Tài sản lớn nhất

Chị về với anh từ khi nơi đây còn hoang vắng, nhà này cách nhà kia một cái rẫy mênh mông.

 

Mỗi đứa con sau khi cưới đều được cha mẹ xắn rẫy cho một miếng đất đủ dựng căn nhà và mảnh vườn trồng rau. Nhà có bảy anh chị em, lớn lên lấy vợ lấy chồng ở cạnh nhau trở thành hàng xóm thân thiết. Những đứa cháu chạy băng qua vườn đùa chơi cùng nhau, đến bữa gọi con về ăn cơm thì câu trả lời thường là “con ăn ở nhà bác Hai rồi” hoặc “tụi con ăn ở nhà dì Tư rồi”.

 

Đó là khoảng thời gian chị hạnh phúc nhất, 17 năm, từ khi chị còn là cô gái ngại ngùng về làm dâu. Hồi đó, anh vẫn làm rẫy cùng cha mẹ, đến mùa được chia phần nông sản, chị nuôi heo gà và trồng rau. Ngày ngày ra chợ bán rau và trứng, dần dần chị mua bán thêm những mặt hàng khác, đến khi sinh đứa con thứ hai thì căn nhà của chị trở thành một cửa hàng bách hóa của thôn.

 

Dân cư dần đông đúc, người làm ăn kéo về nhiều hơn, hàng quán xuất hiện nhiều hơn, trạm xá và trường học mọc lên… Những con đường đất do người dân đi hoài mà thành giờ được nới rộng. Khi ủy ban huyện kêu gọi người dân hiến đất để làm đường liên thôn thì không khí náo nhiệt hẳn, bởi những nhà trong xóm có đường liên thôn ngang qua trở thành nhà mặt tiền.

 

Cửa hàng bách hóa của chị cũng phình rộng ra, vườn rau được dẹp đi để làm kho chứa nông sản thu mua theo mùa. Đứa con đầu lòng đã ra phố ở trọ học cấp III vì trường huyện mới chỉ có đến cấp II. Tiếp theo, đứa thứ hai cũng đi. Anh chị vui vẻ tính toán khi bé Út lên cấp III sẽ bán nhà và đất nơi này, cộng thêm tiền dành dụm bấy lâu sẽ đủ mua một căn nhà ngon lành ngoài phố, con cái tha hồ học hành… Rồi thì ông bà cô chú ra phố để mua bán hay khám bệnh sẽ ghé nhà mình ăn ở, nghỉ ngơi thoải mái chứ không còn phải lỉnh kỉnh ngồi chờ ở bến xe đầy bụi bặm nữa.

 

Giấc mơ đẹp cho tuổi về hưu bị cắt ngang bởi cái chết đột ngột của anh. Công việc buôn bán vẫn rất chạy nhưng chị không ham nữa. Chị muốn sống gần các con hơn vì biết đâu... lỡ chị không còn cơ hội tự tay chăm sóc con mình. Chị quyết định bán nhà chuyển ra phố để mẹ con được gần nhau ngay lập tức.

 

Nhiều người muốn mua nhà của chị vì nằm ở mặt tiền thuận lợi, lại đang là địa chỉ làm ăn ngon lành. Người sau trả giá cao hơn người trước, người đến sau nữa lại trả cao hơn nữa…

 

Cuộc họp gia đình được bày ra. Chị mới 40 tuổi, nhan sắc còn mặn mà, mai đây chị đi bước nữa thì tài sản to lớn đó sẽ ra sao? Cái tài sản bắt đầu từ mảnh đất rẫy xắn ra, ừ thì nhà xây trên mảnh đất là có công sức của chị nên chị có quyền, nhưng mảnh đất là của nhà nội. Chị đi ra phố hay đi lấy chồng thì phải trả lại mảnh đất này.

 

Chẳng ai đi mua căn nhà mà mảnh đất nó xây trên đó thuộc về người khác. Và, ai cũng hiểu lý do chính của chuyện trái khoáy đó là gì. Một khi lòng tham chà đạp lên tình nghĩa, dày xéo lên đạo lý…

 

Chị nhìn lại đời mình, suốt 17 năm làm lụng, giờ chồng chết, tài sản có nguy cơ bị mất trắng bởi chính cha mẹ anh chị em chồng, những người mà bấy lâu chị gắn bó như ruột thịt.

 

Làm sao đây? Uất ức, tức giận… đau khổ, chán chường… Làm sao đây? Càng nghĩ chị càng thấy bế tắc và phát sinh những ý nghĩ trả đũa trong tâm trí, kể cả ý nghĩ tối tăm kinh khủng là đâm đầu xuống giếng cho nhà chồng mang tiếng suốt đời.

 

Cuối tuần, hai đứa con từ phố về, khoe với mẹ phiếu liên lạc được xếp loại giỏi của tháng. Nhìn tờ phiếu ghi những điểm tám chín mười bằng mực đỏ tươi và miệng cười tươi đợi được khen của các con, chị òa khóc.

 

Bé Út thì thào kể cho hai anh nghe ở nhà đã xảy ra chuyện gì. Thằng Hai ưỡn ngực: “Má đừng có lo, mai mốt con đi làm có tiền mua nhà thật đẹp ở phố cho má ở”. Thằng Ba cũng ưỡn ngực: “Nhà có vườn hoa cho má ngắm, có người giúp việc, má không phải làm gì hết”. Bé Út góp phần: “Còn con nhổ tóc sâu cho má”. Chị vừa khóc vừa cười ôm các con vào lòng.

 

Tôi gặp chị trong một lần đi mua hàng. Tình cờ biết chuyện của chị, tôi tò mò hỏi giờ sự việc ra sao? Chị cười: “Người lớn gây gổ ảnh hưởng tới mấy đứa con nít rồi lỡ tụi nó chán nản, học hành sa sút đâm ra chơi bời thì càng tệ hơn. Thôi thì mình cứ nín nhịn, cố gắng làm lụng thêm vài năm, để dành chút ít làm vốn, cũng là đợi bé Út học xong cấp II rồi sẽ đi. Nhà nội sau này có nghĩ lại thì nghĩ, không thì thôi, cũng kệ. Có ba đứa con biết yêu thương và học hành giỏi giang là tài sản lớn nhất đời tôi rồi”.

 

Theo Nguyên Hương

PNO

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm