Sui gia “đàm” một “phán” mười

Khi được con cầu viện, cha mẹ hai bên sẵn sàng ngồi lại với nhau tìm giải pháp giúp đôi trẻ làm ấm lại “tổ lạnh”. Mục đích ban đầu luôn là tốt đẹp, nhưng kết quả lắm khi…

 
Sui gia “đàm” một “phán” mười - 1


“Đàm” một “phán” mười

 

Kết quả duy nhất của việc “đối mặt sui gia” ở nhà chị Kim Hường (buôn bán đồ chơi trẻ em ở Q.6, TPHCM) là con mắt bầm đen và cục u trên trán chị. Vừa bầm giập thân thể, vừa phải đứng bán cả ngày ở chợ, chị còn phải nghe gia đình bên mình gọi điện thoại nheo nhéo hỏi chuyện “đã nộp đơn ly dị chưa”.

 

Sau khi sui gia ngồi lại bàn giải pháp cho chồng chị Hường bỏ nhậu không thành công, gia đình chị đã liên tục làm áp lực để chị bỏ chồng, còn dọa nếu không sẽ từ chị. Chị thấy khuyết điểm của chồng lớn thật, nhưng nghĩ mình còn cố gắng chịu đựng được và vẫn thương chồng nên không muốn ly hôn. Bị hối thúc quá, chị nói dối là đã nộp đơn ly hôn nhưng tòa án không thụ lý vì nguyên đơn đang mang thai (thực ra, trường hợp vợ là bị đơn mà đang mang thai tòa mới bác đơn).

 

Vợ chồng chị Hường kết hôn đã ba năm chưa có con, chồng chị “đổ thừa” do buồn chuyện con cái nên hay đi nhậu. Chị tìm mọi cách từ năn nỉ, nhỏ nhẹ đến… nằm vạ tại bàn nhậu cũng không lay chuyển được chồng bớt nhậu. Tưởng khi chị có thai rồi chồng sẽ tu tỉnh. Ai dè, chồng chị vẫn ăn nhậu, đi đêm, mặc chị ở nhà ôm bụng vò võ chờ… chồng gọi cửa. Chị nảy ra sáng kiến nhờ cha mẹ hai bên từ An Giang và Bình Thuận vào để phụ khuyên bảo chồng.

 

Đêm đầu tiên, bốn người đều bức xúc khi chồng chị không về nhà. Mãi đến trưa hôm sau, thấy con rể mò về trong tình trạng bèo nhèo vì nhậu, bà nhạc ứa gan, nặng lời hỏi tội. Dù không ưa chuyện nhậu nhẹt bê tha nhưng con mình chẳng lẽ để mặc người chửi, bà sui trai kéo bà sui gái lại: “Nó đang say, có gì từ từ nói. Đàn ông thì phải đi nhậu chứ”.

 

Thấy bà sui bênh con khi nó đã sai lè lè như vậy, ba mẹ chị Hường dằn dỗi: “Bởi vậy, con hư tại mẹ”. Rồi sau đó là hàng tràng lời qua tiếng lại trách móc nhau của hai bên sui gia, càng nói càng “nóng mặt”, quên cả mới trước đó vừa đồng lòng “khuyên can” con bỏ nhậu. Đến khi chồng chị Hường điên tiết, đập phá đồ đạc, tuyên bố “thà bỏ vợ chứ không bỏ rượu”, hai bên mới tan hàng. Chị Hường chỉ biết khóc khi thay vì lập lại được hòa bình trong nhà chị, hai bên cha mẹ còn ôm thêm một khối giận hờn.

 

Tương tự, cuộc “gặp gỡ cấp cao” ở nhà chị Thanh Loan (gia công giày dép ở Q.4) cũng “phá sản” vì sự tham gia “trên cả nhiệt tình” của gia đình bên phía chị. Nghe tin rể hẹn hò gái gú, nhà chị Loan (ở Q.8) hùa theo chị đánh ghen. Bắt quả tang hai người tại một quán cà phê đèn mờ nhưng lại để sổng con mồi, cả đoàn kéo về nhà bà sui (chị Loan ở chung nhà mẹ chồng) để bàn cách khiến chồng chị Loan bỏ bồ. Vốn không “hảo” với con dâu và nhà sui, nay gặp phe địch đùng đùng kéo sang, bà sui trai buông một câu huề trớt: “Chuyện tụi nó ai biết gì mà xía vô. Tui cũng có nói rồi nhưng nó mê quá, biết làm sao?”.

 

Mâu thuẫn bùng phát khi bà sui gái chỉ trích bà sui trai bao che cho con “hồ ly tinh”, bà sui trai đính chính con dâu mới là hồ ly tinh vì quá hỗn, không biết đối xử với chồng và gia đình chồng. Bà còn phán một câu xanh rờn: “Trai được quyền năm thê bảy thiếp. Cái mặt con vợ hung dữ, hãm tài vậy, chồng mê gái bên ngoài cũng phải”. Thế là phe nhà gái nổi điên, miệng lớn tiếng, tay chân muốn động đậy.

 

Nghe rùm beng, cảnh sát khu vực đến lập biên bản, nếu không chắc đã phát sinh hỗn chiến. Chị Loan dở khóc dở cười, đi không nỡ, ở không xong. Khổ nhất là đứa con gái nhỏ của chị. Trong giấc mơ, bé cứ ám ảnh cảnh bị nội ngoại giành giật như muốn xé ra làm hai mảnh, khi hai bên hùng hổ “con tao nuôi, cháu tao bắt”. Còn ông chồng trăng hoa thì có cớ công khai hóa chuyện bồ bịch…

 

Hãy vì “cấp thấp”

 

Gặp để… gỡ nhưng trong nhiều trường hợp, do không có kỹ năng đàm phán, người lớn mạnh ai nấy “gỡ” theo cách của mình. Trong tâm trạng xót con, nôn nóng, giận người, trách mình, đôi khi các bậc cha mẹ thiếu sáng suốt, thiếu kiên nhẫn mà thừa cảm tính, nên dễ từ đối thoại chuyển sang đối đầu. Đàng trai lỡ to tiếng, đàng gái cũng nói khó nghe cho xứng tầm. Bức tường tình thâm chao đảo, thiệt đơn thiệt kép cho cả mọi người trong cuộc.

 

Chuyên viên tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai nhận định, người lớn có nhiều kinh nghiệm nên trong suốt hành trình hôn nhân, con cái sẽ vững tay chèo qua khúc quanh nếu rút tỉa được cái hay, cái khéo trong cách giải quyết mâu thuẫn gia đình của bố mẹ. Vai trò dẫn đường cho con thất bại là do nhiều bậc cha mẹ đặt mình sai vị trí, hoặc quá cao so với đối phương để chỉ trích, đổ lỗi, phán quyết; hoặc ngồi luôn vào vị trí “tâm bão” mà quên mình chỉ là người ngoài cuộc đối với mối quan hệ vợ chồng của con.

 

Ông bà dạy: Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình. Sui gia nên thường xuyên thăm viếng nhau, thắt chặt tình nghĩa, biết tính ý nhau, tinh ý nhận ra những biểu hiện bất ổn, phối hợp hướng dẫn con hóa giải xung đột khi còn đơn giản. Khi đó, mái nhà của con mới được gia cố thêm bởi cây cao bóng cả.

 

Khi người lớn cùng vun đắp, làm hậu thuẫn cho đôi trẻ thì sẽ quý trọng tổ ấm của con, từ đó cân nhắc, thận trọng, không làm cho sự cố trở thành biến cố, không vì tự ái cá nhân mà làm cho chuyện rối thêm. Gặp gỡ “cấp cao” ở đây là cao về văn hóa, về tình thân, chứ không phải về tuổi tác, sự giàu có, trình độ, vị thế hoặc lý lẽ của cái đầu.

 

Biết là không ai hiểu vợ/chồng mình bằng mình nên chị Thu An (thành viên Câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc ở Q.Bình Thạnh) luôn chủ động giải quyết chuyện nhà, ý kiến của cha mẹ chỉ để tham khảo. Đã có lần, chị suýt đánh mất hạnh phúc khi định cầu cứu người lớn can thiệp việc chồng nhiều lần cá độ đá bóng thua không ít tiền.

 

Chị muốn nghe lời hứa “không tái phạm” của anh trước mặt đại gia đình chứ không riêng với chị. Ban đầu, chị An định đặt chồng vào thế bị động phải ngồi nghe cha mẹ hai bên thuyết giáo, nhưng chị nhanh chóng “đổi bài” sau khi đi tư vấn. Chồng chị là người coi cha mẹ ruột bằng “vung”, tiếng nói của ông bà hoàn toàn không trọng lượng. Cha chồng chị lại cũng có máu cờ bạc nên đâu nói nổi chồng chị về chuyện đó. Ngược lại, hình ảnh chồng chị An đối với gia đình bên chị thì lại là một chàng rể lý tưởng, vừa thành đạt, vừa biết cư xử. Chị sợ, lợi bất cập hại khi đưa chồng ra mổ xẻ.

 

Quả thật, khi chị ướm hỏi ý chồng, anh phản đối kịch liệt. Anh thà ly dị chứ không chịu nhục. Khi chồng hứa sửa đổi, chị An tranh thủ học kinh nghiệm của các cụ, tích cực giúp chồng đoạn tuyệt thói xấu. Chị nhận ra trước nay cách khuyên giải của mình bị vô hiệu hóa do không tin chồng, không hướng chồng tìm thú đam mê khác có ích hơn. Định hướng lại “toa thuốc” của mình, chị đã giúp chồng đoạn tuyệt dần được với trò đỏ đen.

 

Theo Diệu Hiền

PNO