt gặp hoặc luôn phải yêu đương trong nỗi lo bị bắt gặp sẽ khiến họ bất an, không hào hứng và không cảm nhận được những khoái cảm chăn gối. Lâu ngày, chẳng những chứng lãnh cảm có thể xuất hiện mà người phụ nữ còn dễ trở nên cáu gắt, trầm uất do những ức chế khó tâm sự với người ngoài.
Nguyên nhân sự xâm phạm thường là sự vô ý của các bà mẹ nhưng nhiều khi là do cố tình, nhất là với những bà mẹ chỉ có duy nhất một con hoặc phải một mình nuôi con khôn lớn. Khi con lấy vợ, họ thấy mất mát do phải chia sẻ tình cảm hoặc ghen với con dâu nên nảy sinh tâm lý “phá đám”.
Nhất thiết phải có khóa phòng riêng
Bà Hồng Hà khuyên rằng, cách duy nhất để tránh những tình huống trên là phải có khóa cửa phòng riêng, tốt nhất là trước khi cưới. Lấy nhau rồi vẫn chưa có khóa phải làm sớm, khóa hỏng thì sửa lại. Nếu bị mẹ phản đối vẫn cứ thực hiện, tùy từng hoàn cảnh mà có cách giải thích hợp lý, chẳng hạn: Bọn con đã quen khi vào phòng đóng cửa rồi, khi cần mẹ cứ gõ, con sẽ mở ngay; hay nhiều khi bọn con thay quần áo hay có những phút riêng tư, nếu không kín đáo thì là không tôn trọng mẹ… Có thể những lý do này không làm mẹ hài lòng nhưng rồi dần dần bà sẽ phải chấp nhận thực tế là phòng của con có khóa.
Trường hợp không thể có không gian riêng (như nhà chỉ một phòng, ngăn bằng rèm), người chồng nên khéo léo góp ý với mẹ, hoặc nhờ một bà cô bà bác có uy tín nào đó nói giúp một cách tế nhị.
Để mẹ đỡ chạnh lòng, nhất là những bà mẹ cô đơn, quen coi con là toàn bộ ý nghĩa cuộc sống, các cặp vợ chồng chỉ nên đóng cửa những lúc thật cần thiết, còn bình thường cứ mở để mẹ có thể ra vào thăm hỏi, hay xếp đặt đồ đạc… Nên hạn chế việc âu yếm nhau trước mặt bà. Thường ngày cần tỏ ra ân cần, quan tâm nhiều đến mẹ.
Về phía các bà mẹ, chuyên gia Hồng Hà cũng khuyên nên tôn trọng sự riêng tư của con cái. Khi con đã lập gia đình, nên chấp nhận một thực tế là nó đã khôn lớn, cần có không gian riêng, không thể can thiệp vào mọi chuyện như trước nữa. Mặt khác, nên quan niệm rằng việc làm khóa phòng riêng thể hiện sự tôn trọng cả hai bên.
Theo Đất Việt