“Tam tòng” thời hiện đại

Hà đưa bạn trai về giới thiệu với bố mẹ. Sau khi chàng trai đã ra về, mẹ Hà tỏ ý không hài lòng: “Nó là con trai duy nhất, gia đình lại khá giả nên rất được chiều. Những đứa con trai như thế lớn lên thường ích kỷ, chỉ muốn người khác hầu mình thôi”.

“Tam tòng” thời hiện đại - 1

Ở đâu giáo lý tam tòng xưa cũ còn được xem là một quy tắc ứng xử
của con cái với cha mẹ, của vợ với chồng thì ở đó chưa có bình đẳng và hạnh phúc.
 

Bố Hà nói với vợ, giọng trầm, nhỏ nhưng chắc như đinh đóng cột: “Thời bây giờ con cái đặt đâu thì cha mẹ ngồi đấy. Nếu nó yêu con trai ông bộ trưởng thì vợ chồng mình sẽ ngồi uống rượu với ông bộ trưởng. Nếu nó yêu con ông xích lô thì vợ chồng mình sẽ ngồi uống rượu với vợ chồng ông xích lô. Mai sau khi vợ chồng mình tận số, con cái đưa mình đến Hoá Thân Hoàn Vũ thì mình ngồi ở Hoá Thân Hoàn Vũ, nếu chúng đưa mình về quê thì vợ chồng mình sẽ ngồi ở quê. Bố mẹ có quyền có ý kiến riêng, nhận xét riêng nhưng chỉ để con cái tham khảo thôi, còn quyền quyết định là của các con”.  

 

Khi nghe những lời nhận xét không mấy cảm tình của mẹ về người bạn trai, Hà nói: “Đúng là anh ấy được chiều từ bé nên ngoài việc học rất khá ở đại học và có một vài công trình sau khi đi làm, anh ấy không giúp bố mẹ một chút gì về việc nhà. Nhưng con sẽ cải tạo anh ấy. Hôm vừa rồi sinh nhật mẹ anh ấy, con đã xuống đứng bếp và con bắt anh ấy lau nhà, nhặt rau, đi mua bia, trái cây và anh ấy đều làm được. Bố mẹ anh ấy thấy rất buồn cười mà cũng rất ngạc nhiên. Làm con nhất định phải nghe theo bố mẹ nhưng con theo mẹ ở kỹ năng nữ công gia chánh, ở tình yêu thương dành cho chúng con và con chịu ảnh hưởng lớn nhất ở bố về tư tưởng và lẽ sống. Còn chuyện tương lai của con xin bố mẹ cho con được quyết định”.

 

Rồi hai đứa thành hôn. Lấy chồng được 1 tháng thì Hà nhận được một suất học bổng 32.000 Euro để sang học cao học ở Pháp 20 tháng. Đây là một cơ hội lớn của Hà nên cô thông báo ngay cho bố mẹ đẻ và ấn định luôn ngày lên đường. Mẹ Hà mắng con gái: “Cái con này! Mày không biết gì cả. Trước hết mày phải hỏi xem chồng có đồng ý cho đi học không đã chứ”. Hà toét miệng cười: “Con xuất giá nhưng không tòng phu theo cách của mẹ và chị con mà tòng cái tốt nhất. Sang bên đó, sau khi ổn định, con sẽ đón nhà con sang học mấy tháng đại học dự bị ở Pháp rồi thi xin một học bổng thạc sĩ. Đó là cách tòng phu của con”.  

 

Và Hà đã thực hiện đúng như vậy. Anh chồng của Hà giờ cũng đã nhận được học bổng của Pháp. Vài năm nữa họ sẽ về nước với mỗi người một tấm bằng quốc tế cùng một ngoại ngữ. Điều kiện làm việc của họ sẽ tốt hơn, tương lai của hai vợ chồng cũng sáng sủa hơn.
 
Tôi viết câu chuyện này vì mới đây có một anh bạn đã khoe với tôi: “Vợ em vừa thi tiếng Anh, đạt điểm tối đa, có học bổng của Mỹ nhưng em không cho đi. Đã lấy chồng thì phải theo chồng, lo việc nhà chồng và nuôi con là trách nhiệm hàng đầu của nàng dâu”.

 

Đạo đức truyền thống là rất tốt, nhất là chữ hiếu, chữ trung, nhờ thế mà con người luôn xứng đáng với danh hiệu con người. Gia đình truyền thống cũng rất tốt, đó là pháo đài cuối cùng bảo vệ những giá trị đạo đức và gìn giữ nền văn hoá nước nhà.

 

Song các giáo lý truyền thống thì không phải điều gì cũng đúng. Tam tòng là một giáo lý có từ xưa, phục vụ giới mày râu đến tối đa nhưng chưa mang lại được hạnh phúc trọn vẹn cho người phụ nữ. Ở đâu giáo lý tam tòng xưa cũ còn được xem là một quy tắc ứng xử của con cái với cha mẹ, của vợ với chồng thì ở đó chưa có bình đẳng và hạnh phúc.   

 

Theo Gia đình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm